Ngành thủy sản loay hoay tìm hướng đi bền vững

Ngành thủy sản trong những năm qua có tốc độ phát triển nhanh, góp phần quan trọng trong việc nâng cao giá trị xuất khẩu và tạo nhiều việc làm cho người dân. Tuy nhiên, với việc khai thác tràn lan, không kiểm soát khiến nguồn tài nguyên gần bờ có nguy cơ cạn kiệt. Hơn nữa, tình trạng ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, giá nhiên liệu đầu vào tăng mạnh... đang đe dọa những người nuôi trồng thủy sản.

Đó là những thông tin được đưa ra hôm qua (13/5), trong cuộc hội thảo cho dự thảo kế hoạch 5 năm (2011 - 2015) phát triển ngành thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.

Chưa tìm được hướng đi

Ngành thủy sản trong những năm qua có tốc độ phát triển nhanh, tạo công ăn việc làm cho người dân, đặc biệt là vùng nông thôn ven biển.

Trong giai đoạn 2001 - 2010, xuất khẩu thủy sản Việt Nam tăng nhanh cả về giá trị lẫn sản lượng. Năm 2001, Việt Nam đã xuất khẩu được 375,5 ngàn tấn, đạt 1,78 tỷ USD thì đến năm 2010, sản lượng sản phẩm thủy sản xuất khẩu đạt khoảng 1,34 triệu tấn và 4,94 tỷ USD, đạt tốc độ tăng bình quân là 15,85%/năm về sản lượng và 12,01%/năm về giá trị.

Dù đạt được những thành tích đó, nhưng đến nay, ngành thủy sản vẫn đang phải “loay hoay” tìm hướng đi bền vững, vì nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ và nước ngọt bị khai thác quá giới hạn cho phép; diện tích mặt nước ngọt, lợ đưa vào nuôi trồng thủy sản đã tăng đến mức giới hạn; môi trường sống của các loài thủy sinh vật ở một số khu vực bị xâm hại, chất lượng có xu hướng ngày càng giảm.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty cổ phần IDI ở huyện Lấp Vò (Đồng Tháp). Ảnh: Duy Khương – TTXVN


Theo ông Trần Cao Mưu -Tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam, khái niệm phát triển thủy sản nhanh, bền vững không phải mới được nhắc tới mà đã được khẳng định từ lâu, nhưng tới nay vẫn loay hoay tìm hướng đi.

“Ví dụ như, chúng ta hô hào là chuyển tàu bé thành tàu lớn để đánh bắt xa bờ, nhưng đánh bắt xa bờ trọng tâm là đánh bắt gì thì chưa được nhắc tới. Hơn nữa, chúng ta cũng không có những cơ sở đóng tàu cá lớn”, ông Mưu nói.

Bên cạnh đó, “ý thức của ngư dân hiện nay không bằng trước đây, nhiều ngư dân ven biển phá hoại nguồn lợi thủy sản nên phải tăng cường các biện pháp hành chính để bảo vệ. Cùng với việc hạn chế số lượng tàu đánh bắt ven bờ phải tính đến phương án thay đổi nghề cho ngư dân”, ông Mưu nói thêm.

Năm 2010, thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu sang 164 nước và vùng lãnh thổ. Trong đó, EU, Mỹ và Nhật Bản vẫn đang là 3 thị trường nhập khẩu chính hàng thủy sản Việt Nam.

Một trong những hạn chế của ngành thủy sản Việt Nam là chưa có tầm nhìn về chiến lược con giống. Theo ông Trần Đình Vĩnh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, nghêu và cá ba sa là những loại thủy sản chủ lực. Nhưng chỉ duy nhất cá ba sa chủ động được nguồn giống trong nước, còn lại sản phẩm nuôi khác đều phải nhập khẩu 100%, nên giá đầu vào rất cao.

“Hiện hầu hết giá giống thủy sản đều tăng chóng mặt, thiếu nguyên liệu nên các nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng với công suất từ 40 - 50%. Mặc dù giá cá nguyên liệu tăng nhưng người dân cũng không dám mở rộng quy mô sản xuất bởi chi phí thức ăn tăng cao và lo ngại khả năng tái diễn khủng hoảng thừa”, ông Vĩnh nói.

Hơn nữa, “do hệ thống thú y thủy sản hoạt động hiệu quả thấp nên không dự báo được tình hình dịch bệnh, đến khi dịch bệnh thủy sản phát sinh và phát tán nhanh lại chưa có giải pháp khắc phục kịp thời và phòng trị triệt để”, ông Vĩnh cho biết thêm.

