Xung quanh vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trò chuyện với ông Hoàng Gia Khánh, Tổng Giám đốc VNR.
Đề án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, quản lý vừa được Chính phủ phê duyệt. Theo ông, Đề án này có những thuận lợi và khó khăn gì đối với VNR?
Có thể nói, đề án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, quản lý có ảnh hưởng trực tiếp và ý nghĩa hết sức quan trọng với hoạt động sản xuất kinh doanh của VNR.
Để chủ động trong sản xuất kinh doanh VNR phải có tài sản, phải được giao quản lý và sử dụng khai thác tài sản này nhằm mục tiêu phát triển được kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đáp ứng được nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, năng lực vận tải hàng hóa trong nước và liên vận quốc tế thông qua hai cửa khẩu Đồng Đăng và Lào Cai. Bên cạnh đó, những tài sản đưa vào khai thác sử dụng sẽ tạo được công ăn việc làm và nâng cao thu nhập người lao động; mang lại nguồn lợi, tăng thu ngân sách Nhà nước và đảm bảo được trạng thái của tài sản.
Hiện tại, Bộ Giao thông vận tải đang triển khai các bước tiếp theo để đưa toàn bộ tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia khai thác hiệu quả, sớm nhất theo đúng quy định và phát huy được nguồn lực đang có đặc biệt là trên 3.143 km đường sắt, 303 khu ga đi qua 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. VNR đã chuẩn bị đầy đủ các phương án nhằm khai thác tốt nhất tài sản được giao.
Với việc hơn 300 khu ga sẽ được giao cho VNR quản lý, vậy Tổng công ty sẽ triển khai đầu tư nâng cấp, sửa chữa hoặc phương án khai thác ra sao để hiện thực hóa như phương châm “Mỗi khu ga là một điểm đến”, là một bảo tàng sống cả về văn hóa, lịch sử và du lịch? Liệu các khu ga này có kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa vào đầu tư được hay không?
Đề án này là một bước quan trọng ban đầu giao cho VNR quản lý, khai thác, sử dụng. Nghị định 46 sửa đổi sắp tới và dự kiến trong năm nay ban hành, với khu ga thực hiện việc xã hội hóa phải tuân thủ theo đúng quy định pháp luật và khi được giao cho VNR thì sẽ lập đề án trình các cấp thẩm quyền phê duyệt, từ đó tổ chức triển khai theo đề án giao tài sản được duyệt với mục tiêu tạo sự linh hoạt, đáp ứng khai thác kịp thời và phải khơi thông nguồn lực được giao.
Nguồn vốn bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt được Nhà nước rót xuống hàng năm còn thấp, VNR sẽ “liệu cơm, gắp mắm” để sửa chữa, bảo trì những hạng mục nào nhằm đảm bảo an toàn chạy tàu?
Nguồn vốn bảo trì hàng năm mà VNR được giao gần 4.000 tỷ đồng. Số vốn này nếu tính cho công tác bảo trì hạ tầng đường sắt chỉ chiếm khoảng trên dưới 50% và chưa thể đáp ứng đủ cho ngành.
Do đó, VNR đã chủ động rà soát để đề xuất kịp thời với các cấp thẩm quyền, đặc biệt là Bộ Giao thông Vận tải về nội dung cần phải xử lý trong ngắn và dài hạn về các vị trí hạ tầng xuống cấp và cần cải tạo, nâng cấp hoặc đầu tư xây mới nhằm đảm bảo an toàn chạy tàu.
Đề án tái cơ cấu VNR đã được Chính phủ phê duyệt, phương án sáp nhập hai công ty cổ phần vận tải đường sắt tiến độ triển khai ra sao, dự kiến khi nào sẽ hoàn thành?
Thực hiện lộ trình được Thủ tướng xác định tại Quyết định số 562/QĐ-TTg ngày 26/06/2024 phê duyệt Đề án cơ cấu lại VNR phải thực hiện xong việc hợp nhất Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội và Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn thành Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt hoàn thành trong năm 2024.
Hiện nay, hồ sơ hợp nhất 2 Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt đang được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xem xét, dự kiến trong quý 3/2024 sẽ cấp phép về việc chào bán cổ phiếu để hoán đổi, thực hiện hợp nhất.
Trên cơ sở đó, Hội đồng thành viên VNR sẽ chỉ đạo người đại diện phần vốn của VNR tại 2 Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội và Sài Gòn thực hiện các bước tiếp theo đúng quy định để hợp nhất như: công bố thông tin, chốt danh sách hoán đổi cổ phiếu, hủy đăng ký công ty đại chúng của Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt...
VNR dự kiến sẽ thực hiện đăng ký kinh doanh của công ty sau hợp nhất vào đầu quý 4/2024, đảm bảo việc hợp nhất xong trong năm 2024 đúng tiến độ Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.
VNR có tính đến phương án lộ trình giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần tại công ty cổ phần vận tải đường sắt sau hợp nhất nhằm thu hút nguồn vốn tham gia đầu tư và đổi mới chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt hay không?
Phương án lộ trình giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần tại Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt sau hợp nhất nhằm thu hút nguồn vốn tham gia đầu tư và đổi mới chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt. Nội dung này được VNR đề cập trong Đề án cơ cấu lại giai đoạn đến hết năm 2025 và được Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thống nhất với ý kiến của các cơ quan về việc nghiên cứu, xây dựng lộ trình phù hợp giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần của Công ty mẹ tại Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt sau hợp nhất đồng thời phải linh hoạt, để có thể thuận lợi thoái vốn khi có đối tác. Việc giảm cổ phần chi phối sẽ tách bạch hoạt động điều hành và hoạt động vận tải, tạo điều kiện để nhà đầu tư mới tham gia, đổi mới, nâng cao dịch vụ vận tải đường sắt.
Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thống nhất VNR về việc nghiên cứu, xây dựng lộ trình giảm tỷ lệ vốn góp của Công ty mẹ - VNR tại Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt sau hợp nhất và được thực hiện trong giai đoạn sau là phù hợp.
Sau khi doanh nghiệp hợp nhất đi vào hoạt động, trên cơ sở đánh giá 1 - 2 năm thực tiễn hoạt động, VNR sẽ nghiên cứu định hướng giảm tỷ lệ chi phối tại Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt; chuyên môn hóa doanh nghiệp vận tải hàng hóa và doanh nghiệp vận tải hành khách trong quá trình xây dựng Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2025 - 2030.
Trân trọng cảm ơn ông!