Nghị quyết số 58/NQ-CP: Khơi thông các điểm nghẽn cho doanh nghiệp

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.

Với các giải pháp xử lý những khó khăn, vướng mắc trước mắt, trong ngắn hạn cũng như trong trung và dài hạn của doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, nghị quyết sẽ góp phần khơi thông các điểm nghẽn, huy động, giải phóng các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.

Để hiểu rõ hơn về nghị quyết này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê xung quanh nội dung này.

Chú thích ảnh
Dây chuyền sản xuất giày, dép xuất khẩu tại Công ty TNHH Midori Safety Footwear Việt Nam, tại khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (Quảng Nam). Ảnh (tư liệu) minh họa: Danh Lam/TTXVN

Ngày 21/4/2023 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, ông đánh giá thế nào về các giải pháp đề cập trong nghị quyết?

Các giải pháp trong Nghị quyết số 58/NĐ-CP đã đề cập và xử lý trực diện tất cả những khó khăn vướng mắc trước mắt, trong ngắn hạn cũng như trong trung và dài hạn của doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, như: khó khăn về vốn; về chi phí nguyên vật liệu đầu vào; giảm thuế, phí, lệ phí.

Nghị quyết số 58/NQ-CP bao phủ toàn diện các vấn đề tồn đọng trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế và giải quyết trực diện ngay cả những vấn đề trước mắt, mới phát sinh như: thị trường đầu ra cho doanh nghiệp, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước.

Đồng thời, giảm chi phí cho doanh nghiệp, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng; tập trung giải ngân vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư công. Đây là giải pháp và động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trong năm nay, bù đắp cho xuất khẩu sụt giảm và tổng cầu trong nước yếu.

Nghị quyết tập trung vào tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh; tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước; nâng cao chất lượng và kỹ năng tay nghề của người lao động.

Nghị quyết số 58/NQ-CP quy định giảm tối đa các hoạt động thanh tra theo quy định; đặc biệt, giảm triệt để việc chồng chéo trong hoạt động thanh, kiểm tra thuế, bảo hiểm xã hội và các hoạt động kiểm tra chuyên ngành khác. Những quy định này giảm việc gây phiền toái, nhũng nhiễu doanh nghiệp bấy lâu nay của một bộ phận các cơ quan nhà nước.

Theo ông các giải pháp đã bao quát và xử lý hết những khó khăn của doanh nghiệp hay chưa?

Nghị quyết đã bao quát và xử lý hết những khó khăn tồn tại dai dẳng trong những năm qua cùng với khó khăn mới phát sinh đối với doanh nghiệp. Chính phủ xác định và thực hiện quan điểm luôn đồng hành, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển, coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Khơi thông các điểm nghẽn với phương châm "sớm nhất, hiệu quả nhất", huy động, giải phóng các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.

Tôi đánh giá cao và ấn tượng với các nhóm giải pháp của Nghị quyết số 58/NQ-CP tập trung tháo gỡ khó khăn, những rào cản trước mắt, khơi thông nguồn lực và động lực cho doanh nghiệp phục hồi và lấy lại đà sản xuất. Đồng thời, chuẩn bị nền tảng, tạo đà cho nền kinh tế phát triển trong trung và dài hạn, phù hợp với những thay đổi rất nhanh của kinh tế thế giới như: nghiên cứu cơ chế, chính sách khuyến khích hình thành lực lượng doanh nghiệp tư nhân có vai trò dẫn dắt trong một số lĩnh vực, ngành kinh tế trọng điểm, có lợi thế cạnh tranh.

Cùng với đó, xây dựng và triển khai các giải pháp phát triển một số tập đoàn bán lẻ lớn trong nước, có khả năng cạnh tranh trong khu vực, có vai trò nòng cốt, dẫn dắt thị trường. Bên cạnh đó, tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là nhóm giải pháp rất quan trọng nhằm nâng cao năng suất lao động quốc gia; duy trì khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, phù hợp với xu hướng phát triển của kinh tế thế giới.

Nhận thức rõ vai trò quan trọng, là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của khu vực doanh nghiệp, nghị quyết cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể về phát triển số lượng doanh nghiệp; quy mô đóng góp của khu vực doanh nghiệp trong nền kinh tế; ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; sử dụng lao động đã qua đào tạo.

Đây là những nội dung phản ánh tầm nhìn của Chính phủ để có giải pháp phát triển doanh nghiệp theo cả “chiều rộng và chiều sâu” phù hợp với thực tiễn trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Việc xây dựng và phát triển một số tập đoàn bán lẻ lớn trong nước, có khả năng cạnh tranh trong khu vực, có vai trò nòng cốt, dẫn dắt thị trường có ý nghĩa như thế nào đối với phát triển kinh tế Việt Nam?

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hiện nay ngành bán lẻ Việt Nam có quy mô thị trường 142 tỷ USD và dự báo tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% GDP.

Thời gian vừa qua, thị trường bán lẻ Việt Nam đang chứng kiến sự sôi động khi hàng loạt tên tuổi lớn của ngành bán lẻ nước ngoài công bố tăng vốn đầu tư, mở rộng mạng lưới phân phối vào Việt Nam. Điều này phản ánh tiềm năng to lớn của thị trường bán lẻ Việt Nam và xu hướng “xâm lấn, chiếm lĩnh” thị trường đầy tiềm năng với quy mô 100 triệu dân trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài.

Việc xây dựng và triển khai các giải pháp phát triển một số tập đoàn bán lẻ lớn trong nước, có khả năng cạnh tranh trong khu vực, có vai trò nòng cốt, dẫn dắt thị trường là giải pháp mang tầm chiến lược, có ý nghĩa quan trọng để giành và giữ thị trường Việt cho hàng hoá Việt bấy lâu nay đang bị các tập đoàn bán lẻ nước ngoài âm thầm chiếm lĩnh.

Cùng đó, tránh được sự thao túng của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đối với thị trường trong nước; chủ động thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường, kích cầu cho tăng trưởng, đảm bảo ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Giải ngân vốn đầu tư vừa là giải pháp và động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Vậy, nghị quyết đã đưa ra những giải pháp gì để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, thưa ông?

Nhận thức rõ tầm quan trọng của giải ngân vốn đầu tư nói chung và đầu tư công là động lực cho tăng trưởng kinh tế trong năm nay và những năm tiếp theo, nghị quyết đã đề cập cụ thể từng nhóm giải pháp đối với từng công đoạn triển khai các dự án để xử lý các vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư.

Cụ thể là, Chính phủ khẩn trương thực hiện rà soát, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đầu tư đã được cấp phép, chưa triển khai hoặc đang triển khai nhằm khơi thông nguồn lực đầu tư cho sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế. Cùng đó, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến quản lý dự án, quản lý chi phí, định mức xây dựng, vật liệu xây dựng, quản lý chất lượng thi công và hợp đồng xây dựng. Tiếp theo, các địa phương phải công bố giá các loại vật liệu xây dựng phổ biến trên địa bàn theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Chính phủ kiểm tra, rà soát, quản lý chặt chẽ giá vật liệu xây dựng, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, công bố giá vật liệu xây dựng theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Chính phủ rà soát, tạo điều kiện xử lý nhanh các thủ tục đầu tư, xây dựng đối với các dự án bất động sản trên địa bàn đã đáp ứng đủ điều kiện để các doanh nghiệp bất động sản, doanh nghiệp xây dựng sớm triển khai theo quyết định đầu tư được phê duyệt để sớm hoàn thành, đưa sản phẩm ra thị trường.

Những giải pháp này khắc phục rào cản về thủ tục đầu tư, đẩy nhanh quá trình đấu thầu; xử lý tình trạng các nhà thầu đã trúng thầu nhưng không muốn triển khai hoạt động xây lắp vì giá nguyên vật liệu trong hồ sơ trúng thầu thấp hơn giá thị trường, càng làm càng lỗ trong thời gian qua. Đồng thời, thúc đẩy triển khai các dự án bất động sản nhằm giải quyết vấn đề nhà ở cho người dân, tạo hiệu ứng lan toả trong phát triển của nền kinh tế.

Gần đây, Thủ tướng Chính phủ liên tục có những Công điện chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, khắc phục sự trì trệ trong triển khai các chính sách, giải pháp của Chính phủ. Hiện đang có khoảng cách từ nghị quyết đến triển khai, ông có đề xuất gì khắc phục hiện tượng này?

Bấy lâu nay vẫn tồn tại vấn đề từ nghị quyết, các chính sách giải pháp rất đúng, trúng, rất hay nhưng hiệu quả thực thi thường chậm và kém hiệu quả; chính sách và giải pháp tốt nhưng chậm triển khai vẫn chỉ là chính sách.

Nguyên nhân bắt nguồn từ thực tế trong thời gian gần đây xảy ra tình trạng ở một số bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy công việc; có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất để xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền. Ngoài ra, có trường hợp đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc sang các bộ, cơ quan khác, thiếu sự phối hợp kịp thời, hiệu quả giữa các bộ, cơ quan, địa phương.

Để đem lại hiệu quả của các nghị quyết, chính sách và giải pháp, khắc phục tình trạng chậm và kém trong triển khai thực hiện, theo tôi, sớm có giải pháp xoá bỏ nỗi sợ trách nhiệm đang lan tràn hiện nay trong bộ máy công quyền. Cùng đó, sớm ban hành và thực thi văn bản bảo vệ, động viên, khích lệ người có tinh thần trách nhiệm, dám xả thân, hiến dâng trí tuệ, sức lực cho công việc nhưng có thể hiệu quả công việc chưa như mong muốn.

Các bộ, ngành và địa phương khẩn trương rà soát các nhiệm vụ được giao từ đó đưa ra lộ trình với thời gian cụ thể để thực hiện; định kỳ rà soát và đánh giá tiến độ thực hiện. Bên cạnh đó, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước khi đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm để xảy ra chậm trễ hoặc không quyết định những vấn đề, công việc thuộc thẩm quyền.

Ngoài ra, xử lý nghiêm minh những hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực; có chế tài và thực hiện nghiêm để xử lý từng cấp, từng ngành, từng cá nhân chậm triển khai công việc, không hoàn thành nhiệm vụ; gắn và quy trách nhiệm người đứng đầu.

Xin cảm ơn ông!

Thuý Hiền/TTXVN (Thực hiện)
Hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng, phục hồi nhanh, phát triển bền vững
Hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng, phục hồi nhanh, phát triển bền vững

Ngày 21/4, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN