Thay đổi nhận thức
Vụ Mùa năm 2021 là vụ đầu tiên huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đưa vào gieo cấy thử nghiệm 10 ha lúa nếp cau theo hướng hữu cơ tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Thiện, xã Quang Thiện. Mô hình áp dụng phương thức gieo cấy bằng “máy cấy - mạ khay”, không sử dụng các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học mà dùng 100% phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học để phòng trừ sâu bệnh đã cho năng suất bình quân 200 kg/sào, lợi nhuận khoảng 2 triệu đồng/sào, cao hơn 10 - 15% so với lúa thường.
Thấy được hiệu quả kinh tế cao lại mang tính bền vững của mô hình, huyện Kim Sơn đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi từ gieo sạ sang cấy máy hoặc tay, mở rộng diện tích lúa chất lượng cao canh tác theo hướng hữu cơ. Năm 2022, diện tích trồng lúa nếp hạt cau của huyện đạt hơn 2.400 ha; trong đó, có hơn 560 ha lúa canh tác theo hướng hữu cơ. Đến năm 2023, diện tích lúa đặc sản của huyện Kim Sơn đạt hơn 3.000 ha gieo trồng lúa nếp hạt cau, lúa ST25; gần 1.200 ha lúa các loại được canh tác theo hướng hữu cơ.
Ông Vũ Văn Tấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Sơn cho biết, mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ áp dụng "5 không" (không sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học; không tưới nước ô nhiễm; không chất bảo quản, chất kích thích tăng trưởng; không giống biến đổi gen; không dư lượng hóa chất độc hại) nên đã hạn chế rất nhiều tình trạng vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật vứt bỏ tràn lan trên đồng ruộng, thay vào đó là ý thức chấp hành quy trình chăm sóc lúa bằng phân hữu cơ của người nông dân đã được nâng lên. Hiệu quả từ mô hình mang lại không chỉ giúp tăng diện tích mà còn làm thay đổi nhận thức của người nông dân Kim Sơn trong việc canh tác lúa theo hướng bền vững, nâng cao giá trị.
Là địa phương có tỷ lệ lúa gieo sạ cao (có thời điểm đạt trên 80%), ngành nông nghiệp huyện Yên Khánh từng gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận động người dân ngưng gieo sạ và chuyển đổi sang hình thức cấy máy, cấy tay gắn với sản xuất theo hướng hữu cơ.
Tuy nhiên, bằng việc triển khai hàng loạt các giải pháp đồng bộ như kiên trì tuyên truyền trực tiếp hay lồng ghép ở các hội nghị, phổ biến về hiệu quả sản xuất lúa theo hướng hữu cơ đem lại, xây dựng các mô hình trình diễn để bà con nông dân có thể so sánh... mà vụ Mùa vừa qua là huyện đã vận động bà con tăng diện tích lúa cấy. Cụ thể, trong tổng diện tích 7.684 ha lúa, đã có 3.920 ha lúa cấy (chiếm 51%); trong đó, diện tích cấy bằng máy là 700 ha (chiếm 10%). Huyện cũng đặt mục tiêu nâng tỷ lệ giống lúa chất lượng cao đạt 97%.
Ông Nguyễn Mạnh Toàn, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Khánh cho biết, để thay đổi nhận thức của người dân về chương trình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bền vững, bảo vệ môi trường là điều không đơn giản, nhất là trong bối cảnh lao động nông nghiệp bị thiếu hụt, nhiều hộ không mặn mà với đồng ruộng. Điều đáng mừng là sau nhiều vụ áp dụng quy trình sản xuất lúa an toàn, theo hướng hữu cơ, đồng ruộng đã có sự thay đổi tích cực, đó là cơ sở để bà con nông dân tự nguyện làm theo.
Hướng tới sản xuất lúa hữu cơ
Bắt đầu triển khai từ năm 2018, với quy mô 15,7 ha, đến nay, mô hình liên kết sản xuất lúa đặc sản, chất lượng cao theo hướng hữu cơ, chuỗi giá trị đã nhân rộng ở các huyện, thành phố trong tỉnh Ninh Bình. Nhờ áp dụng kỹ thuật canh tác cải tiến, sử dụng phân bón hữu cơ, ứng dụng cơ giới hóa trong khâu gieo cấy, thu hoạch, đã tiết giảm được công lao động, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và hiệu quả cao hơn so với sản xuất lúa thường. Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, chuỗi giá trị không những từng bước mở rộng diện tích lúa đặc sản, chất lượng cao mà còn thúc đẩy cơ giới hóa đồng bộ, tăng cường liên kết 4 nhà, nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp.
Diện tích lúa đặc sản, chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện nay tiếp tục được mở rộng lên 75% tổng diện tích gieo cấy. Năm 2023, diện tích lúa sản xuất theo hướng hữu cơ và theo chương trình giống mới, tiến bộ kỹ thuật mới đạt trên 3.600 ha (trong đó diện tích sản xuất lúa đặc sản, chất lượng cao theo hướng hữu cơ có liên kết bao tiêu sản phẩm là trên 1.500 ha và trên 2.000 ha diện tích sản xuất theo chương trình giống mới, tiến bộ kỹ thuật mới).
Ông Bùi Hữu Ngọc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Bình khẳng định, việc thực hiện mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ và hướng tới mở rộng diện tích sẽ không chỉ góp phần tạo ra những sản phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe con người mà còn nâng cao nhận thức, thay đổi phương thức canh tác của người dân trong hoạt động sản xuất nông nghiệp bền vững; đồng thời còn giúp giảm công lao động, nâng cao giá trị cây trồng, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái đồng ruộng, phù hợp với thích ứng biến đổi khí hậu hiện nay.
Để nhân rộng mô hình, trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về lợi ích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ; tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc lúa theo hướng hữu cơ... từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm lúa gạo để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Tỉnh khẩn trương rà soát lại vùng quy hoạch sản xuất lúa theo chuỗi, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu được giá trị của liên kết, tích cực tham gia thực hiện, tạo thành vùng chuyên canh, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu lúa gạo cho Ninh Bình.