Theo Quyết định số 20/2014/QĐ-TTg ngày 11/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ, Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng có diện tích khoảng 30.130 ha, phạm vi ranh giới bao gồm 37 xã và ba thị trấn (một phần hoặc toàn bộ) các xã biên giới từ xã Đức Long huyện Thạch An đến xã Cần Nông huyện Thông Nông. Dự báo quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 110.000 người - 115.000 người, trong đó dân số đô thị khoảng 30.000 - 35.000 người. Đến năm 2040 khoảng 125.000 - 130.000 người, trong đó dân số đô thị khoảng 50.000 - 55.000 người.
Nội dung quy hoạch cần đánh giá về điều kiện tự nhiên, hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội; các cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kinh tế; dân cư, lao động, điều kiện sống của nhân dân biên giới, nhu cầu phát triển thực tiễn dẫn đến sự cần thiết lập quy hoạch chung; hiện trạng sử dụng đất đai. Đánh giá hiện trạng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và môi trường; đánh giá hiện trạng đầu tư, tình hình triển khai các đồ án quy hoạch và dự án đầu tư có liên quan đã được phê duyệt; đánh giá sự phù hợp của các quy hoạch, dự án đang và dự kiến đầu tư...
Bên cạnh đó, hoạt động quy hoạch cần phân tích được vị thế trong vai trò đầu mối giao thông, trao đổi hàng hóa liên vùng của khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng đối với vành đai kinh tế biên giới Việt Trung, với Trung Quốc chủ yếu thông qua hai tuyến hành lang (Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh) và hành lang kinh tế dự kiến: Trùng Khánh - Quý Châu - Bách Sắc - Cao Bằng - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; phân tích mối liên hệ tương hỗ giữa Khu kinh tế cửa khẩu Cao Bằng với các khu vực cận kề, nghiên cứu quan hệ đối ngoại với các trung tâm kinh tế lớn của tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc; đồng thời, dự báo phát triển về kinh tế - xã hội, dân số, động lực phát triển, dự báo sự thay đổi của môi trường tự nhiên do tác động của đô thị hóa và phát triển kinh tế xã hội, dự báo nhu cầu sử dụng đất, quy mô các khu chức năng của khu kinh tế cửa khẩu theo từng giai đoạn, dự báo các chỉ tiêu kinh tế áp dụng cho khu vực; xác định các tiềm năng và động lực chính để phát triển khu kinh tế cửa khẩu.
Về định hướng phát triển không gian kiến trúc cảnh quan và thiết kế đô thị đến năm 2040, cần đề xuất cấu trúc phát triển, định hướng phát triển không gian kiến trúc cảnh quan, các không gian trọng tâm (khu vực cửa khẩu Tà Lùng, khu vực cửa khẩu Trà Lĩnh, khu vực cửa khẩu Sóc Giang, khu du lịch thác Bản Giốc...) và các vùng có chức năng hỗ trợ và dự trữ phát triển mở rộng trong tương lai; khai thác hiệu quả các yếu tố tự nhiên, địa hình, điều kiện tự nhiên và tổ chức không gian Khu kinh tế cửa khẩu Cao Bằng.
Việc quy hoạch cần tổ chức các khu chức năng: các khu vực xây dựng phát triển mới như khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu logictis, khu phức hợp dịch vụ - du lịch, khu gia công chế biến, khu phi thuế quan, hệ thống các cửa khẩu, khu vực dân cư tái định cư; nghiên cứu giải pháp cải tạo các khu vực dân cư hiện hữu, các khu chức năng vùng đệm hỗ trợ phát triển, các khu vực đô thị và nông thôn đảm bảo phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân gắn với bảo vệ an ninh quốc phòng. Qua đó, xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng thành một khu kinh tế phát triển năng động, hiệu quả, có tầm quốc tế, là một cực tăng trưởng quan trọng - trung tâm phát triển kinh tế của vành đai kinh tế biên giới phía Bắc, trở thành động lực phát triển mạnh của vùng Đông Bắc.