Nhật Bản: Mới chỉ có 30% tiền cũ được thay thế

Theo Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), hơn một năm kể từ khi phát hành tiền giấy mới, tính đến cuối tháng 5/2025, chỉ có 5 tỷ tờ tiền giấy mới được lưu hành trong khoảng 16 tỷ tờ tiền giấy đang lưu hành, tỷ lệ tiền mới đạt 28,8%.

Chú thích ảnh
Đồng yen của Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN

So với lần đổi tiền trước (năm 2004) với có khoảng 60% lượng tiền được thay mới chỉ trong 11 tháng, tức là lần này tốc độ chỉ bằng một nửa.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, BoJ bắt đầu phát hành tiền mới từ ngày 3/7/2024. Tiền giấy mới được sử dụng công nghệ ba chiều (3D) với mục đích lớn nhất là chống làm giả, giúp cho hướng nhìn chân dung thay đổi theo góc nhìn và là công nghệ chống làm giả tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay.

Việc thay thế tiền cũ diễn ra chậm hơn trước vì tổng lượng tiền giấy lưu hành đã tăng so với thời kỳ đó. Theo BoJ, tổng giá trị tiền mặt lưu thông trong các hộ gia đình, doanh nghiệp và tổ chức tài chính đã tăng từ khoảng 77.000 tỷ yen (530 tỷ USD) vào tháng 12/2004, lên khoảng 117.000 tỷ yen (808 tỷ USD) vào tháng 5/2025. Số lượng tờ tiền giấy cũng tăng từ khoảng 11,3 tỷ tờ thời điểm cuối năm 2004 lên khoảng 17 tỷ tờ cuối năm 2024, tức tăng khoảng 50% cả về giá trị lẫn số lượng.

Một quan chức BoJ giải thích: “Vì tổng số lượng tiền giấy lưu thông đã tăng nên tỷ lệ tiền mới thấp đi một cách tương đối” và cho rằng tỷ lệ phổ biến thấp hiện nay vẫn “nằm trong dự tính”. Trong khi đó, mục tiêu chính của đợt đổi tiền là giảm tiền giả đã đạt được. Theo Niên giám Cảnh sát Nhật Bản, số tiền giả bị phát hiện đã giảm mạnh từ 25.858 tờ vào năm 2004 (thời điểm đổi tiền trước) xuống chỉ còn 681 tờ vào năm 2023.

Sau một năm triển khai, việc chuyển đổi diễn ra theo quy trình: Các ngân hàng và tổ chức tài chính tư nhân thu hồi tiền cũ, nộp cho BoJ và nhận tiền mới. Trước đây, do lo ngại tiền giả, việc thu hồi tiền cũ diễn ra rất nhanh nhưng nay các ngân hàng lớn cho rằng “không cần quá gấp trong việc thu hồi tiền cũ”.

Một nguyên nhân khác khiến việc thay tiền chậm là nhu cầu dùng tiền mặt đã giảm. Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, tỷ lệ thanh toán không tiền mặt (dùng thẻ tín dụng, ứng dụng điện thoại…) đã tăng mạnh trong vòng 10 năm, từ 16,9% năm 2014 lên 42,8% năm 2024. Khi thanh toán không tiền mặt lan rộng, lượng tiền mặt lưu thông trên thị trường giảm, dẫn tới ít cơ hội để BoJ thu hồi tiền cũ và thay bằng tiền mới.

Theo ước tính của ông Hideo Kumano, chuyên gia kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Dai-ichi Life, số tiền mặt mà người dân cất giữ tại nhà lên tới khoảng 49.000 tỷ yen (khoảng 340 tỷ USD). Dù xu hướng này đang giảm do lãi suất tăng, nhưng vẫn có một lượng lớn tiền mặt chưa lưu thông trên thị trường.

Trong khi các máy ATM của ngân hàng lớn đã “toàn bộ hỗ trợ tiền mới”, thì vẫn còn nhiều hạ tầng chưa hoàn toàn chuyển đổi. Theo Hiệp hội Máy bán hàng tự động Nhật Bản, khoảng 80–90% máy bán vé (như vé tàu, vé ăn) đã chấp nhận tiền mới, nhưng với máy bán nước tự động thì tỷ lệ này chỉ ở mức 50–60%. Điều này xuất phát chủ yếu từ chi phí cao nên các công ty cũng đang quan sát mức độ phổ biến của tiền mới để quyết định kế hoạch thay đổi máy có thể tiếp nhận tiền mới.

Ngoài ra, với xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phát triển, vai trò của tiền mặt với tư cách là một phương tiện thanh toán cũng giảm đi. Ông Takanobu Kiuchi của Viện Nghiên cứu Tổng hợp Nomura nhận định: “Có khả năng đây sẽ là loại tiền giấy cuối cùng được BoJ phát hành rộng rãi trong vòng 140 năm qua”.

Các nhà hàng và quán ăn bắt đầu cảm nhận rõ hơn sự lan rộng của tiền mới trong thời gian gần đây. Một người kinh doanh trong lĩnh vực ẩm thực tại Tokyo chia sẻ: “Ban đầu vì chi phí cao nên chúng tôi ban đầu định không đầu tư vào đổi máy thanh toán mới, nhưng gần đây số khách mang tiền mới tới đã tăng lên. Nếu máy không nhận tiền mới, khách sẽ đi sang quán khác”.

Ông Takemori Kawanami, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Elcom (một công ty chuyên sản xuất và bán máy bán vé tự động) cho biết: “Thanh toán không dùng tiền mặt đúng là đang tăng lên, nhưng nó tốn phí giao dịch nên không ít nhà hàng, quán ăn có vẻ vẫn đang muốn duy trì thanh toán bằng tiền mặt để bớt một phần chi phí. Điều này tác động đến tốc độ chuyển đổi sang các máy thanh toán chấp nhận tiền mới tại Nhật Bản”.

Phạm Tuân (TTXVN)
Nhật Bản phát hành tiền giấy sử dụng công nghệ chống tiền giả đầu tiên trên thế giới
Nhật Bản phát hành tiền giấy sử dụng công nghệ chống tiền giả đầu tiên trên thế giới

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 3/7, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) bắt đầu phát hành loại tiền giấy mới sử dụng hình ảnh 3 chiều (3D) tiên tiến đầu tiên trên thế giới để chống tiền giả. Đây là lần đầu tiên sau 20 năm Nhật Bản lưu hành tiền giấy mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN