Nâng cao ý thức Người tiêu dùng mua sắm trái cây đặc sản tại LOTTE Mart, TPHCM. Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN |
Đã trở thành thông lệ, kể từ 3 năm nay Việt Nam đã chọn ngày 15/3 là “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam” nhằm định hướng, phát huy ý thức tôn trọng người tiêu dùng của doanh nghiệp, xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng mong muốn nâng cao ý thức chủ động tự bảo vệ của người tiêu dùng khi tham gia giao dịch hàng hóa, cũng như trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức xã hội trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, nhằm có những hành động thiết thực, ý nghĩa hơn đối với người tiêu dùng, hưởng ứng "Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam", đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong doanh nghiệp và xây dựng Chính phủ kiến tạo và phục vụ, Bộ Công Thương triển khai nhiều chương trình mang tính tự nguyện. Đồng thời, cùng hợp tác nhằm nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp, xã hội đối với người tiêu dùng nói riêng và người dân nói chung.
Qua đây, Bộ Công Thương hy vọng sẽ giúp doanh nghiệp thực thi đúng các qui định của pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng tốt nhất nhu cầu, nguyện vọng. Từ đó, tạo ra động lực phát triển, nâng cao lợi thế, năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh; đóng góp cho sự phát triển ổn định, bền vững của nền kinh tế.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng(Bộ Công Thương) cho hay, Lễ phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm nay được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng. Ngoài ra, lễ hưởng ứng sự kiện này còn được tổ chức tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, không gian phố đi bộ của Hà Nội từ ngày 16 - 18/3 với nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá để tri ân khách hàng trên địa bàn Thủ đô.
Bên cạnh đó, các hoạt động như hội thảo, tập huấn, khóa đào tạo theo chủ đề năm 2018, dự kiến Bộ Công Thương sẽ tổ chức Ngày tri ân người tiêu dùng dành cho doanh nghiệp. Việc làm này nhằm khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại theo định hướng gia tăng quyền lợi cho người tiêu dùng và đẩy mạnh hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Mặt khác, Bộ Công Thương cũng tổ chức trao giải, khen thưởng nhằm tôn vinh các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Cũng theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, các hoạt động tại địa phương sẽ do UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước lập kế hoạch chi tiết, bố trí kinh phí và tổ chức thực hiện. Các đơn vị tham gia phối hợp bao gồm các Sở, ban, ngành ở địa phương, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, các hiệp hội doanh nghiệp, cơ quan truyền thông, báo chí và các tổ chức, cá nhân có liên quan tại địa phương.
Theo đó, các địa phương có thể tổ chức các buổi mít tinh, tuần hành, diễu hành; treo băng rôn, khẩu hiệu trên các tuyến phố, các địa điểm công cộng và các hoạt động thúc đẩy sự hiểu biết và tương tác giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Bộ Công Thương cũng khuyến khích các địa phương có sự phối hợp, lồng ghép các hoạt động của Trung ương và địa phương cũng như giữa các địa phương để tăng tính thống nhất, lan tỏa và tiết kiệm ngân sách nhà nước và nguồn lực chung của xã hội.
Bắt tay hợp tác Khách hàng đến mua sắm hàng hóa tại siêu thị Co.opmart Vĩnh Long. Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN |
Để quyền lợi người tiêu dùng được bảo vệ một cách tối đa, thời gian qua Bộ Công Thương đã liên tiếp chấm dứt hoạt động của nhiều công ty bán hàng đa cấp cũng như ban hành nhiều văn bản như một công cụ hỗ trợ người tiêu dùng.
Ngoài ra, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử www.vca.gov.vn để giúp người dân tránh bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào các hoạt động bán hàng đa cấp bất chính, lợi dụng mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp để huy động tài chính.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nhấn mạnh: Trong bối cảnh không ít tổ chức, cá nhân kinh doanh không lành mạnh, vi phạm pháp luật gây thiệt hại quyền lợi người tiêu dùng, thì quan điểm “Kinh doanh lành mạnh” luôn phải được các doanh nghiệp đặt lên hàng đầu.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, doanh nghiệp và người tiêu dùng nên tăng cường hợp tác bởi lẽ, thông điệp này không chỉ là đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, tinh thần thượng tôn pháp luật mà còn vì quyền lợi người tiêu dùng và vì chính quyền lợi của tổ chức, cá nhân kinh doanh.