Ngoài ra, phần lớn lượng thức ăn công nghiệp cho nuôi thủy sản do các nhà đầu tư nước ngoài khống chế hoặc nhập ngoại. Chưa kiểm soát được giá thành, chất lượng, nguồn gốc của thức ăn cũng như khả năng và các phương thức cung cấp, đây là một trong những yếu tố có nguy cơ đe dọa sự phát triển bền vững của ngành nuôi trồng thủy sản nước ta.

Trong xuất khẩu thủy sản thì việc thiếu thông tin về thị trường xuất khẩu, công tác dự báo thống kê chưa kịp thời; vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản vẫn đang trong quá trình tháo gỡ, khắc phục và rào cản kỹ thuật của các nước... là vấn đề còn tồn tại.

Đi tìm giải pháp bền vững

Phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, trở thành một ngành sản xuất hàng hóa lớn, có khả năng cạnh tranh cao đang là mục tiêu của ngành thủy sản.

Theo ông Trần Cao Mưu, Tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam, chúng ta giảm khai thác tàu thuyền ven bờ, việc chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với ngư dân, vấn đề cung cấp con giống cho nuôi trồng thủy sản cũng là việc cần quan tâm. Do đầu tư dàn trải, không đồng bộ nên từ nhiều năm nay con giống vẫn trong vòng luẩn quẩn chưa có lối thoát. Hoạt động ngành còn nhiều chồng chéo phức tạp, hiệu quả chưa cao nên cũng gây khó khăn cho việc phát triển thủy sản Việt Nam.

Thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn trong sự nghiệp phát triển đất nước. Sản phẩm thủy sản của nước ta nhìn chung đã đáp ứng được các yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh và an toàn thực phẩm của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Nhưng theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, mục tiêu tổng thể trong kế hoạch 5 năm tới vẫn là phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, trở thành một ngành sản xuất hàng hóa lớn, có khả năng cạnh tranh cao và hội nhập vững chắc trong nền kinh tế thế giới. Đồng thời, góp phần nâng cao thu nhập và điều kiện sống của ngư dân.

“Nhưng hiện nay để giải quyết các vấn đề về nuôi trồng thủy sản cần ngăn chặn ngay tình trạng phát triển nuôi tràn lan không theo quy hoạch dẫn đến hiệu quả thấp. Các đơn vị cần phối hợp với địa phương trong việc quản lý chất lượng con giống, môi trường nuôi, để không làm ảnh hưởng đến uy tín, hiệu quả sản xuất của ngành”, ông Tám nói.

Ý kiến:

Ông Phan Minh Quang, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu: Bảo vệ nguồn lợi thủy sản gần bờ
Trong những năm qua, tốc độ khai thác và nuôi trồng thủy sản của tỉnh Bạc Liêu cũng như các tỉnh lân cận tăng trưởng liên tục 9-10%/năm. Tuy nhiên, về nuôi trồng thì đa số các tỉnh có cơ sở hạ tầng còn hạn chế, cần được quan tâm hơn, đặc biệt là các công trình thủy lợi, điện, chính sách hỗ trợ người nuôi về thiên tai, dịch bệnh, vốn…
Về khai thác, Bạc Liêu có số lượng tàu thuyền trên 1.500 chiếc nhưng chủ yếu là tàu đánh bắt gần bờ. Muốn mở rộng và phát triển khai thác xa bờ thì cần có chính sách đầu tư để người dân chuyển từ khai thác ven bờ sang khai thác xa bờ, đầu tư về vốn để thay đổi các tàu thuyền, chuyển đổi nghề trong khai thác gần bờ để bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Việt, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng thủy sản 1: Thiếu nguồn nhân lực có chất lượng
Từ nhiều năm nay nguồn nhân lực phục vụ cho nuôi trồng thủy sản còn rất yếu. Hầu như các ngành khác tuyển lao động rất dễ nhưng ngành thủy sản lại khó bởi lo ngại thu nhập thấp. Năm nào trường cũng ra chỉ tiêu để tuyển sinh viên vào trường nhưng chỉ tuyển được 30%. Do đó, trong thời gian tới Nhà nước nên có chính sách như thế nào để thu hút nhân lực của ngành này. Có như vậy mới từng bước thúc đẩy ngành thủy sản phát triển trên cơ sở có một đội ngũ tri thức giỏi.



Hữu Vinh
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN