Tuy giá vú sữa có sụt giảm và giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cao so với cùng kỳ năm ngoái nhưng theo phản ánh của các nhà vườn mùa vú sữa năm nay vẫn có lợi nhuận, nhưng về lâu dài, người trồng vú sữa mong muốn có hợp tác đầu ra ổn định.
Có lợi nhuận nhưng không vui
Thành phố Cần Thơ có trên 1.600 ha trồng vú sữa; trong đó, tập trung nhiều nhất ở huyện Phong Điền với trên 1.075 ha. Ở huyện Phong Điền, có các loại vú sữa lò rèn, bơ hồng và vú sữa tím được trồng chủ yếu ở các xã Giai Xuân, Nhơn Ái, Trường Long.
Theo các nhà vườn ở Phong Điền, giá vú sữa thời điểm này dao động từ 17.000 - 25.000 đồng/kg tùy loại. Vú sữa hiện đang chính vụ nên giá thấp hơn đầu vụ khoảng 10.000 - 15.000 đồng/kg và thấp hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 5.000 đồng/kg.
Cũng theo người trồng vú sữa, do năm nay ảnh hưởng mưa, trái vú sữa bị bệnh thán thư nhiều nên chất lượng vú sữa sụt giảm, kéo theo năng suất trái giảm. Mặc dù giá vú sữa sụt giảm và năng suất không bằng mọi năm nhưng người dân vẫn có lợi nhuận, bình quân khoảng 100 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, với mức lợi này với họ không được "vui cho lắm".
Gia đình ông Nguyễn Văn Thọ, ấp Trường Khương A, xã Trường Long có khoảng 1,3 ha đất trồng vú sữa lò rèn và vú sữa bơ hồng. Với sản lượng quả năm nay ước đạt khoảng 20 tấn, thấp hơn năm ngoái khoảng 1 - 2 tấn do thời tiết mưa nhiều, quả chín bị bệnh thán thư, nứt vỏ, giá bán cũng thấp hơn khoảng 5.000 đồng/kg.
"Năm ngoái, thương lái tranh nhau vào vườn mua, nhà vườn đưa giá cao cũng mua. Còn năm nay, ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nên thương lái ít, giá mua cũng thấp và sụt giảm dần về cuối vụ", ông Thọ cho biết.
Ông Thọ, dự đoán từ nay đến Tết Nguyên đán giá bán sẽ tiếp tục sụt giảm. Tuy nhiên, nhờ giá bán đầu vụ cao, với khoảng 40.000 đồng/kg nên trừ chi phí, phân bón, thuê nhân công... thì vẫn có lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng.
Hiện nay, các nhà vườn ở Phong Điền chủ yếu bán vú sữa cho thương lái. Thương lái thu mua vú sữa lò rèn tại vườn sẽ phân thành 3 loại: loại 1 (quả đẹp, bóng, to, không bị trầy xước, không nứt vỏ, không bị thán thư) được bọc xốp đưa ra các tỉnh phía Bắc thì có giá khoảng 25.000 - 27.000 đồng/kg; vú sữa loại 2 (quả có mẫu mã không được đẹp, bị đốm da) thì được xếp vào lá lục bình đưa lên thị trường TP Hồ Chí Minh có giá khoảng 20.000 - 23.000 đồng/kg và loại 3 "hàng dạt" (quả nứt vỏ, bị thán thư) thì giá rẻ chỉ khoảng 5.000 - 6.000 đồng/kg. Các loại vú sữa bơ, vú sữa tím thì được mua với giá 17.000 - 21.000 đồng/kg.
Theo anh Nguyễn Hoài Sóng, thương lái mua vú sữa ở huyện Phong Điền cho biết, năm nay, do thời tiết mưa nhiều nên quả vú sữa lò rèn bị bệnh thán thư, nứt vỏ nhiều. Do đó, vú sữa loại 1 ít. Nếu có 10 quả thì lựa được một quả đạt loại 1, có khi không đạt quả nào.
Cần sự hợp tác bền vững
Sản lượng vú sữa trên địa bàn huyện Phong Điền năm nay không thay đổi so với mọi năm, ước khoảng 18.000 tấn. Huyện có Hợp tác xã Vườn cây ăn trái Trường Khương A (xã Trường Long) gồm 45 thành viên, với 55 ha diện tích chuyên trồng vú sữa. Mùa vú sữa năm nay, Hợp tác xã có 35 ha vú sữa cho trái với tổng sản lượng khoảng 240 tấn, với năng suất khoảng 8 - 10 tấn/ha.
Tuy có lợi nhuận, nhưng hiện nay sản lượng vú sữa của các thành viên Hợp tác xã Vườn cây ăn trái Trường Khương A vẫn chưa có đầu ra ổn định. Vú sữa chủ yếu bán cho thương lái. Vài năm trước, vú sữa ở của Hợp tác xã được bán ra thị trường trong nước và liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu thị trường nước ngoài. Năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, doanh nghiệp chỉ mua được 4,5 tấn vú sữa của Hợp tác xã.
Ông Trần Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Vườn cây ăn trái Trường Khương A cho biết, năm nay, công ty đặt hàng 25 tấn vú sữa của Hợp tác xã để xuất khẩu. Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các xã viên yêu cầu công ty đặt cọc trước 2 triệu đồng/tấn quả để "làm tin" cho xã viên có vốn bọc quả. Tuy nhiên, công ty từ chối. Do đó, năm nay, hợp tác xã chỉ hợp đồng với công ty xuất khẩu được 4,5 tấn quả với giá 47.000 đồng/kg.
Hợp tác với doanh nghiệp giá bán sẽ cao hơn nhưng người trồng vú sữa cần sự hợp tác ổn định, bền vững. Theo ông Nguyễn Văn Thọ, Hợp tác xã Vườn cây ăn trái Trường Khương A, các thành viên không mặn mòi với việc bán vú sữa cho công ty, bởi khi quả vú sữa xuất khẩu đều được dán nhãn, quả vú sữa phải được trồng, chăm sóc đúng quy cách nên chi phí cao như: bao quả, kích cỡ quả phải đạt khoảng 200 gram/quả, thời gian cách ly thuốc bảo vệ thực vật... Thế nhưng, giá bán ra đối với những quả đạt đúng chuẩn chỉ cao hơn thị trường khoảng 10.000 đồng/kg, còn những quả không đạt chuẩn, kích cỡ sẽ để lại, nông dân "bán hàng dạt".
Tại huyện Phong Điền, diện tích vú sữa đã được chứng nhận VietGAP và GlobalGAP là 105,2 ha với 133 hộ nông dân tham gia; trong đó, có 16,1 ha vú sữa tại Hợp tác xã Vườn cây ăn trái Trường Khương A, xã Trường Long đạt chứng nhận GlobalGAP, với sản lượng trung bình 200 tấn vú sữa/năm của 12 xã viên trong hợp tác xã. Huyện Phong Điền đã được cấp 8 mã số vùng trồng trên cây vú sữa lò rèn, vú sữa bơ, vú sữa nâu với diện tích 92,79 ha.
Tuy đã đạt được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, nhưng giá trị của loại cây ăn quả này chưa cao hơn nhiều so với sản xuất thông thường của nông dân, đồng thời chi phí tái chứng nhận VietGAP, GlobalGAP tương đối cao nên hiện nay, một số vùng đạt chứng nhận đã hết hạn nhưng nông dân không đủ chi phí để tái chứng nhận lại.
Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ, ngày 19/11, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) trao giấy Chứng nhận nhãn hiệu vú sữa Trường Khương A cấp cho Hợp tác xã Vườn cây ăn trái Trường Khương A (ấp Trường Khương A, xã Trường Long, huyện Phong Điền).
Việc công nhận nhãn hiệu vú sữa Trường Khương A giúp cho người tiêu dùng nhận diện thương hiệu và gây dựng niềm tin về chất lượng sản phẩm vú sữa Trường Khương A; đồng thời tạo cơ hội mở rộng thị trường và tăng khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm vú sữa của hợp tác xã.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ tiếp tục tăng cường hỗ trợ nông dân phát triển liên kết doanh nghiệp-nông dân, nâng cao và phát triển chuỗi giá trị cây ăn trái từ khâu sản xuất, thu hoạch, sau thu hoạch, phân phối sản phẩm nội địa và xuất khẩu.
Yếu tố then chốt là cần giữ gìn và nâng cao uy tín, tính minh bạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm trái cây của các hợp tác xã gắn liền với việc xây dựng, bảo vệ và mở rộng diện tích sản xuất cây ăn trái đã được cấp mã code vùng trồng.