Khi trời vừa sáng, bãi biển xã Quảng Phú và Quảng Đông trở nên nhộn nhịp. Nhiều ngư dân bắt đầu ngâm mình dưới nước để thu hoạch ruốc biển. Là người có kinh nghiệm trong việc nhìn thấy luồng ruốc và vùng biển có ruốc, ông Lê Văn Thắng (76 tuổi, ở xã Quảng Phú, Quảng Trạch) cho biết: khi ruốc bắt đầu áp sát bờ thì vùng nước đó sẽ có màu khác với màu nước xung quanh. Ruốc biển có quanh năm nhưng thời điểm từ tháng 6 - 9 âm lịch mới bắt đầu vào mùa khai thác ruốc biển ven bờ.
Để đánh bắt ruốc, ngư dân chỉ cần sử dụng một tấm lưới mỏng nối vào khung sắt và nối với tay cầm bằng gỗ dài chừng 1,5m. Khi ra biển, ngư dân thường đi “thụt lùi” kéo theo bẫy là con mồi tự khắc lọt vào lưới.
Tuy công việc đơn giản thế nhưng để săn được hàng trăm kg ruốc mỗi ngày đòi hỏi ngư dân phải có nhiều kinh nghiệm. Dầm mình dưới nước hàng tiếng đồng hồ và di chuyển liên tục, nhiều người không quen sẽ dần mất sức và không đánh bắt được nhiều ruốc.
Bước từ dưới biển với vợt đầy ruốc, ông Thắng kể: Từ sáng đến giờ đã lấy được hơn 1 tạ ruốc. Số thì đem bán, số thì đem phơi, đem muối… Nói chung ngày hôm nay thu được khoảng 1 triệu đồng.
Ông Thắng cho biết, ruốc không phải ngày nào cũng có, có khi mấy ngày liên tục có ruốc nhưng cũng có khi chờ mòn mỏi cũng không thấy con ruốc vào sát bờ.
Năm nay, ruốc vừa được mùa và giá ruốc tươi có giá từ 15.000 - 20.000 đồng/kg nên ngư dân có thể kiếm tiền triệu mỗi ngày.
Ngoài việc dùng làm thực phẩm tươi sống, ruốc biển còn được chế biến thành nhiều dạng như làm ruốc quết, muối mắm, ruốc phơi khô, hay kết hợp với các món ăn khác rất ngon mang đặc trưng của người dân vùng biển bãi ngang.