Nghịch lý dư thừa điện giữa mùa khô

Một nghịch lý tưởng chừng hiếm xảy ra, điện năng dư thừa giữa mùa khô hạn, thời điểm cần dùng nhiều thiết bị điện cũng như phục vụ tưới tiêu, sản xuất, nhưng đây lại là thực tế đang diễn ra tại Lâm Đồng khiến nhà quản lý cũng đau đầu giải quyết.

Chú thích ảnh
Một công trình điện mặt trời đã hòa lưới điện quốc gia. 

Điện dùng không hết

Mùa khô hạn của Tây Nguyên, thời điểm mà nhu cầu sử dụng điện năng tăng cao đột biến để dùng trong sinh hoạt và sản xuất khiến sản lượng điện luôn trong nguy cơ thiếu hụt. Thế nhưng, đó là câu chuyện của dĩ vãng những năm trước đây. Mùa khô năm 2021 này đã khác, điện năng dư thừa khắp nơi.

Nguyên nhân chính là do dịch COVID-19 khiến nhiều nhà máy, doanh nghiệp, khu vui chơi… đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng, lượng điện năng tiêu thụ ít hơn hẳn. Đặc biệt, một nguyên nhân quan trọng khác là hệ thống điện mặt trời được hình thành và cung cấp nguồn năng lượng lớn cho nhu cầu sử dụng của người dân theo mô hình “tự cung tự cấp”.

Trang trại trồng hoa lan hồ điệp Thiên Ngân (thị trấn Di Linh, huyện Di Linh) là một trong những đơn vị đầu tiên trong việc lắp đặt hế thống điện mặt trời để phục vụ sản xuất. Ngoài sử dụng điện cho hệ thống quạt máy, bơm hơi nước làm mát cho khu nhà kính 1,7 ha, trang trại này còn bán cho ngành điện trong những ngày không sử dụng hết năng lượng mặt trời.

Ông Từ Ngọc Dụng (quản lý trang trại hoa Thiên Ngân) cho biết, trước đây do tiêu thụ điện lưới nhiều, tốn chi phí nên đơn vị đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời từ cuối năm 2019. Hệ thống này chủ yếu cung cấp cho sản xuất của trang trại, chỉ khi trời mưa hoặc không có nắng mới dùng đến nguồn điện lưới.

Theo thống kê, đến hết năm 2020, toàn huyện Di Linh có hơn 100 công trình điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 64 MWp. Ngoài phục vụ cho nhu cầu sử dụng ở hộ gia đình, đơn vị sản xuất, các công trình điện mặt trời này còn phát lên hệ thống truyền tải điện năng với công suất 34 MWp. Theo Giám đốc Điện lực Di Linh Bùi Ngọc Dũng, con số này đã vượt quá công suất tải của điện lực Di Linh nên đơn vị phải cắt giảm lượng điện phát ra của các công trình điện mặt trời.

“Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên sản lượng tiêu thụ điện đạt thấp khiến nguồn cung vượt cầu. Đây cũng là hiện tượng chưa có tiền lệ trong những năm qua khi lượng điện năng dư thừa giữa mùa khô hạn”, ông Dũng bày tỏ.

“Hãm” điện mặt trời

Chú thích ảnh
Trang trại hoa Thiên Ngân (huyện Di Linh, Lâm Đồng) sử dụng điện mặt trời áp mái trong sản xuất lan hồ điệp để tiết kiệm chi phí. 

Huyện Đạ Tẻh, một trong những địa phương thuộc phía Nam của tỉnh Lâm Đồng, trong khoảng một năm qua đây là địa phương có sự phát triển “nóng” về điện mặt trời mái nhà. Do khu vực này có điều kiện thuận lợi với bức xạ nhiệt cao, nắng nhiều đã thu hút nhiều cá nhân, doanh nghiệp đầu tư, khai thác công trình điện mặt trời. Thống kê đến đầu năm 2021, toàn huyện Đạ Tẻh đã có 118 công trình điện mặt trời với tổng công suất 40,3 MWp; trong đó có 41 công trình điện mặt trời mái nhà kết hợp trang trại nông nghiệp và 77 công trình của hộ gia đình.

Theo ông Tống Giang Nam, Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh, ngoài hiệu quả về kinh tế, giúp người dân có thêm thu nhập khi bán điện cho công ty điện lực và tận dụng được những diện tích đất cằn cỗi thì điện mặt trời cũng nảy sinh nhiều vấn đề bất cập. Cụ thể như vấn đề về ảnh hưởng môi trường chưa được đánh giá chi tiết, việc xử lý tấm pin năng lượng sau khi hết hạn sử dụng cũng chưa có phương án.

“Mặc dù một số dự án điện mặt trời công suất lớn có doanh thu rất cao, hàng trăm triệu mỗi tháng nhưng địa phương cũng không thu được khoản thuế nào vì chính sách miễn thuế 3 - 5 năm. Trong khi đó, hầu hết các chủ công trình điện mặt trời đều ở nơi khác đến đầu tư, chỉ giao cho một vài người trông coi, bảo vệ nên rất khó cho địa phương khi thực hiện kiểm tra về xây dựng, sử dụng đất, phòng chống cháy nổ…”, ông Nam cho biết.

Theo thống kê của Công ty Điện lực Lâm Đồng, đến đầu năm 2021 trên địa bàn tỉnh đã có 1.400 khách hàng lắp đặt điện năng lượng mặt trời áp mái với tổng công suất lắp đặt khoảng 300 MWp. Việc phát triển nguồn năng lượng mặt trời cùng với ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã khiến nguồn điện năng bị dư thừa trong những tháng mùa nắng, đặc biệt vào những giờ thấp điểm trong ngày. Trước tình trạng này, Lâm Đồng phải cắt giảm 20 - 30% trong tổng công suất lắp đặt trên hệ thống của địa phương. 

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Lâm Đồng cho biết, việc phát triển nóng điện năng lượng mặt trời như hiện nay thì hạ tầng của ngành điện không đáp ứng được, không tải hết được công suất của điện năng lượng mặt trời lên lưới điện. Tuy nhiên, điện mặt trời chỉ sử dụng trong các ngày nắng, trời mưa hoặc âm u thì vẫn phải dùng điện lưới nên ngành điện vừa phải đầu tư lưới điện và đầu tư nguồn tải điện của điện năng lượng mặt trời cũng là một khó khăn.

Trước thực trạng phát triển “nóng” điện mặt trời trên địa bàn, mới đây UBND tỉnh Lâm Đồng đã có công văn chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan thực hiện quản lý, đầu tư xây dựng các dự án, công trình điện mặt trời trên địa bàn; trong đó, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng phát triển ồ ạt điện mặt trời theo phong trào, thiếu sự kiểm soát gây quá tải lưới điện khu vực và hậu quả xấu sau này.

Bài và ảnh: Nguyễn Dũng (TTXVN)
Thời điểm nào sẽ áp dụng biểu giá bán lẻ điện mới?
Thời điểm nào sẽ áp dụng biểu giá bán lẻ điện mới?

Trả lời câu hỏi vì sao chậm sửa đổi biểu giá bán lẻ điện, nhất là trong bối cảnh mùa nắng nóng đang đến, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, cho biết vẫn đang xem xét và nghiên cứu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN