Trước thông tin lần đầu tiên Việt Nam ký hợp đồng mua 70.000 tấn gạo 100% tấm từ Ấn Độ, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, Việt Nam không thiếu gạo. Việt Nam vẫn đang dư thừa lương thực, đủ sức phục vụ nhu cầu tiêu dùng, chế biến của 100 triệu dân và chủ động cung ứng đủ lượng gạo xuất khẩu.
Theo Cục Trồng trọt, năm 2020, cả nước đã thu hoạch được 42,8 triệu tấn lúa, trong khi đó xuất khẩu khoảng 6,15 triệu tấn gạo. Bên cạnh đó, dự kiến trong tháng 1/2021, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ thu hoạch khoảng trên 1,2 triệu tấn lúa vụ Đông Xuân sớm. Kế hoạch sản xuất lúa Đông Xuân 2020-2021 trên cả nước và các vụ của năm 2021 vẫn diễn ra bình thường.
Ông Nguyễn Như Cường cũng cho rằng, việc Việt Nam lần đầu tiên mua gạo từ Ấn Độ không có nghĩa Việt Nam đang thiếu hụt nguồn cung lương thực nên phải nhập khẩu. Đây là điều hoàn toàn bình thường trong hoạt động kinh doanh của mỗi doanh nghiệp và hoạt động thương mại.
Cũng liên quan tới thông tin trên, ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, các hội viên VFA đều là doanh nghiệp xuất khẩu gạo nên chưa nắm được thông tin doanh nghiệp nào nhập khẩu gạo từ Ấn Độ. Mọi hoạt động thu mua, xuất khẩu gạo vẫn diễn ra bình thường và không có chuyện Việt Nam khan hiếm gạo ăn.
Theo ông Nguyễn Trung Kiên, nếu có nhập khẩu gạo tấm như thông tin các báo nước ngoài đăng thì cũng không có gì bất thường. Việt Nam sản xuất, xuất khẩu gạo chất lượng cao và nhập khẩu gạo chất lượng thấp, gạo 100% tấm giá rẻ để phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi, nấu bia hay làm bún, phở và điều này không có gì mâu thuẫn.
Bởi khi các doanh nghiệp cần nguyên liệu chế biến thì ở đâu bán giá rẻ hơn, phù hợp với nhu cầu thì họ mua. Mặt khác, nguồn tấm dạng chất lượng thấp để làm thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam hiện nay hầu như không có, vì những năm gần đây ngành lúa gạo đã chuyển đổi sang sản xuất gạo chất lượng cao.
“Loại gạo 100% tấm của Việt Nam xuất khẩu hiện cũng có giá 450 USD/tấn, cao hơn tấm Ấn Độ tới 140 USD/tấn. Vì vậy, nguồn tấm Ấn Độ giá thấp sẽ được các công ty Việt Nam ưu tiên nhập khẩu để phục vụ nhu cầu chế biến” - ông Kiên lý giải thêm.
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty Gạo Việt Hưng (Tiền Giang) khẳng định, Việt Nam không thể khan hiếm hay thiếu gạo phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Mặc dù sản lượng gạo vụ Thu Đông còn ít nhưng doanh nghiệp vẫn đủ lượng để xuất khẩu theo các đơn hàng đã ký.
Thêm vào đó, Đồng bằng Sông Cửu Long sắp vào vụ Đông Xuân 2020-2021 với sản lượng lớn, trong khi giá gạo xuất khẩu Việt Nam đang cao nên khách hàng vẫn còn khá dè chừng, chưa ký nhiều đơn hàng mới.
Về thông tin Việt Nam nhập khẩu gạo tấm từ Ấn Độ, ông Đôn cho rằng, đây là hiện tượng bình thường, từ trước tới nay Việt Nam vẫn nhập khẩu gạo chất lượng thấp và các sản phẩm đậu nành, bắp, bánh dầu từ một số nước để chế biến thức ăn chăn nuôi. Hiện nay, giá gạo tấm Ấn Độ rẻ hơn các nước khác và rẻ hơn gạo tấm trong nước thì doanh nghiệp chọn nhập từ Ấn Độ là hợp lý.
“Sau nhiều năm tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo, hiện nay Việt Nam hầu như không còn sản xuất gạo chất lượng thấp, ngay cả gạo tấm Việt Nam cũng là gạo tấm chất lượng cao, phục vụ con người và có giá bán từ 430-450 USD/tấn. Trong khi các doanh nghiệp chỉ có nhu cầu gạo tấm chất lượng thấp, lại mua được với giá rẻ 310 USD/tấn, chênh tới hơn 100 USD/tấn thì chẳng ai dại gì mà dùng tấm trong nước cho chế biến", ông Nguyễn Văn Đôn nhấn mạnh.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng khối lượng gạo xuất khẩu cả năm 2020 đạt 6,15 triệu tấn với giá trị 3,07 tỷ USD, giảm 3,5% về khối lượng nhưng tăng 9,3% về giá trị so với năm 2019. Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với khoảng 32% thị phần.
Theo Reuters, Việt Nam mua gạo Ấn Độ lần đầu tiên sau nhiều thập niên. Các thương nhân Ấn Độ đã ký hợp đồng xuất khẩu 70.000 tấn gạo 100% tấm và kế hoạch giao hàng vào tháng 1 và tháng 2 với giá khoảng 310 USD/tấn theo phương thức giao hàng FOB.
Giá gạo của Ấn Độ hiện ở mức rất hấp dẫn và sự chênh lệch giá khá lớn đang khiến việc xuất khẩu gạo nói trên trở nên khả thi.
Gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán khoảng 500- 505 USD/tấn, cao hơn đáng kể so với giá gạo của Ấn Độ là 381- 387 USD/tấn. Nguồn cung giảm và việc Philippines tiếp tục mua gạo đã nâng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lên mức cao nhất trong chín năm qua.