Mặc dù là nước nông nghiệp, nhưng hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu tới 9 triệu tấn ngô, đậu tương... để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Năm 2013, Việt Nam phải bỏ ra tới hơn 4 tỷ USD để nhập nguyên liệu. Nghịch lý này tồn tại đã nhiều năm.Trồng cây cho khỏi… trống đất
Cuối tháng 8, đầu tháng 9 khi vụ lúa hè thu kết thúc là lúc nông dân vùng đồng bằng Bắc Bộ trồng cây vụ đông để không lãng phí thời gian sử dụng đất. Ngô, đậu tương là hai giống cây được nhiều nông dân lựa chọn.
Cán bộ khuyến nông hướng dẫn nông dân huyện Yên Định (Thanh Hóa) trồng đậu tương ngắn ngày. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN
|
“Sau khi thu hoạch xong lúa hè thu, chúng tôi tận dụng đất để trồng ngô, đậu tương trong 3
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát:
Khuyến khích trồng ngô Đúng là chúng ta đang phải nhập khẩu một khối lượng lớn ngô, đậu tương để làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Chúng tôi xác định, có thể phát triển cây ngô để cạnh tranh với ngô nhập khẩu vì có những giống ngô đem lại năng suất tới 10 tấn/ha. Vì thế, chúng tôi đang có chủ trương khuyến khích bà con nông dân chuyển đổi sang trồng cây ngô ở những nơi có điều kiện. Nhưng chúng ta cần giúp bà con nông dân trồng ngô có hiệu quả và đem lại thu nhập cao hơn so với những cây bà con đang trồng. Với cây đỗ tương, chúng ta đang gặp nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển loại cây này để giảm nhập khẩu, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài. PGS.TS Nguyễn Trí Hoàn, Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm: Tăng năng suất cho cây vụ đông
Hiện nay, Viện cây lương thực và cây thực phẩm đang nghiên cứu cơ cấu giống để tạo ra nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhiều hơn. Chúng tôi thay đổi lại trà lúa, đưa ra những bộ giống lúa ngắn 80 - 90 ngày, thu hoạch vào cuối tháng 8. Như vậy, từ đầu tháng 9 bà con có thể sản xuất vụ đông sớm, trồng ngô, đậu tương dài ngày. Như thế, năng suất mới tăng lên được. Ngoài ra, phải đồng bộ các khâu, từ sản xuất tới chế biến. Được giao nhiệm vụ nghiên cứu để trồng cây giàu đạm như đậu tương, Viện cũng đang chuyển hướng sang nhập khẩu giống cây linh lăng, có hàm lượng đạm cao để sản xuất thay cho đậu tương, ngô, khoai lang… để tạo ra nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi lớn hơn. |
tháng vụ đông. Chúng tôi chủ yếu tự trồng, tự thu hoạch, tự bán, chưa thấy xã, huyện nói gì tới việc quy hoạch vùng trồng cây nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Xã chỉ khuyến khích nông dân trồng ngô, đậu tương bằng cách hỗ trợ 10.000 đồng/một sào- 360m2”, ông Nguyễn Thành Cát, xóm Trình, xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam cho biết.
Theo ông Cát, đậu tương để bán cho những cơ sở làm đậu phụ. Chỉ có ngô được bán cho các cơ sở nghiền thành bột để bán cho các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Ngô hạt được bán với giá 6.000 đồng/kg, đậu tương giá 10.000 đồng/kg. “Đa số nông dân chúng tôi chỉ coi ngô, đậu tương là những cây trồng phụ trong lúc trống đất nên không đầu tư nhiều cho các loại cây này”, ông Cát cho biết thêm.
Đây cũng là thực tế ở nhiều địa phương. “Mặc dù chúng ta phải nhập khẩu một lượng lớn ngô, đậu tương để sản xuất thức ăn chăn nuôi nhưng những cây trồng này vẫn chưa được chính quyền địa phương, nông dân coi trọng đúng mức. Những loại cây này chỉ xem như là những cây trồng thêm thu nhập cho người dân và không để trống đất”, GS.Viện sĩ Trần Đình Long, Chủ tịch Hiệp hội Giống cây trồng Việt Nam nhận xét.
