Tại thành phố Đà Nẵng, đông đảo người dân, doanh nghiệp đã theo dõi Diễn đàn để nắm được các định hướng, chiến lược tầm vĩ mô của nền kinh tế quốc gia, đồng thời có thêm nhiều ý kiến, đề xuất giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế bền vững.
Sớm có các chính sách, giải pháp kịp thời
Theo dõi Diễn đàn, ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Đà Nẵng thống nhất cao với lộ trình, cách tiếp cận theo các giải pháp mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu tại Diễn đàn. Đó là cần tập trung hỗ trợ cả tổng cung và tổng cầu, kết hợp các chính sách vĩ mô khác, có lộ trình khoảng 2 năm 2022 và 2023, kéo dài sang những tháng đầu năm 2024 với những mục tiêu dài hạn, những dự án đầu tư công. Ông Bình kiến nghị các cấp chính quyền cần thực hiện ngay các giải pháp hỗ trợ, vì nếu chậm chạp thì các Doanh nghiệp nhỏ và vừa không đủ sức chịu đựng để chờ tiếp cận chính sách hỗ trợ.
Đề xuất thêm một số giải pháp nhằm khôi phục, phát triển kinh tế, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Đà Nẵng Phạm Bắc Bình cho rằng: Nên giảm thuế VAT với % phù hợp trong thời gian 2 năm (2022 và 2023) cho các Doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước nên có gói hỗ trợ hoàn lãi suất lại cho Ngân hàng Thương mại từ 1% đến 2% tùy theo nhóm đối tượng, cách làm này phát huy hiệu quả đồng bộ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đều có thể tiếp cận được, không phải đi xin, đàm phán với Ngân hàng.
Về Quỹ Bảo lãnh tính dụng, theo ông Phạm Bắc Bình, vẫn chưa phù hợp và chưa phát huy được, vì yêu cầu doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp mới được bảo lãnh. Các địa phương có Quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển, nên phát huy mở rộng ngành nghề để cho vay hỗ trợ lãi suất thấp cho doanh nghiệp thì sẽ hiệu quả hơn. Đồng thời, các cấp chính quyền cần tiếp tục cải cách hành chính theo hướng xem Doanh nghiệp là trọng tâm, cắt giảm thủ tục trong việc đầu tư phát triển kinh tế.
Ông Lê Trí Hải, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố Đà Nẵng cũng tin tưởng vào những giải pháp, tham luận được các đại biểu trình bày tại Diễn đàn. Theo ông, việc cấp bách hiện nay là sử dụng chính sách tài khóa và tiền tệ trong bối cảnh bình thường mới để khôi phục kinh tế, nhưng cần lưu ý không để xảy ra lạm phát. Đây là thời điểm cần thay đổi cơ cấu kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc, đảm bảo cho việc phát triển bền vững cho giai đoạn tới, đón đầu và lập ra trật tự mới cho thời kỳ hậu COVID-19. Thời điểm này đã là tháng 12/2021, sắp hết một năm dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, nên các chính sách, giải pháp cần triển khai quyết liệt và kịp thời.
Để sớm có những giải pháp thiết thực phục hồi kinh tế, ông Lê Trí Hải đề xuất các cấp chính quyền cần tiếp tục tổ chức những chương trình đối thoại, làm việc với các Hội - Hiệp hội ghi nhận những ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp để các chính sách hỗ trợ được thiết thực, hiệu quả. Đồng thời, chính quyền cần xây dựng kịch bản phòng, chống dịch chuyên nghiệp để không có những quyết định bị động, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đứt gãy chuỗi cung ứng, gây mất niềm tin của doanh nghiệp đối với chính quyền.
Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố Đà Nẵng cũng kiến nghị cần tiếp tục tạo điều kiện, đề xuất, ban hành những chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển về: Lãi suất, nguồn vốn, thuế, bảo hiểm... Đặc biệt cần chủ trọng về Chuyển đổi số, vì đây là yếu tố quan trọng quyết định sự bứt phá của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Cần quan tâm hỗ trợ kinh tế trong lĩnh vực văn hóa
Theo dõi Diễn đàn kinh tế 2021, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng nhận định: Thời gian qua chính quyền các cấp đã đi đúng hướng khi đề ra nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện mục tiêu kép ứng phó với dịch COVID-19 và ổn định, phục hồi kinh tế, nên 6 tháng đầu năm nước ta đạt được tốc độ tăng trưởng gần 6%. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát với biến chủng Delta đã gây thiệt hại nặng nề cho kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung, dẫn đến 9 tháng đầu năm nước ta chỉ đạt được tốc độ tăng trưởng hơn 1,4%. Vì vậy, đến cuối năm nay nước ta khó có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, việc không tăng trưởng âm là nỗ lực đáng ghi nhận.
Bên cạnh đó, ông Bùi Văn Tiếng vui mừng khi Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã chủ động bàn bạc, kịp thời ban hành các Nghị quyết cần thiết để tạo điều kiện cho Chính phủ thực hiện mục tiêu kép, chẳng hạn như Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 và nay là Chương trình tổng thể phục hồi nền kinh tế với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong, ngoài nước.
“Trong hai định hướng 2P (Phục hồi và Phát triển) và 2C (Chính sách và Cuộc sống) mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại Diễn đàn Kinh tế năm nay, tôi tâm đắc hơn đối với định hướng 2C. Thực ra mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đều phải xuất phát từ thực tiễn sinh động của cuộc sống, chỉ như vậy thì sau khi được ban hành, chủ trương, chính sách mới quay trở lại với cuộc sống, tác động vào cuộc sống, làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Vì thế định hướng 2C chắc chắn sẽ tạo thêm niềm tin cho người dân vào tính thực tiễn của Chương trình tổng thể lần này”, ông Bùi Văn Tiếng cho biết.
Đóng góp ý kiến cho các giải pháp nêu ra tại Diễn đàn, ông Bùi Văn Tiếng đề xuất: "Phục hồi đi đôi với Phát triển, lĩnh vực nào ít tổn thương trong thời gian qua thì cần phục hồi nhanh để kịp chuyển sang phát triển. Nhưng nói chung, cả nền kinh tế thì không thể nôn nóng, phục hồi bền vững rồi phát triển cũng không muộn. Vì thế tôi rất ủng hộ quan điểm của Chủ tịch Quốc hội là giải pháp phải có quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng. Tôi theo dõi các ý kiến tâm huyết và rất chuyên nghiệp trình bày trong Diễn đàn lần này; tuy nhiên, chưa có ý kiến nào đề cập khía cạnh kinh tế của văn hóa giống như trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 vừa qua.
Có thể nói qua hai năm căng mình chống đại dịch, các cơ sở của nghệ thuật biểu diễn bao gồm các nhà hát, các rạp chiếu phim… chịu tổn thương không chỉ về mặt văn hóa mà còn và quan trọng hơn là mặt kinh tế. Nghệ sĩ biểu diễn không có “đất” diễn, lao động nghệ thuật không đến được với khán giả, thính giả. Những sáng kiến trình diễn trực tuyến không mang lại thu nhập đủ để bù đắp sức lao động nghệ thuật của các nghệ sĩ. Theo tôi, chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển nên tính đến, thậm chí nên ưu tiên đầu tư lĩnh vực này".