Nhiều chuyên gia ngành điều nhận định, các chiến lược này phải được thống nhất và thực hiện cụ thể từng phần mới mang lại hiệu quả cao.
Chủ động nguyên liệu trên nhiều khu vực
Trả lời chất vất của đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước vào ngày 1/11/2018, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ ra 4 nút thắt lớn của ngành điều hiện nay là: phụ thuộc 70% nguyên liệu từ nước ngoài; năng suất bình quân cây điều hiện nay chỉ 1 tấn/ha, còn thấp so với cây trồng khác; cả nước có hơn 480 nhà máy chế biến điều nhưng chỉ có 20% nhà máy có chuỗi chế biến sâu; chưa tận dụng hết các phế liệu khác từ cây điều.
Do đó, có thể thấy, việc chủ động nguyên liệu đóng vai trò tiên quyết trong chuỗi phát triển ngành điều. Để làm được điều này, các doanh nghiệp và người dân trồng điều phải có kế hoạch chăm sóc vườn điều hiệu quả, cho năng suất cao, chất lượng tốt, giảm tỷ lệ hao hụt trong chế biến. Trong năm 2017, khi điều vào vụ gặp nhiều khó khăn, lãnh đạo tỉnh Bình Phước đã hỗ trợ 42 tỷ đồng cho đầu tư phân bón, chăm sóc, vật tư sử dụng trên cây điều.
Trong niên vụ mới 2018 – 2019, việc chăm sóc cây điều và những vườn điều già cỗi được các nhà khoa học và chính quyền địa phương các tỉnh trồng điều nhanh chóng triển khai với nông dân. Các nhà khoa học đưa ra khuyến cáo, nông dân không cần sử dụng phân bón cho điều. Theo ông Chu Trung Kiên, Trưởng phòng Nghiên cứu Bảo vệ thực vật, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, khâu chăm sóc đóng vai trò quyết định năng suất và sản lượng điều trong niên vụ này. Nông dân phải tỉa cành, tạo tán để phá những ổ sâu đục thân, cành, bọ xít muỗi tấn công cây trước đó.
Bên cạnh đó, biện pháp cạnh tranh sinh học sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Người trồng điều tăng cường trồng keo để dụ kiến vàng đến với vườn điều. Kiến vàng là loài khắc tinh với sâu đục thân và bọ xít muỗi. Với biện pháp này, người trồng điều sẽ giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên cây điều, vừa áp dụng canh tác sinh học, tránh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong hạt điều khi thu hoạch. Đáng chú ý, khi dụ kiến vàng, nông dân phải dụ những con kiến cùng đàn để chúng không tấn công nhau, chỉ tấn công sâu bệnh. Có như vậy, cây điều mới khỏe mạnh, cho năng suất cao trong niên vụ mới.
Song song với chăm sóc vườn điều trong nước, sản xuất nguyên liệu điều chất lượng phục vụ cho chế biến, xuất khẩu, Hiệp hội điều Việt Nam cũng đã đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Campuchia phát triển diện tích trồng điều, có khả năng cung ứng một phần nhỏ cho các doanh nghiệp.
Trong thời gian qua, Việt Nam và Campuchia đã có những hoạt động hợp tác trồng điều. Theo Hiệp hội điều Việt Nam, Bộ Nông lâm Ngư nghiệp Campuchia cũng đã chấp thuận phát triển diện tích điều tại quốc gia này lên 500.000 ha; trong đó, chủ yếu sản xuất điều hữu cơ, chất lượng cao. Diện tích điều tại Campuchia có khả năng cung ứng 1 triệu tấn điều nguyên liệu cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Với cách thay đổi chiến lược hợp tác này, có thể đảm bảo cung ứng nguyên liệu tối thiểu 1,2 triệu tấn điều thô cho các doanh nghiệp Việt Nam, giải được bài toán nguyên liệu điều hiện nay.
Tái cơ cấu toàn ngành
Để hoàn thành chiến lược tự chủ nguồn nguyên liệu điều thô, đáp ứng kịp thời cho nhu cầu chế biến và xuất khẩu, giữ được vị thế ngành điều Việt Nam trên thị trường toàn cầu, ngành điều bắt tay hành động, tái cơ cấu lại từng khâu để có thể phát triển bền vững trong thời gian tới.
Trong chương trình tái cơ cấu ngành điều, các nhà khoa học đã đề xuất, các vườn điều già cỗi, trên 20 năm cần phải được trồng mới bằng các loại giống mới có năng suất và khả năng chống chịu sâu bệnh cao hơn so với các giống điều cũ trước đây. Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, tái cơ cấu ngành điều phải thực hiện toàn diện. Cụ thể, năng suất điều phải tăng lên gấp rưỡi hoặc gấp đôi so với hiện nay. Quy trình sản xuất được thực hiện theo hướng sạch hữu cơ và tiến tới hữu cơ, thích ứng với những tiểu vùng trọng điểm như Đông Nam bộ, Tây Nguyên và Nam Trung bộ.
Đối với việc tăng năng suất điều, ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ chia sẻ, hiện nay, có nhiều bộ giống điều đã được khảo nghiệm, cho năng suất cao, ra hoa tập trung ngay đầu vụ, có thể tránh được những cơn mưa bất thường trong thời gian ra hoa rải rác, chống chịu sâu bệnh tốt như PN1, TL1/11, AB29, AB05-08, ĐDH 102-293… Những giống này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận, đưa vào sản xuất đại trà. Sau 5 năm trồng có thể cho năng suất hơn 1,5 tấn/ha, khi thu hoạch và chế biến, nhân hạt to, đạt chất lượng theo yêu cầu của các doanh nghiệp Việt Nam, dễ bán được với giá cao, giúp nông dân có thêm lợi nhuận từ sản xuất điều nguyên liệu trong nước.
Cùng với phát triển bộ giống điều chất lượng mới, ngành điều cũng tập trung vào chế biến sâu hơn, nâng cao giá trị sản phẩm hạt điều. Hiệp hội điều Việt Nam cũng chú trọng xây dựng thương hiệu hạt điều Việt Nam khi đưa sản phẩm ra thị trường thế giới. Toàn ngành tổ chức lại sản xuất công nghiệp, lựa chọn những nhà đầu tư đủ tiềm lực về tài chính, quản trị, có khát vọng xây dựng được những thương hiệu mạnh Việt Nam để đảm bảo chuỗi giá trị sau này đạt hiệu dài hơn, cao hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề xuất, ngành điều cần tổ chức đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, khắc phục cho được những yếu tố bất lợi của thời tiết hiện nay. Các doanh nghiệp chế biến điều hình thành chuỗi sản xuất khép kín, liên kết với chính quyền địa phương, nông dân trồng điều với phương thức hình thành các hợp tác xã hoặc trực tiếp tham gia vào các hợp tác xã trồng điều. Thông qua các mối liên kết này, doanh nghiệp và người dân trồng điều hình thành chuỗi sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, ổn định đầu thu mua, chế biến, tổ chức phát triển thị trường nội địa và quốc tế. Lấy thị trường nội địa là hậu phương vững chắc cho toàn ngành, từ đó mạnh mẽ đi vào thị trường quốc tế vững chắc hơn.