Những ngày này, cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng) tấp nập ngư dân chuẩn bị nhu yếu phẩm, xăng dầu, đá để nổ máy vươn khơi. Theo anh Phạm Văn Tâm, chủ tàu QNg 97681 TS, trú tại thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi, với ngư dân, chuyến biển đầu năm là quan trọng nhất, quyết định đến một năm khai thác bội thu.
Mặc dù, đang là thời điểm vui xuân nhưng ngay từ mùng 8 tháng Giêng, tất cả 16 thuyền viên trên tàu đã di chuyển ra Đà Nẵng để kiểm tra kỹ thuật tàu, chuẩn bị các nhu yếu phẩm cần thiết để "xông biển" những ngày đầu năm mới.
Ngư dân chuẩn bị ngư lưới cụ để vươn khơi những ngày đầu năm mới. |
Cũng theo anh Tâm, hiện giá dầu diesel có giá 14.000 đồng/lít, cao hơn so với thời điểm trước Tết nhưng bù lại giá các loại hải sản đang được giá nên anh Tuân tin tưởng chuyến đi biển đầu năm sẽ thắng lợi. Ngày 12 tháng Giêng, chiếc tàu cá của anh cùng 4 chiếc tàu cá khác sẽ tiến thẳng ra ngư trường Hoàng Sa đánh bắt thủy hải sản.
Với ngư dân Phạm Văn Khôn, thuyền trưởng tàu QNg 94822TS, trú tại xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, tàu chính là ngôi nhà thứ hai của anh. Anh Khôn chia sẻ, trung bình mỗi năm mỗi tàu sẽ đi đánh bắt trên biển khoảng 12 chuyến, mỗi chuyến kéo dài từ 15-20 ngày, tùy thuộc sản lượng mỗi chuyến. Vì vậy, thời gian ngư dân sống trên tàu, gắn bó với biển nhiều hơn trên đất liền. Đối với mỗi người con của biển, tàu là chính nhà, biển là quê hương, là nguồn sống nuôi lớn người dân suốt bao đời qua.
Theo anh Khôn, để chuẩn bị cho chuyến “xông biển” sắp tới, tàu của anh đã chuẩn bị 15.000 lít dầu, 800 cây đá, cùng các nhu yếu phẩm cần thiết khác với tổng chi phí khoảng 200 triệu đồng. Ngoài ra, anh em thuyền viên trên tàu cũng không quên mang một ít bánh Tét, gà, củ kiệu… để mang hương vị Tết quê hương theo tàu ra biển, thêm phần ấm cúng những ngày đầu xuân. Anh Khôn hi vọng, chuyến biển đầu năm mưa thuận, gió hòa, gặp luồng cá lớn để một năm đánh bắt thủy hải sản nặng lưới, đầy khoang.
Tàu rời cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng) vươn khơi. |
Sau gần 1 năm đi vào hoạt động, con tàu vỏ thép đầu tiên mang số hiệu ĐNa 90777 TS, với công suất 822 CV của ông Trần Văn Mười, phường Mân Thái, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng đã đem lại hiệu quả. Ông Trần Văn Mười cho biết, tàu vỏ thép có rất nhiều ưu điểm vượt trội so với tàu vỏ gỗ như an toàn hơn, di chuyển rất nhanh, khoang rộng chứa được nhiều ngư cụ, hầm lạnh bảo quản được chất lượng của thủy hải sản nên có thể đánh bắt xa bờ cả tháng trên biển.
Năm 2016, tàu ĐNa 90777 TS đã đánh bắt được 12 chuyến, với tổng sản lượng trên 150 tấn hải sản các loại, trừ chi phí ông Mười thu lãi khoảng 1 tỷ đồng, đồng thời giải quyết việc làm cho 14 lao động, với thu nhập 90 triệu đồng/người/năm. Hiện gia đình ông Mười đang gấp rút chuẩn bị tập kết đá, dầu, chuẩn bị các ngư lưới cụ cần thiết để kịp cho chuyến “mở biển” đầu năm vào ngày 20/1 âm lịch.
Ngư dân Trần Tiến Hùng, thuyền viên trên tàu ĐNa 90777 TS phấn khởi cho biết, tàu vỏ thép được trang bị hiện đại, kỹ thuật đảm bảo hiệu quả hơn hẳn so với tàu vỏ gỗ. Đồng thời, tăng thu nhập cho thuyền viên, giúp ngư dân yên tâm đánh bắt, bám biển dài ngày.
Để tiếp tục hiện thực hóa ước mơ vươn khơi xa để nâng cao sản lượng và chất lượng hải sản từ những con tàu vỏ thép hiện đại, ông Mười tiết lộ, ông đã làm hồ sơ để đóng mới con tàu vỏ thép với công suất 1.500 CV, với trị giá 25 tỷ đồng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản và chờ thành phố phê duyệt.
Ông Mai Đăng Nhiều, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà chia sẻ, trong năm 2016, mặc dù thời tiết không thuận lợi đã ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt trên biển của ngư dân, nhất là những tháng cuối năm. Những ngày đầu năm mới, tranh thủ thời tiết thuận lợi, chủ tàu huy động thuyền viên chuẩn bị các nhu yếu phẩm cần thiết chờ được ngày vươn khơi, bám biển. Ông Nhiều tin tưởng, thời tiết thuận lợi, cộng với hải sản được giá ngư dân sẽ có một năm khai thác bội thu.