Đã hơn 10 năm thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng chuyển một phần diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình sản xuất xen canh lúa- tôm, nhưng đến nay nông dân Bạc Liêu vẫn còn loay hoay lo chạy giống, thiếu nước ngay cả trên vựa lúa, lo thiếu nước giữa mùa mưa.Theo lịch thời vụ, trong tháng 9 này Bạc Liêu xuống giống dứt điểm 100% diện tích lúa trên đất nuôi tôm. Nhưng hiện nay, nơi đủ nước ngọt để gieo cấy lúa thì nông dân chạy đôn chạy đáo tìm lúa giống, nơi có giống thì lại thiếu nước ngọt, độ mặn còn quá cao, cây lúa không thể sống được. Nghịch lý này đã tồn tại nhiều năm qua, nhưng ngành nông nghiệp tỉnh này chưa tìm ra giải pháp tháo gỡ. Hậu quả là nhà nông phải tự tìm giống, tìm nước mà duy trì sản xuất.
Qua tìm hiểu được biết, mặc dù là địa phương có diện tích sản xuất lúa trên đất nuôi tôm lớn nhất so với các tỉnh, thành phố trên cả nước, nhưng nguồn lúa giống để gieo cấy hợp với lịch thời vụ thì lại thiếu trầm trọng. Nhiều năm qua, nông dân Bạc Liêu gieo cấy một loại giống duy nhất là lúa Một bụi đỏ, nhưng loại lúa này có thời gian sinh trưởng quá dài, nên khi mùa mưa kết thúc sớm là nông dân gặp khó khăn, có nơi thiệt hại trắng, thua lỗ nặng.
Theo nhận định của các chuyên gia ngành nông nghiệp, qua thực tế cho thấy, sản xuất xen canh theo mô hình lúa - tôm được đánh giá là mô hình canh tác bền vững. Bởi, khi trồng một vụ lúa trên đất nuôi tôm, tạo thêm màu mỡ phì nhiêu đất, sau đó nuôi lại vụ tôm, tôm mau lớn, ít xảy ra dịch bệnh so với vùng nuôi chuyên canh tôm.
Với ưu thế đó, từ khi thực hiện chủ trương chuyển dịch đến nay, nông dân tỉnh này luôn duy trì sản xuất theo mô hình trên. Tuy nhiên, nhà nông sản xuất luôn phải đánh đổi “năm ăn năm thua” với ông trời.
Điều đáng nói ở đây, để tìm ra một bộ lúa giống chịu mặn, phù hợp với thời tiết, thổ nhưỡng, thời gian sinh trưởng hợp, không chỉ khó mà còn đòi hỏi có kinh phí, những con người tâm huyết. Tuy thời gian qua, ngành chức năng tỉnh này chủ động hợp tác với Trường Đại học Cần Thơ, Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long, cho nhân giống, lai tạo một vài loại giống chịu mặn như lúa Sỏi, gạo một bụi hồng, một bụi đỏ… nhưng chưa thể sản xuất đại trà vì còn nhiều hạn chế.
Điều mà nhà nông chưa hài lòng, để lai tạo được một loại lúa giống gieo cấy đại trà ra diện rộng, không thể một sớm một chiều có được, nhưng việc đầu tư xây dựng hệ thống kênh thủy lợi nội đồng đồng bộ, khép kín cho sản xuất lúa – tôm là điều làm được trong tầm tay, thì địa phương chưa thực sự quan tâm. Lâu nay, nông dân tỉnh này sản xuất mà cứ canh cánh, thấp nhỏm nỗi lo thiếu nước, cả nước mặn lẫn nước ngọt, cả cây lúa lẫn con tôm.
Ông Phan Minh Quang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu, cho biết, thấu hiểu được nỗi khó khăn này, vụ lúa - tôm năm nay, ngành đã hỗ trợ nông dân 12 tấn lúa giống chịu mặn để làm thử nghiệm thông qua tài trợ của dự án GIZ. Đó là 2 giống ngắn ngày OM 6677 và OM 5629.
Theo đánh giá của Ban quản lý Dự án GIZ Bạc Liêu, hai giống chịu mặn được 5 phần nghìn trong suốt quá trình sinh trưởng, năng suất đạt từ 5 - 6 tấn/ha (nếu thâm canh tốt có thể đạt 7 - 7,5 tấn /ha). Tuy nhiên, số lúa này gieo cấy khoảng 100ha, quá ít so với diện tích lúa- tôm của toàn tỉnh.
Theo kế hoạch, vụ lúa trên đất nuôi tôm năm nay, toàn tỉnh sẽ xuống giống 29.000ha, xấp xỉ 50% tổng diện tích chuyên lúa của địa phương. Vụ lúa này tạo ra sản lượng bình quân hàng năm khoảng 140.000 tấn lúa đặc sản có một không hai ở tỉnh này.