Trong khi đó, hiện nay, các nhà máy sản xuất thức ăn phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu từ nước ngoài. Theo ông Đào Mạnh Lương, Tổng giám đốc Công ty Thức ăn chăn nuôi AustFeed, vì trong nước không có nguồn cung nên công ty phải nhập khẩu 100% bã đậu tương để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Ở Việt Nam có hai nhà máy chế biến đậu tương nhưng nguồn nguyên liệu hoàn toàn nhập ngoại. Đối với ngô, chúng tôi cân đối theo vụ. Việt Nam chỉ có hai vụ ngô, vào thời điểm đó, chúng tôi cân nhắc giá thành trong và ngoài nước để quyết định mua ở trong nước hay nhập khẩu. Chúng tôi ưu tiên mua ngô từ thị trường trong nước, nhưng công ty chúng tôi sản xuất quanh năm, mà năng lực dự trữ có hạn nên phải mua ngô liên tục. Hiện chúng tôi đang nhập ngô với giá 5.900 đồng/kg, đậu tương với giá 11.500 đồng kg”, ông Lương xác nhận.
Hướng tới tự túc nguồn nguyên liệu
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi cho biết, diện tích trồng đậu tương ở Việt Nam rất thấp, chỉ có gần 200.000 ha, năng suất chỉ đạt 1 - 1,2 tấn/ha. Trong khi đó, các nước đạt năng suất 3 tấn/ha. Diện tích đậu tương cũng đang giảm, năm 2007 có 300.000 ha, tới nay còn trên 100.000 ha.
Với ngô, diện tích ở mức trên 1 triệu ha, năng suất ngô trung bình 4 tấn/ha, trong khi năng suất ở các nước khác trung bình 8 tấn/ha trở lên. “Các cánh đồng ngô tại Việt Nam không có hệ thống tưới nước. Vùng Mộc Châu, Sơn La, sông Mã... không có hệ thống tưới tiêu, không đảm bảo độ ẩm, năng suất. Vì vậy, dù ngô giống có năng suất 7 – 8 tấn/ha nhưng khi trồng thực tế chỉ đạt khoảng 4 tấn/ha. Năng suất kém nên giá thành cao hơn nước ngoài”, ông Lịch lý giải.
Theo ông Lê Bá Lịch, cây trồng biến đổi gen là một trong những giải pháp tốt, vì chống được sâu bệnh, đưa năng suất lên cao hơn, để giảm nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Những nước châu Mỹ đã sử dụng công nghệ biến đổi gen lâu rồi. Thực chất, chúng ta nhập khô dầu đậu tương, ngô từ các nước này đã dụng công nghệ biến đổi gen vào trồng trọt.
Cùng quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Trí Hoàn, Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm cho rằng, ngô chuyển gen là thành tựu của thế giới, Việt Nam đã cho sử dụng ngô, đậu tương, bông… giúp giảm đầu tư thuốc bảo vệ thực vật, nhưng cũng khó kỳ vọng tạo ra một bước đột phá quá lớn. Ngoài ra, phải xem lại cách trồng cây vụ đông, không chỉ đưa vào cơ cấu phụ mà cần chọn giống đậu tương dài ngày đưa lên miền núi làm một vụ 6 tháng.
Về giải pháp trước mắt, “tăng diện tích trồng ngô, tăng năng suất cây trồng và trồng thêm cây biến đổi gen. Về dài hạn, phải đầu tư nghiên cứu khoa học cho lĩnh vực này”, ông Hoàn đề nghị.
Bên cạnh đó cũng cần chú trọng đầu tư sau thu hoạch, khâu sấy và chế biến. “Ngô của ta thu hoạch đúng mùa mưa, không sấy khô nên hỏng tới 30% sản lượng. Do vậy, cần tạo điệu kiện để cho nông dân vay vốn đầu tư hệ thống bảo quản sau thu hoạch. Chuyển diện tích sang trồng ngô, tự túc nguồn nguyên liệu trong nước. Tạo ra giống đậu tương phù hợp với điều kiện Việt Nam, sau đó tăng diện tích”, ông Lê Bá Lịch nêu thêm một giải pháp.
Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, năm 2013, ngành chăn nuôi Việt Nam tiêu thụ khoảng 12,5 triệu tấn thức ăn chăn nuôi.
Trong đó, chúng ta nhập trên 9 triệu tấn nguyên liệu từ nước ngoài gồm: 5 triệu tấn thức ăn giàu đạm, trên 3 triệu tấn thức ăn giàu năng lượng và các loại thức ăn khác.
Trong số 5 triệu tấn thức ăn giàu đạm, khô dầu đậu tương chiếm 4 triệu tấn. Trong 3 triệu tấn thức ăn giàu năng lượng, ngô chiếm tới 1,9 triệu tấn. |
Cần chính sách phù hợp cho loại cây chiến lược
“Nhiều người cho rằng ngô, đậu tương không phải là những cây trồng có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Nhưng tôi cho rằng, nếu được tổ chức sản xuất tốt, chất lượng, năng suất ngô, đậu tương của Việt Nam không thua kém bất cứ nước nào”, GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hiệp hội Giống cây trồng chia sẻ với phóng viên Tin Tức.
PV: Hiện nay, năng suất ngô, đậu tương rất thấp. Theo ông, nguyên nhân do đâu?
Ông Trần Đình Long: Hiện chúng ta có những giống ngô cho năng suất 8-10 tấn, nhưng khi sản xuất thực tế chỉ cho năng suất trung bình 4,3 tấn/ha. Năng suất thấp, thứ nhất do 85% diện tích trồng ngô của Việt Nam không có nước tưới. Nếu chúng ta tưới nước đầy đủ thì năng suất sẽ tăng 20-30%. Như vậy, vấn đề là tổ chức sản xuất kém chứ không phải giống kém chất lượng. Thứ hai, phần lớn ngô Việt Nam được trồng bằng tay, không cơ giới hóa. Nếu quy hoạch vùng trồng, cơ giới hóa toàn bộ, tưới nước tập trung thì năng suất sẽ tăng lên, giá thành sẽ giảm xuống.
Nếu năng suất tăng lên 8 tấn/ha, chúng ta hoàn toàn có thể cạnh tranh với ngô nước ngoài. Từ đó, dần dần hạn chế được nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Thu hoạch ngô tại Đồng Tháp. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN |
Với cây đậu tương Việt Nam, năng suất bình quân 1,5 tấn/ha, năng suất của Mỹ là 2,7 tấn, bình quân thế giới là 2,3 tấn. Nhưng mùa vụ đậu tương của Mỹ là 6 tháng, của Việt Nam chỉ có 3 tháng. Như vậy, chúng ta phải tính theo năng suất theo ngày.
Hiện nay, đậu tương thường được sản xuất cho vụ đông ở đồng bằng sông Hồng từ 25/8 hàng năm có khả năng trồng tới 1 triệu ha. Chỉ cần năng suất khoảng 2 tấn/ha, chúng ta đã có 2 triệu tấn đậu tương, giảm được một nửa số đậu tương nhập khẩu.
Trước đây, đậu tương đã có những mô hình trồng hàng ngàn ha trong vụ đông, nhưng nếu sản xuất nhỏ sẽ không hiệu quả, nông dân không làm. Như vậy, nếu tập trung vào nghiên cứu, giải quyết được việc này cũng là giải quyết được các lợi thế cho Việt Nam trong khâu thức ăn chăn nuôi.
PV: Nhiều chuyên gia cho rằng, cây đậu tương không có lợi thế khi trồng ở Việt Nam, ông đánh giá thế nào về quan điểm này?
Ông Trần Đình Long: Đừng nói đậu tương Việt Nam kém Mỹ. Đậu tương sẽ có lợi thế khi chúng ta giảm giá thành. Vừa qua, giá đậu tương chỉ có 6.500 - 6.700 đồng/kg nhưng bán để sản xuất thức ăn chăn nuôi thu được 11.000 - 13.000 đồng/kg, hoàn toàn gấp đôi. Nhưng đậu tương chỉ phát huy lợi thế với điều kiện sản xuất lớn, từ đó giảm giá thành. Chúng ta hoàn toàn làm được nhờ cơ giới hóa, giống… và vấn đề quan trọng nhất là phải thay đổi nhận thức từ lãnh đạo xuống tới nông dân, lúc đó mới giải quyết được.
Ngô, đậu tương dù chưa cạnh tranh rõ rệt so với gạo, cà phê, điều nhưng đây là những cây trồng chiến lược để giải quyết vấn đề thức ăn chăn nuôi, giảm phụ thuộc vào nước ngoài. Nếu tổ chức sản xuất tốt, chúng ta sẽ dần dần tự túc được nguồn cung, đến năm 2020 có thể tự túc được 50% nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Tôi hoàn toàn tin tưởng chúng ta sẽ làm được, vì công nghệ chúng ta có, kỹ thuật chúng ta có. Thời gian qua, chúng ta chưa có chính sách, thể chế khuyến khích nông thôn trồng các loại cây này, hoặc chính sách toàn trên lý thuyết. Bây giờ, phải có khẩu hiệu và quyết tâm hành động. Các bên phải ngồi lại với nhau, từ nông dân tới nhà quản lý, doanh nghiệp để tìm hướng đi chung thì mới giải quyết được vấn đề này.
PV: Xin cám ơn ông!Lê Nghĩa - Hữu Vinh (thực hiện)