Nghịch lý lợi nhuận ngành chăn nuôi

Chi phí sản xuất cao, giá cả bấp bênh dẫn đến sức cạnh tranh kém, phương thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, rời rạc đang trở thành “lực cản” cho ngành chăn nuôi phát triển. Nghịch lý về lợi nhuận là trong khi khâu phân phối trung gian hưởng lợi thì người chăn nuôi thường xuyên bị thua lỗ.


Bài 1: Nghịch lý lợi nhuận


Có một nghịch lý là trong khi những người chăn nuôi lợn luôn phải đối mặt với tình cảnh giá cả bấp bênh, thậm chí còn thua lỗ liên tục 2 năm qua thì giá thịt tươi sống đến tay người tiêu dùng vẫn cao ngất ngưởng. Vậy lợi nhuận “chảy” vào túi ai?


Lỗ triền miên


Bà Bùi Thị Nhi, ấp Tân Bình, xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đang có đàn lợn 40 con khoảng một tháng nữa sẽ được xuất chuồng. Vừa loay hoay cho đàn lợn ăn, bà Nhi vừa nói: “Cả ấp này nhà nào cũng nuôi lợn nhưng giờ bỏ gần hết rồi, chỉ còn khoảng 10 hộ nuôi thôi. Vì thời gian qua, giá xuống thấp, nuôi thì bị lỗ”.

Đàn lợn của bà Bùi Thị Nhi.


Được biết bà Nhi là một trong số ít hộ tại ấp Tân Bình có tổng đàn lên tới vài chục con, còn lại chỉ nuôi vài con để có thêm thu nhập trong lúc nông nhàn. Theo lời bà Nhi, giá lợn giảm, thậm chí có lúc loại lợn đẹp (không cấn mỡ) giá chỉ còn 33.000 - 34.000 đồng/kg. “Bán dưới 42.000 đồng/kg là bà con chăn nuôi lỗ ít nhất 100.000 đồng/con rồi. Có lúc thấy lỗ quá, tiếc công chăm sóc nên bà con dừng bán. Tôi còn trụ được là do nấu rượu nên cũng tận dụng được bã rượu để nuôi lợn”, bà Nhi nói.


Theo ông Nguyễn Vĩ Nhân, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Tiền Giang, tính đến nay, tổng đàn lợn của tỉnh vào khoảng gần 600.000 con, trong đó chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm từ 70 - 80%. “Với tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, khi giá lên thì nhà nhà nuôi lợn tự phát”, ông Nhân nói.


Tại Đồng Nai, được xem là “thủ phủ” của ngành chăn nuôi lợn, cả những hộ chăn nuôi mô hình trang trại lên đến hàng nghìn con cũng “méo mặt” vì thua lỗ do giá lợn rớt thê thảm. Anh Trần Công Dân, xã Gia Tân, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai có tổng đàn lợn khoảng 1.000 con, bức xúc: “Mỗi tháng, tôi xuất chuồng khoảng 200 con và tùy thời điểm mà lỗ từ 200.000 - 800.000 đồng/con. Hầu hết những trang trại chăn nuôi như chúng tôi đều phải thế chấp đất đai vay vốn ngân hàng để đầu tư nên áp lực trả lãi và chi phí thức ăn tăng cao là rất lớn. Nhiều hộ chăn nuôi không gánh lỗ được, phải bỏ chuồng”.


Ai được lợi?


Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện nay, người chăn nuôi đang thiếu vốn, nợ ngân hàng, nợ cả tiền thức ăn gia súc. Nhiều người chăn nuôi không dám nói thật khó khăn của mình vì sợ ngân hàng không cho vay, không mua chịu thức ăn gia súc được nữa. Thế cho nên bây giờ các trang trại phải che đậy khó khăn bằng cách hôm nay mua thiếu thức ăn ông này, mai mua thiếu của ông khác với 10% lãi suất. Khi người chăn nuôi mất khả năng trả nợ do thua lỗ thì cả ngành chăn nuôi lẫn người tiêu dùng đều chịu thiệt.


Ông Công còn chỉ ra thêm một khó khăn khác của ngành chăn nuôi là giá bán đầu ra. “Trong khi lợn xuất chuồng giá thấp, nhưng giá bán ra trên thị trường chênh lệch từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/con. Tôi đã tính toán, trừ đi chi phí giết mổ, vận chuyển thì cứ một con lợn các khâu trung gian lãi cả triệu đồng. Đó là điều bất hợp lý”.


Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho chúng tôi xem bảng giá thịt lợn được niêm yết trên chợ đầu mối Tân Xuân (huyện Hóc Môn, TP.HCM) đúng vào thời điểm lợn xuất chuồng có giá 40.000 đồng/kg. “1 kg mỡ lợn khi bán ra thị trường bằng giá của một kg lợn hơi xuất chuồng. Còn những loại thịt khác như: ba rọi, thịt đùi, thịt vai… thì giá cũng đã gần gấp đôi”, ông Đoán dẫn chứng.


Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận ra có quá nhiều khâu trung gian để miếng thịt đến tay người tiêu dùng. Lợn xuất chuồng được thu gom bởi các thương lái nhỏ lẻ. Sau đó, họ bán lại cho thương lái lớn hơn với tiền công khoảng 400.000 đồng/tấn. Từ đó, thương lái vận chuyển về lò mổ tính thêm chi phí bốc xếp, vận chuyển là 1,7 triệu đồng/50 con lợn. Chi phí giết mổ một con lợn là 80.000 đồng và ra đến chợ đầu mối người bán lẻ phải trả tiền thuê sạp và các dịch vụ với phí 80.000 đồng/100 kg thịt. Do có quá nhiều khâu trung gian nên người chăn nuôi hưởng lợi chẳng được bao nhiêu? Thực tế, lợi nhuận luôn rơi vào túi người phân phối. Thậm chí vin vào lý do dịch bệnh, giá lợn xuất chuồng còn bị thương lái o ép kinh khủng nhưng giá đến tay người tiêu dùng chẳng giảm đi bao nhiêu. Nghịch lý của sản xuất manh mún là người chăn nuôi hưởng lợi ít, người tiêu dùng phải chịu giá cao ngất ngưởng”, ông Đoán bức xúc.


Bài và ảnh:Anh Đức


Ngành chăn nuôi vẫn lệ thuộc vắcxin ngoại
Ngành chăn nuôi vẫn lệ thuộc vắcxin ngoại

Nguồn vắcxin phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm của nước ta chủ yếu là được nhập khẩu từ nước ngoài. Muốn chủ động được nguồn vắcxin cho ngành chăn nuôi, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích đầu tư nghiên cứu sản xuất vắcxin công nghệ cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN