Nhiều dự án lớn không có khả năng giải ngân hoặc giải ngân chậm

UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, tính đến thời điểm cuối tháng 9/2023, nhiều dự án lớn triển khai trên địa bàn không có khả năng giải ngân hoặc giải ngân chậm.

Chú thích ảnh
Khu vực được giải phóng mặt bằng để thi công tuyến đường vành đai Đà Lạt. Ảnh tư liệu: Đặng Tuấn/TTXVN

Tổng số vốn chưa giải ngân lên tới gần 5.443 tỷ đồng, chiếm 66,7% tổng kế hoạch vốn đầu tư năm 2023 và vốn kế hoạch năm 2022 kéo dài sang 2023.

Theo thống kê, có 12 dự án lớn triển khai trên địa bàn chưa giải ngân hoặc giải ngân chậm. Cụ thể là Dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc giai đoạn 1 với kế hoạch vốn 900 tỷ đồng, chưa giải ngân do đang thực hiện đầu tư. Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương theo phương thức đối tác công tư. Dự án này có kế hoạch vốn trên 506 tỷ đồng, chưa giải ngân do đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư. Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh đang phối hợp với nhà đầu tư lập báo cáo nghiên cứu khả thi cuối kỳ.

Dự án đường vành đai thành phố Đà Lạt và cơ sở hạ tầng dân cư đã giải ngân 34% kế hoạch, Sở Giao thông Vận tải đang điều chỉnh giảm 70 tỷ đồng trong kế hoạch vốn do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Dự án hồ chứa nước Đông Thanh (huyện Lâm Hà) được bố trí vốn năm 2023 trên 164 tỷ đồng, hiện đã giải ngân 4,8% kế hoạch.

Nguyên nhân giải ngân chậm do trong tháng 7/2023, gần khu vực thi công cụm đầu mối đã xảy ra sạt trượt, sụt lún nên cơ quan chức năng đang triển khai xử lý sự cố này. Dự án hồ chứa nước Ta Hoét (huyện Đức Trọng) được bố trí gần 514 tỷ đồng trong năm 2023, mặc dù khởi công từ tháng 2/2023, nhưng đến nay mới giải ngân được 0,1% kế hoạch vốn do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng…

Trước tình hình trên, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố cùng đơn vị chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện 1 số nội dung như: rà soát khả năng thực hiện những dự án kéo dài vốn, lập kế hoạch, tiến độ thực hiện chi tiết từng dự án từ nay đến 30/11/2023; làm việc trực tiếp với nhà thầu để có cam kết tiến độ hoàn thành từng hạng mục; chỉ đạo chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án cắt cử cán bộ chuyên môn theo dõi trực tiếp từng dự án, kiểm tra, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ tiến độ thực hiện công trình theo cam kết của nhà thầu…

Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố khi có phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án, phải kịp thời trao đổi, làm việc với lãnh đạo đơn vị liên quan để giải quyết hoặc báo cáo UBND tỉnh để giải quyết theo thẩm quyền, không để ảnh hưởng đến tiến độ các dự án; rà soát tình hình triển khai dự án, thanh toán giải ngân vốn của từng dự án được kéo dài sang năm 2023. Nếu đến ngày 30/11/2023 tỷ lệ giải ngân không đạt 100% kế hoạch vốn đã bố trí thì tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn được giao.

Trước đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã đặt ra mục tiêu sẽ khởi công 2 dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương vào tháng 9/2023. Tuy nhiên, với tiến độ thực hiện khâu chuẩn bị đầu tư và giải ngân như hiện nay, mục tiêu này đã không thể thực hiện.

Chu Quốc Hùng (TTXVN)
Rà soát, chuyển vốn cho dự án đầu tư công giải ngân nhanh
Rà soát, chuyển vốn cho dự án đầu tư công giải ngân nhanh

Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công theo mục tiêu đề ra, tỉnh Hậu Giang đang tập trung thực hiện nhiều biện pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong những tháng còn lại của năm 2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN