Với diện tích đất ít, không thể sản xuất nông nghiệp, anh Nguyễn Phúc Tâm, xã Phú Nhuận, thành phố Bến Tre đầu tư nuôi cầy vòi hương (chồn hương), bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khả quan.
Anh Tâm cho biết, trước đây gia đình có cơ sở nhỏ sản xuất đũa gia công, nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Theo dõi trên mạng, nhận thấy nhiều hộ gia đình nuôi động vật hoang dã cho thu nhập khá, anh Tâm mạnh dạn đầu tư mua 2 cặp giống chồn hương và 2 cặp dúi về nuôi.
Đến nay sau 4 năm, anh Tâm nhân đàn chồn hương lên 25 con nái, 5 con đực giống. Ngoài ra, có 40 chồn con và chồn thương phẩm đang chuẩn bị xuất bán. Hiện với giá chồn giống dao động 8 - 10 triệu đồng/cặp (đực, cái), chồn thịt thương phẩm 1,5 - 2 triệu đồng/kg. Sau khi trừ mọi chi phí, mỗi năm gia đình anh Tâm thu nhập hơn 150 triệu đồng.
Theo anh Tâm, chồn hương được nuôi trong ô chuồng và bắt đầu sinh sản sau khi nuôi từ 12-15 tháng. Nếu ổn định, mỗi năm, 1 con cầy vòi hương cái có thể mang lại thu nhập 20 triệu đồng từ việc bán con giống và xuất thương phẩm. Chồn hương dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc, diện tích xây dựng chuồng trại nhỏ. Bên cạnh đó, anh Tâm đầu tư hệ thống xử lý nước thải (biogas) để đảm bảo an toàn về môi trường xung quanh.
Cùng với đó, anh Tâm đăng ký hộ chăn nuôi động vật hoang dã với ngành chức năng. Hiện con giống được anh Tâm bán ra các tỉnh miền Trung, miền Bắc để người dân nuôi thương phẩm hoặc làm giống.
Theo anh Trương Công Định, xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm (Bến Tre), chăn nuôi chồn hương góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình. Anh Định chia sẻ, canh tác vườn dừa mấy năm gần đây thu nhập không cao do giá dừa sụt giảm mạnh. Anh Định có thử sức chăn nuôi nhiều con (nuôi bò, dê…) nhưng hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao.
Nhận thấy chăn nuôi chồn hương mang lại hiệu quả, nhưng lúc đầu anh Định e ngại do giá con giống cao. Sau khi mua thử 1 cặp giống về nuôi, thấy hiệu quả anh Định đã quyết tâm đầu tư để nuôi theo quy trình, kỹ thuật. Sau hơn 3 năm nhân nuôi, đến nay anh Định đã có số lượng đàn với 40 nái, 10 đực để nhân giống. Ngoài ra, thường xuyên có 30-40 con non để bán làm giống và nuôi thương phẩm.
Anh Định cho biết, chồn hương dễ nuôi, chăm sóc chủ yếu giữ vệ sinh sạch sẽ ít bệnh, nguồn thức ăn tại địa phương có nhiều như: chuối, cá trê… Anh Định thu mua chuối xiêm của người dân địa phương để làm thức ăn cho chồn hương. Bên cạnh đó, tuân thủ quy định pháp luật, có giấy phép chăn nuôi động vật hoang dã của Chi cục Kiểm lâm, xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của con vật.
Anh Định chia sẻ, ngoài thu nhập từ sản xuất vườn, mỗi năm nguồn thu từ nuôi chồn hương từ 150-200 triệu đồng, giúp kinh tế gia đình thu nhập ổn định. Thời gian tới, anh Định chia sẻ, hỗ trợ người dân địa phương cùng tham gia nuôi chồn hương. Từ đó, tạo điều kiện lan tỏa hiệu quả làm kinh tế đến với mọi người, thành lập tổ hợp tác liên kết các đầu mối thu mua để tạo đầu ra ổn định cho người dân.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bến Tre, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 246 hộ nuôi động vật hoang dã với khoảng hơn 6.700 cá thể. Riêng loài cầy vòi hương có số hộ gây nuôi nhiều nhất, với 184 hộ với khoảng 2.200 cá thể. Công tác quản lý gây nuôi, kinh doanh động vật hoang dã thực hiện theo các quy định như: quản lý về hồ sơ, kiểm tra, xác minh nguồn gốc, theo dõi số lượng tăng, giảm đàn; xác nhận vận chuyển trong quá trình mua bán; cấp mã số trại nuôi.
Từ năm 2021 đến nay, Chi cục Kiểm lâm đã cấp 62 mã số cơ sở nuôi đối với các cơ sở nuôi quy mô trang trại, duy trì số lượng đàn vật nuôi khá ổn định, đồng thời đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định. Chi cục tổ chức 27 lớp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lâm nghiệp với 896 lượt người tham dự, phát hành 1.800 tờ bướm tuyên truyền về quản lý, bảo vệ rừng, quản lý, bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã.
Theo ông Nguyễn Văn Bàn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bến Tre, trồng xen, nuôi xen để góp phần tăng thu nhập được các hộ dân áp dụng hiệu quả. Thời gian gần đây, việc nhân nuôi động vật hoang dã, nhất là nuôi chồn hương được mọi người áp dụng mang lại hiệu quả cao trên cùng diện tích đất sản xuất. Với giá thành cao, ít tốn công chăm sóc, nuôi chồn hương đang là hướng đi mới, hiệu quả của bà con nông dân.
Hiện các cấp Hội thường xuyên giới thiệu chia sẻ các mô hình hay, hiệu quả cho các hộ nông dân áp dụng. Bên cạnh đó, thường xuyên hỗ trợ, hướng dẫn người dân nhân nuôi động vật hoang dã đăng ký thủ tục pháp lý khi nuôi, có nguồn gốc rõ ràng. Mặt khác, hướng tới kêu gọi người dân tham gia tổ hợp tác trong chăn nuôi để cùng nhau phát triển, ổn định bền vững.