Mặc dù lượng tiêu thụ thép trên thị trường hiện nay có cải thiện, nhưng nếu so sánh với yếu tố mùa vụ thì sức mua vẫn chậm và yếu. Đặc biệt, trong khi lượng thép tồn kho giảm chưa đáng kể thì thép nhập khẩu từ nước ngoài tiếp tục tăng, điều này khiến ngành thép trong nước thêm khó khăn.
Bộ Công Thương cho biết, sản xuất thép các loại trong tháng 11 đạt hơn 586.000 tấn, tăng gần 8% so với năm trước. Tính chung 11 tháng, sản xuất thép các loại đạt 5,55 triệu tấn, tăng gần 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bốc xếp sản phẩm thép cuộn để xuất xưởng tại Công ty Gang thép Thái Nguyên. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN |
Một tín hiệu đáng mừng là sau nhiều tháng sụt giảm, mặc dù đã giảm giá bán thì hiện nay thị trường thép xây dựng nội địa có sự điều chỉnh tăng nhẹ cả về cung cầu và giá cả so với tháng trước. Hiện giá bán thép xây dựng (chưa tính thuế, chưa trừ triết khấu) niêm yết trên thị trường dao động từ 15,6 triệu đến 17,1 triệu đồng/tấn đối thép tròn đốt; từ 16,3 triệu đến 16,4 triệu đồng/tấn đối với thép cuộn phi 6.
Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Nguyễn Tiến Nghi, sản xuất thép các loại trong tháng 11 của các doanh nghiệp thành viên chỉ đạt 400.000 tấn; tiêu thụ 380.000 tấn; tồn kho 330.000 tấn, giảm nhẹ so với tồn cao nhất trong năm là 350.000 tấn. Tính chung 11 tháng qua, sản xuất đạt 4,137 triệu tấn, tiêu thụ đạt 4,072 triệu tấn.
Hiện giá bán thép đang chững và ở mức thấp. Cụ thể, giá bán (chưa tính thuế, chưa trừ triết khấu) dao động từ 14,5 triệu đến 15,5 triệu đồng/tấn. Với những diễn biến trong suốt 11 tháng qua, ông Nghi nhận định, hoạt động sản xuất và tiêu thụ của ngành đang âm từ 8% đến 9%, trái ngược với mức dự báo tăng trưởng từ 3% đến 4% hồi đầu năm.
Cũng theo VSA, dù đã bước sang tháng 10 âm lịch - thời điểm nhiều công trình xây dựng đẩy nhanh tiến độ hoàn thành kế hoạch vào dịp cuối năm, song điều đó đã không xảy ra như những năm trước đây khiến lượng tiêu thụ thép tiếp tục suy giảm, dù giá thép thời gian qua giảm liên tục. Dự báo, sức tiêu thụ thép trong tháng 12 vẫn không tăng.
Trong khi sức tiêu thụ thép sản xuất trong nước đã chậm như vậy, thì thép nước ngoài nhập khẩu lại tiếp tục tăng, đặc biệt là thép Trung Quốc giá rẻ nhưng chất lượng không bằng thép sản xuất trong nước. Thép Trung Quốc đang được tiêu thụ mạnh, nhất là ở các vùng nông thôn, các công trình tư nhân, khiến doanh nghiệp thép trong nước đã khó khăn lại càng thêm khó khăn. Do đó, các doanh nghiệp buộc phải tiếp tục điều chỉnh lại kế hoạch của mình, tiết giảm sản xuất, để giảm lượng hàng tồn kho.
Một trong những nguyên nhân khiến sức tiêu thụ thép giảm mạnh là do ảnh hưởng chung của nền kinh tế cùng với chủ trương kiềm chế lạm phát của Chính phủ như cắt giảm đầu tư công, nhiều dự án bất động sản và nhiều công trình xây dựng ngừng triển khai do thiếu vốn... Ngoài ra, vấn đề cạnh tranh với thép cuộn nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc tràn vào cũng là nguyên nhân khiến sức tiêu thụ ở thị trường trong nước tiếp tục sụt giảm.
Bộ Công Thương cũng cho biết, ngành thép trong nước chưa thể nhanh chóng cải thiện tình hình sản xuất kinh doanh do sức tiêu thụ sản phẩm chậm, trong đó, nguyên nhân sâu xa vẫn là do quy hoạch thép bị phá vỡ gây mất cân đối giữa cung và cầu.
Dẫn chứng về điều này, VSA cho biết, trong năm 2012, chỉ tính đến cuối tháng 11, cả nước đã có 10/12 dự án thép đi vào hoạt động với tổng công suất thiết kế khoảng 1,5 triệu tấn phôi và 1,5 triệu tấn thép thành phẩm (chủ yếu là thép xây dựng). Như vậy, đến nay, năng lực sản xuất của các nhà máy thép trong nước đã lên đến 17 triệu tấn thép thành phẩm các loại và phôi thép, trong khi mức tiêu thụ của năm 2012 ước tính chỉ vào 10,5 triệu tấn.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ Công Thương sẽ cùng với VSA và các bộ, ngành, các địa phương triển khai, rà soát lại các dự án thép và sẽ có giải pháp xử lý đối với các dự án kém hiệu quả. Trong đó, đặc biệt chú ý đến các dự án ngoài quy hoạch, các dự án đầu tư, sử dụng các trang thiết bị lạc hậu, tiêu tốn nhiều điện năng...
Đối với thép giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc, sẽ tìm biện pháp tháo gỡ nhằm hạn chế việc cạnh tranh không lành mạnh của thép nhập khẩu với thị trường trong nước và tăng cường xúc tiến thương mại tìm hiểu cơ hội và đầu tư tại các thị trường nước ngoài tiềm năng nhằm tìm đầu ra xuất khẩu cho ngành thép như thị trường Campuchia, Thổ Nhĩ Kỳ.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đề nghị các doanh nghiệp trong ngành cần sớm nghiên cứu, tính toán lại việc giảm giá một số hàng hóa tồn kho lâu ngày, bám sát diễn biến của thị trường để có những điều chỉnh về chính sách bán hàng cho phù hợp nhằm đẩy mạnh công tác tiêu thụ vào những tháng tiếp theo.
Văn Xuyên