Kỳ vọng kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, chính sách hỗ trợ được Chính phủ ban hành trong năm 2023 sẽ có tác động rõ nét hơn, Bộ Xây dựng khẳng định: Năm 2024, ngành sẽ bám sát chủ đề năm của Chính phủ để cụ thể hóa thành nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, tập trung tổ chức thực hiện hiệu quả. Ngay thềm năm mới, ngành xây dựng đã ghi nhận 10 điểm nhấn tiêu biểu và sẽ tiếp tục phát huy tốt hơn nữa trong năm 2024.
Điểm nhấn đầu tiên được ghi nhận chính là sự quyết liệt, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành, hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra của năm. Cụ thể, trong năm 2023, Bộ Xây dựng đã ban hành đầy đủ, kịp thời 22 Chương trình hành động, kế hoạch, 4 Chỉ thị để thực hiện Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
Với trách nhiệm Thành viên Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã cùng Chính phủ thực hiện giải trình chất vấn trước Quốc hội về các vấn đề trọng tâm, được xã hội quan tâm và các vấn đề “nóng” trong các lĩnh vực của ngành xây dựng; theo phân công của Chính phủ làm việc với 3 tỉnh về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu; thực hiện nhiệm vụ Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với 4 địa phương về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản trên địa bàn.
Bằng nhiều giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đổi mới, sáng tạo, Bộ xây dựng đã vượt và đạt 10/12 chỉ tiêu đề ra; trong đó hoàn thành 5/5 chỉ tiêu được Chính phủ giao. Cụ thể một số chỉ tiêu chính như: tăng trưởng ngành xây dựng tăng 7,06%, đóng góp 0,51 điểm phần trăm trong GDP chung, tuy mức độ thấp hơn các năm trước nhưng vẫn là mức đóng góp chiếm tỷ trọng lớn trong GDP cả nước; tỷ lệ đô thị hóa đạt 42,7%; diện tích nhà ở bình quân cả nước đạt 26 m2 sàn/người…
Ghi nhận thứ 2 chính là hai bộ luật quan trọng là Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản được thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV với nhiều điểm đổi mới. Đây là 2 dự án luật quan trọng do Bộ Xây dựng là cơ quan chủ trì soạn thảo.
Bộ Xây dựng cho biết, 2 luật này đã thể chế hóa đầy đủ, kịp thời quan điểm, chủ trương của Đảng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, kế thừa, ổn định của hệ thống pháp luật; sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong chính sách, pháp luật đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản 2014; giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến nhà ở như đất đai, đầu tư, xây dựng, tài chính, tín dụng…
Cùng đó là tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện, đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương; thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý và phát triển nhà ở; sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế để thúc đẩy phát triển nhà ở, phát triển thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững.
Đặc biệt các quy định mới về chính sách nhà ở xã hội, phát triển nhà lưu trú công nhân, nhà ở cho lực lượng vũ trang, tăng cường vai trò của chính quyền địa phương, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam trong việc chăm lo nhà ở cho người dân.
Điểm sáng thứ 3 được Bộ Xây dựng thông tin chính là việc triển khai nghiêm túc Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngay từ đầu năm Bộ Xây dựng đã ban hành Kế hoạch thực hiện nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Một trong những điểm nổi bật để thực hiện Nghị quyết là việc đề xuất “luật hóa” việc quản lý và phát triển đô thị, quy hoạch đô thị và nông thôn và quản lý cấp, thoát nước.
Chính sách phát triển nhà ở xã hội tiếp tục được đặt ở vị trí trung tâm, góp phần thực hiện mục tiêu của Chính phủ “không để ai bị bỏ lại phía sau” chính là điểm nhấn nổi bật thứ 4 ngành xây dựng đạt được trong năm 2023.
Tiếp đó là việc Bộ Xây dựng đã linh hoạt giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Điều này được thể hiện rõ nét nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, Bộ Xây dựng đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều công điện, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp trong ngắn hạn cũng như lâu dài để tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản và vấn đề về thể chế…
Những biện pháp quyết liệt này đã mang lại kết quả nhất định. Vướng mắc từng bước được tháo gỡ, tình hình thị trường đã có những chuyển biến theo chiều hướng tích cực.
Theo nhận định, đánh giá của một số tổ chức nghiên cứu thị trường và một số địa phương, trong 6 tháng cuối năm 2023, thị trường bất động sản đã có những tín hiệu tích cực hơn so với nửa đầu năm 2023; trong đó lượng tìm kiếm giao dịch các phân khúc đất nền, chung cư... có sự phục hồi tốt và nguồn cung từ các dự án mới, giao dịch xuất hiện ngày càng nhiều.
Những điểm nhấn tiếp theo của ngành xây dựng trong năm 2023 quản lý quy hoạch, kiến trúc đạt nhiều kết quả tích cực với việc lần đầu tiên tổ chức Triển lãm quốc tế EXPO Kiến trúc tại Việt Nam; hoàn thành 2 Quy hoạch quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và thẩm định.
Cùng đó, tăng cường cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, kiểm tra, giám sát, cải thiện chỉ số cấp phép xây dựng cũng tạo điểm nhấn của ngành xây dựng trong năm qua. Kết quả tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa quy định, chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh của Bộ Xây dựng đạt 50%, vượt chỉ tiêu chung của Chính phủ là 10%.
Chuyển đổi số cũng là điểm sáng và Bộ Xây dựng đã hoàn thành triển khai xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung (LGSP) phục vụ công tác quản lý, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của Bộ với các cơ sở dữ liệu quốc gia và các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu khác có liên quan; phối hợp với các địa phương số hóa và cập nhật thông tin 545 đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị lên Cổng thông tin quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị Việt Nam. Tổng số đồ án đã cập nhật hiện nay là 2.693 đồ án.
Đáng chú ý, Bộ Xây dựng đã tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp với các bộ quản lý công trình chuyên ngành và các chủ đầu tư, góp phần hoàn thành đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng các công trình trọng điểm quốc gia.
Điển hình là thực hiện nhiệm vụ năm 2023, Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đã tổ chức 105 đợt kiểm tra đối với 35 công trình quan trọng quốc gia, công trình quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp do Thủ tướng Chính phủ giao.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng còn tập trung hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về quản lý chi phí, định mức đặc thù chuyên ngành các dự án trọng điểm như dự án cao tốc Bắc Nam, đường sắt Bắc Nam, sân bay Long Thành, vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, cơ sở 2 của bệnh việt Bạch Mai, bệnh viện Việt Đức...
Điểm nhấn nổi bật thứ 10 của ngành xây dựng trong năm 2023 chính là tái cơ cấu, sắp xếp lại doanh nghiệp được chú trọng, đạt được kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt, trong tháng cuối của năm, Bộ Xây dựng đã hoàn thành thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Tổng công ty cổ phần Sông Hồng, thu về ngân sách nhà nước hơn 139 tỷ đồng với giá bán thành công cao gấp gần 3 lần giá giao dịch trên sàn Upcom.
Cũng trong năm 2023, Bộ Xây dựng đã hoàn thành phê duyệt Đề án cơ cấu lại và kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm của Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD); có ý kiến để Người đại diện phần vốn nhà nước thông qua Đại hội đồng cổ đông đối với Đề án cơ cấu lại Tổng công ty cơ khí Việt Nam và Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama).
Hiện Bộ Xây dựng đang thẩm định Đề án tái cơ cấu và kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm của Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem); triển khai thẩm định giá xác định giá cổ phần để thoái vốn nhà nước tại Tổng công ty Viglacera.