Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến đón chuyến bay thương mại đầu tiên vào ngày 17/4.
Nhà ga T3 được xây dựng với mục tiêu giảm áp lực cho nhà ga T1 vốn đã hoạt động vượt công suất trong thời gian dài. Khi vận hành toàn diện, nhà ga T3 sẽ nâng tổng công suất phục vụ hành khách nội địa của sân bay lên 20 triệu lượt mỗi năm, góp phần cải thiện dịch vụ và giảm tình trạng quá tải tại khu vực hiện hữu.
Theo Cục hàng không Việt Nam, Vietnam Airlines và Vietjet Air là hai hãng đầu tiên khai thác các chuyến bay nội địa từ nhà ga mới. Các hạng mục kỹ thuật phục vụ hành khách như làm thủ tục, soi chiếu an ninh, hành lý và biển chỉ dẫn đã được hoàn tất.
Từ ngày 17/4, các chuyến bay giữa TP Hồ Chí Minh và Vân Đồn của Vietnam Airlines sẽ khởi hành tại nhà ga mới. Tới cuối tháng 4, toàn bộ các chuyến nội địa của hãng (trừ các đường bay đi Côn Đảo, Cà Mau và Rạch Giá) sẽ được chuyển sang nhà ga T3.
Lễ khánh thành chính thức nhà ga T3 dự kiến diễn ra ngày 19/4, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bên trong nhà ga T3 đã hoàn thiện. Ảnh: ACV
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, gần 200 công nhân đang tích cực thực hiện tổng vệ sinh tại các khu vực trọng yếu như phòng chờ, sảnh đến và nhà xe để đảm bảo sẵn sàng trước lễ khánh thành.
Trong giai đoạn đầu vận hành, nhà ga sẽ triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ hành khách như tăng cường nhân viên hướng dẫn, lắp đặt hệ thống chỉ dẫn trực quan và cập nhật thông tin kịp thời qua ứng dụng số. Đặc biệt, các nhóm hành khách đặc thù như người cao tuổi, phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ sẽ được bố trí hỗ trợ riêng biệt.
Nhà ga T3 có quy mô 1 tầng hầm và 4 tầng nổi, với tổng diện tích sàn 112.500 m2. Ảnh: ACV
Theo thiết kế, nhà ga T3 có tổng diện tích sàn 112.500 m² với 1 tầng hầm, 4 tầng nổi, bố trí 90 quầy làm thủ tục truyền thống, 20 quầy tự động thả hành lý, 42 kiốt check-in, 27 cửa ra máy bay và 25 cửa kiểm soát an ninh. Các khu vực VIP, thương gia và khách ưu tiên được thiết kế riêng nhằm đảm bảo sự thuận tiện.
Nhà xe nhà ga T3 có 2 tầng hầm, 4 tầng nổi và khu nhà để xe máy 3 tầng, kết nối trực tiếp với nhà ga qua hành lang cầu, với diện tích sàn hơn 130.000 m². Việc phân luồng phương tiện và tổ chức đón, trả khách được điều chỉnh để phù hợp với lưu lượng hành khách gia tăng.
Nhà ga mới được thiết kế để phục vụ đến 7.000 hành khách mỗi giờ cao điểm, có khả năng khai thác các loại máy bay từ code C đến code E. Đây là nền tảng quan trọng để phát triển hệ thống sân bay hiện đại, thông minh và bền vững tại TP Hồ Chí Minh.