Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn đầu tư vào Quảng Ninh

Ngày 17/12, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Nhật Bản vào tỉnh Quảng Ninh năm 2021.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại các điểm cầu Hà Nội và Tokyo (Nhật Bản).

Chú thích ảnh
 Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký phát biểu tại Hội nghị. 

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh: Với những cam kết đồng hành mạnh mẽ của chính quyền tỉnh Quảng Ninh “nói đi đôi với làm”, trọng chữ tín sẽ mở ra cơ hội mới, tương lai mới về mối quan hệ hữu nghị, đầu tư, hợp tác thương mại giữa doanh nghiệp, các tổ chức xúc tiến của Nhật Bản với Quảng Ninh.

Quảng Ninh ưu tiên thu hút đầu tư, sẵn sàng tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào tỉnh với những ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh vượt trội, tiềm năng khác biệt. Chẳng hạn như dịch vụ tổng hợp hiện đại; công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông minh; kinh tế biển, logistics, cảng biển và dịch vụ cảng biển; nông nghiệp sinh thái; các nhóm ngành thúc đẩy kinh tế xanh như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, điện khí, điện gió…

Tỉnh Quảng Ninh sẵn sàng trao đổi cởi mở tất cả các nội dung các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm; cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục hành chính, đất đai, giải phóng mặt bằng, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn tài sản. Đồng thời, cung cấp các dịch vụ công tiện ích, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng, minh bạch để các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư thành công, bền vững lâu dài tại tỉnh.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Trần Quốc Phương cho hay, quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đang ở trong giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất. Nhật Bản luôn có vị trí đặc biệt quan trọng dựa trên nền tảng quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á”.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chào đón các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng, đặc biệt trong các lĩnh vực mà hai bên cùng có tiềm năng hợp tác như: y tế, giáo dục đào tạo, cơ sở hạ tầng, năng lượng, dầu khí, chuyển đổi số, môi trường, thương mại, nông nghiệp công nghệ cao,... Đây cũng đều là những lĩnh vực phù hợp với thế mạnh của các doanh nghiệp Nhật Bản và định hướng thu hút hợp tác đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong thời gian tới.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ cùng các bộ, ngành và các địa phương; trong đó, có tỉnh Quảng Ninh đồng hành với các nhà đầu tư Nhật Bản, cùng hợp tác, vượt qua những thách thức, tận dụng những cơ hội mới, thúc đẩy đầu tư cũng như phát triển mối quan hệ hợp tác kinh tế bền vững, hai bên cùng có lợi giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Chú thích ảnh
 Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện JETRO Hà Nội, phát biểu tại Hội nghị. 

Ông Yamada Taikio, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam đánh giá cao tỉnh Quảng Ninh có nhiều hạ tầng hoàn thiện như tuyến đường cao tốc kết nối từ sân bay quốc tế Vân Đồn với Hà Nội, Hải Phòng. Tuy số lượng doanh nghiệp Nhật Bản vào Quảng Ninh chưa nhiều, song nhu cầu các doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh là cao. Do vậy, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam mong muốn, tỉnh Quảng Ninh có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực biết tiếng Nhật và đề nghị thành lập khoa tiếng Nhật trong Trường Đại học Hạ Long.

Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện JETRO Hà Nội cho biết, qua khảo sát của JETRO tháng 8, 9/2021 cho thấy, từ năm 2015 trở lại đây, doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng quan tâm đầu tư Việt Nam cao hơn so với ở các quốc gia khác, ở nhiều lĩnh vực; trong đó, xu hướng đầu tư vào lĩnh vực chế tạo, sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng chiếm ưu thế.

Chú thích ảnh
Đại diện nhà đầu tư phát biểu tại Hội nghị. 

Các doanh nghiệp Nhật Bản kỳ vọng vào sự phát triển của Việt Nam và đánh giá cao chất lượng lao động của Việt Nam. Các doanh nghiệp Nhật Bản có xu hướng sử dụng các giảm đốc điều hành doanh nghiệp là người Việt Nam ngày một nhiều.

Hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa ở các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam còn thấp, dưới 40%, nên theo Trưởng đại diện JETRO Hà Nội, cần cải thiện chỉ tiêu này để các doanh nghiệp Nhật Bản có thể chủ động được chuỗi sản xuất, không bị đứt gẫy trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Tại hội nghị, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đề xuất tỉnh Quảng Ninh có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phòng, chống dịch COVID-19; sử dụng năng lượng sạch; công tác quy hoạch; quản lý lao động; chính sách ưu đãi thuế…

Chú thích ảnh
Các đại biểu Nhật Bản tham dự Hội nghị. 

Hiện nay, về đầu tư nước ngoài, Nhật Bản là đối tác lớn thứ 2 của Việt Nam với 4.792 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 64,2 tỷ USD; trong đó, các doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản như: Sumitomo, Toyota, Honda, Mitsubishi... đều đã đầu tư thành công và lâu dài tại Việt Nam. Về thương mại, Nhật Bản là đối tác lớn thứ 4 của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2020 đạt khoảng 40 tỷ USD; trong đó, cán cân thương mại song phương ở mức cân bằng, các sản phẩm có tính bổ trợ lẫn nhau.

Cũng tại hội nghị, Công ty cổ phần đô thị Amata Hạ Long đã ký 2 biên bản ghi nhớ hợp tác với các đối tác Nhật Bản là Tập đoàn KDDI Việt Nam, Tập đoàn Marubeni.

Nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam, tỉnh Quảng Ninh có vị trí địa chiến lược về chính trị, kinh tế với nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; là cửa ngõ giao thương quan trọng và sôi động nhất của Việt Nam với ASEAN. Tỉnh đã huy động nguồn lực lớn, tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông tổng thể, thúc đẩy kết nối vùng, liên vùng, nội vùng.

Cùng đó, tạo đột phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính; rà soát, cắt giảm tối đa, đơn giản hóa, công khai, minh bạch thủ tục hành chính; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng, tính đến hết năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%; trong đó, lao động có bằng cấp, chứng chỉ 45,5%, cao hơn so với trung bình của cả nước.

Văn Đức (TTXVN)
Doanh nghiệp Nhật Bản hy vọng kinh tế Việt Nam sẽ nhanh chóng hồi phục
Doanh nghiệp Nhật Bản hy vọng kinh tế Việt Nam sẽ nhanh chóng hồi phục

Ông Sakuo Inoue, Chủ tịch Công ty TNHH Thép Daiyu (Nhật Bản), thông báo sẽ ủng hộ 1 triệu yen (khoảng 210 triệu đồng) cho Quỹ vaccine phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN