Chính phủ Nhật Bản ngày 26/1 đã công bố mức thâm hụt thương mại năm 2014 của nước này ở con số kỷ lục 12.780 tỷ yen (tương đương 108 tỷ USD), tăng 11% so với năm 2013, trong bối cảnh đồng yen thấp và giá thành nhập khẩu khí hoá lỏng cao do nhu cầu trong nước tăng.
Bốc dỡ hàng hóa tại cảng ở Tokyo ngày 20/11/2014. Ảnh: AFP-TTXVN |
Theo thông báo của Bộ Tài chính Nhật Bản, kim ngạch nhập khẩu năm 2014 của nước này đạt 85.890 tỷ yen, tăng 5,7% so với năm 2013 và là mức cao nhất kể từ năm 1979, trong khi xuất khẩu tăng 4,8% lên mức 73.110 tỷ yen, ghi nhận việc "đất nước Mặt trời mọc" thâm hụt thương mại năm thứ 4 liên tiếp.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, cụ thể, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản tăng 6% lên mức kỷ lục 13.380 tỷ Yen, trong khi kim ngạch xuất khẩu vào các nước Liên minh châu Âu (EU) và Bắc Mỹ lần lượt đạt 7.590 tỷ yen (tăng 8,3%) và 13.650 tỷ yen (tăng 5,6%). Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu từ 3 đối tác trên lần lượt ở mức 19.170 tỷ yen (tăng 8,6%), 8.160 tỷ yen (tăng 6,6%) và 7.540 tỷ yen (tăng 10,7%).
Riêng tháng 12/2014, cán cân thương mại đứng thâm hụt 660,7 tỷ Yen, chịu mức thâm hụt trong tháng thứ 30 liên tiếp. Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết tốc độ tăng nhập khẩu chậm lại do giá dầu mỏ trung bình giảm 29,4% so với năm trước xuống còn 79,1USD/thùng vào tháng 12/2014.
Theo số liệu của bộ trên, tỷ giá đồng yen với đồng USD trong năm 2014 đã hạ 8,7% lên mức trung bình 105,3 so với một năm trước chủ yếu do Ngân hàng Nhật Bản (BoJ) nới lỏng tiền tệ. Việc đồng yen giảm giá sẽ thúc đẩy xuất khẩu và làm tăng thu nhập của Nhật Bản từ đầu tư ở nước ngoài, nhưng cũng khiến giá nhập khẩu cao.
Các chuyên gia phân tích nhận định cán cân thương mại của Nhật Bản có khả năng sẽ được cải thiện trong thời gian tới, một phần do chi phí cho nhập khẩu năng lượng của nước này giảm trong bối cảnh giá dầu thế giới tiếp tục lao dốc. Trong khi đó, chi phí cho nhập khẩu nhiên liệu luôn là gánh nặng đối với nền kinh tế Nhật Bản, đặc biệt sau khi xảy ra thảm hoạ kép động đất - sóng thần Fukushima hồi năm 2011, buộc nước này phải tạm đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân, gây thiếu nguồn cung năng lượng trong nước.
TTXVN/Tin tức