Theo đó, nhiều quy định mới đã thay đổi rõ nét về chủ thể vay vốn, điều kiện vay vốn, hồ sơ vay, mục đích vay vốn, nhu cầu không được vay, phương thức cho vay… Cụ thể, Thông tư 39/2016 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/3/2017 đã thay thế cho quy chế vay 1627, quy định rõ nét và chặt chẽ hơn về chủ thể vay vốn, điều kiện vay vốn, hồ sơ vay, mục đích vay vốn, nhu cầu không được vay, phương thức cho vay...
Làm thế nào để xác định DN có chức năng kinh doanh phù hợp với nhu cầu vay vốn khi luật DN ngày càng thông thoáng hơn cũng đang khiến ngân hàng dễ gặp rủi ro khi cho vay. |
Trước đây, khi cho doanh nghiệp (DN) vay vốn, về mặt hồ sơ pháp lý, ngân hàng chỉ cần thẩm định và lưu giữ giấy chứng nhận đăng ký DN. Giấy tờ pháp lý này ghi nhận rõ ràng những ngành nghề, chức năng kinh doanh của DN. Thậm chí, nếu DN kinh doanh thuộc lĩnh vực có điều kiện, thông tin đó cũng được ghi nhận như một kết quả hoàn tất quá trình thẩm định từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ngân hàng chỉ đơn giản căn cứ các thông tin trên giấy tờ pháp lý này mà xét duyệt, cấp vay vốn.
Hiện nay, với sự thay đổi của Luật DN 2014, trên giấy chứng nhận đăng ký DN không có ghi thông tin ngành nghề kinh doanh. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cũng không yêu cầu DN phải hoàn tất mọi điều kiện đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì mới cấp giấy chứng nhận như trước. DN có thể tự do đăng ký mọi ngành nghề trong danh mục 276 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Pháp luật chỉ đặt ra nguyên tắc khi bắt đầu hoạt động ngành nghề đó, DN phải bảo đảm có đủ điều kiện.
Tuy nhiên, trong buổi trao đổi trực tuyến trên mạng xã hội của Trường doanh nhân Bizlight mới đây với chủ đề "Rủi ro hoạt động pháp lý trong hoạt động cho vay", chuyên gia kinh tế - Luật sư, Tiến sĩ Bùi Quang Tín cho rằng, vấn đề đặt ra là ngân hàng sẽ dựa vào đâu để biết được DN có chức năng kinh doanh phù hợp với nhu cầu vay vốn hay không? Và dựa vào đâu để biết DN đã thực sự đủ điều kiện kinh doanh ngành nghề có điều kiện.
Theo LS.TS Tín, thực tế vẫn tồn tại những quy định yêu cầu ngành nghề kinh doanh phải được ghi nhận trên một số tài liệu của DN, như thông báo đăng ký, thay đổi, điều chỉnh nội dung kinh doanh của DN, điều lệ DN... Do vậy, ngân hàng phải đổi mới nghiệp vụ, thay vì chỉ cần có giấy chứng nhận đăng ký DN, phải chủ động lưu giữ và thẩm định thêm những tài liệu mới như trên. Nếu không làm vậy, nguy cơ DN kinh doanh trái phép biểu hiện, còn ngân hàng vẫn gặp phải thách thức bị quy kết cho vay trái mục đích sử dụng vốn.
Đồng tình quan điểm này, LS Vũ Quyết Tiến, thành viên Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, Luật sư của Trường doanh nhân BizLight, chỉ ra những nguyên nhân sai phạm trong nghiệp vụ cho vay thời gian qua, phần lớn là do các nhân viên ngân hàng thiếu kiến thức pháp luật, trong khi đó hoạt động thanh tra, giám sát của các Ngân hàng nhà nước (NHNN) vẫn chưa thực thi pháp luật nghiêm minh. Mặt khác, pháp luật ngân hàng vẫn còn chồng chéo và cần có thời gian hoàn thiện. Theo đó, giải pháp để hạn chế rủi ro cho vay tại các hoạt động trong ngân hàng vẫn nên thực hiện nghiêm thẩm định tín dụng, quyết định cho vay và giải ngân, kiểm soát sau cho vay.
LS Trần Viết Quân, thành viên đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, luật sư BizLight, cũng cho hay trong năm 2017, nhiều đại án kinh tế sẽ được đưa ra xét xử theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Trong số 12 đại án, liên quan nhiều nhất là Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB). Trong đó, đại án ngân hàng nào cũng gây tranh cãi về các vấn đề pháp lý trong cách nhìn nhận về nghiệp vụ của ngân hàng.
Do đó, rủi ro pháp lý trở thành thách thức hàng đầu trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng. Phần lớn, các đại án này diễn ra trong 10 năm qua. Cụ thể, năm 2013 có 9 đại án hình sự về ngân hàng được công bố xét xử. Bối cảnh pháp lý về nghiệp vụ cho vay trong thập niên này là Quy chế cho vay 1627. Điển hình vụ án về vi phạm cho vay và thất thoát vốn nhà nước tại NH TMCP Đại Dương (OceanBank), Hà Văn Thắm đã chỉ đạo cho vay không bảo đảm điều kiện vay vốn; không có tài sản bảo đảm; khách hàng sử dụng vốn vay không đúng mục đích, trái quy định.
Nổi lên là khoản vay 500 tỉ đồng mà Hà Văn Thắm đã cho Công ty TNHH MTV Dịch vụ và Thương mại Trung Dung của Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT NH VNCB vay không có tài sản bảo đảm, đến nay mất khả năng thu hồi và có nhiều hành vi sai phạm. “Đa số các đại án khác cũng đều bắt nguồn từ những nguyên tắc quản trị ngân hàng bị phá vỡ, hoặc không có điều kiện bảo đảm thực thi. Khi mà một cá nhân nắm hoàn toàn quyền chi phối và không màng đến rủi ro pháp lý, hàng nghìn tỷ đồng của ngân hàng có thể “bốc hơi”, LS.TS Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế nhận định.
Dự thảo quy định cho vay tại các NH hiện nay ngày càng chặt chẽ và tiến tới phù hợp với thông lệ quốc tế, nhưng các NH vẫn phải chủ động phòng ngừa rủi ro khi cho vay. |
Do vậy, chuyên gia Tín cho rằng, các ngân hàng phải đổi mới nghiệp vụ, thay vì chỉ cần có giấy chứng nhận đăng ký DN, phải chủ động lưu giữ và thẩm định thêm những tài liệu mới như trên. Nếu không làm vậy, thì nguy cơ DN kinh doanh trái phép hiển hiện, còn ngân hàng vẫn gặp phải thách thức bị quy kết cho vay trái mục đích sử dụng vốn.
Nhìn nhận đúng về môi trường, bối cảnh pháp lý, coi trọng quản trị rủi ro thì ngân hàng sẽ có những giải pháp linh hoạt, an toàn phục vụ hoạt động kinh doanh, dĩ nhiên, đó sẽ là thách thức của giai đoạn mới. Bởi với hành vi gây thiệt hại, chỉ có thể khắc phục thiệt hại bằng tài sản của chính người phạm tội. Không thể truy thu số tiền từ các giao dịch mà người phạm tội đã thực hiện nếu các giao dịch này hợp pháp.
Chủ trương của Đảng và Nhà nước trong các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng là thu hồi tiền, khắc phục tối đa thiệt hại từ tài sản bị chiếm đoạt, từ tài sản của người phạm tội, tránh tẩu tán tài sản, chứ không phải là chủ trương khắc phục hậu quả từ các giao dịch hợp pháp. Do vậy, việc xác định hành vi trong các đại án là rất quan trọng.
Nếu cho rằng, hành vi của Phạm Công Danh là “chiếm đoạt tài sản” chứ không phải cố ý làm trái hoặc vi phạm quy định về cho vay “gây thiệt hại” cho VNCB thì số tiền hơn 6.800 tỷ đồng được xác định có nguồn gốc từ hành vi cố ý làm trái và vi phạm quy định về cho vay của Phạm Công Danh sẽ được thu hồi.
Theo đó, LS. TS Bùi Quang Tín khuyến cáo: Với những quy định được sửa đổi hiện mới nằm trên dự thảo và đang chờ thêm thời gian để hoàn chỉnh hơn và phù hợp với thông lệ quốc tế, vì thế trong thời gian hoàn thiện, người hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng cũng phải hết sức cẩn thận, tôn trọng quy định pháp luật.