Ngân hàng ăn nên làm ra
Nhắc đến lợi nhuận ngành ngân hàng thì năm 2018 có thể khẳng định là một năm "thắng lợi" của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với kỷ lục mới sau khi vượt mốc 10.000 tỷ đồng trong năm 2017.
Theo đó, "anh cả" của ngành ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm 2018 đạt 18.016 tỷ đồng, tăng 63,5% so với năm 2017. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua, thực hiện 120,1% kế hoạch 2018. Lợi nhuận hợp nhất của Vietcombank đạt tới 18.346 tỷ đồng, thực hiện 138% kế hoạch đại hội đồng cổ đông, tăng 62% so với năm 2017.
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank Nghiêm Xuân Thành, mức lợi này không chỉ giúp Vietcombank tiếp tục dẫn đầu mà còn có lợi nhuận cao hơn cả 2 ngân hàng đứng sau cộng lại. Ngoài ra, Vietcombank còn tiếp tục có giá trị vốn hóa lớn nhất trong các ngân hàng niêm yết và vươn lên là ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn nhất hệ thống ngân hàng.
Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán SSI đã chỉ ra kết quả ấn tượng mà Vietcombank có được là nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ ở hầu hết các ngành kinh doanh. Bao gồm: thu nhập lãi ròng tăng 30%: thu nhập từ phí tăng khoảng 37,7%; thu nhập từ nợ xấu đã xóa đạt khoảng 3.200 tỷ đồng, tăng 52,4%; thu nhập từ việc thoái vốn của danh mục đầu tư cổ phiếu đạt 1.800 tỷ đồng, cao hơn 5,43 lần so với năm 2017.
Tất cả kết quả này có được trong bối cảnh tăng trưởng tài sản thấp (xấp xỉ 4%) và tăng trưởng tín dụng khiêm tốn ở mức 14,9%, thấp hơn mức trần tăng trưởng do Ngân hàng Nhà nước quy định là 15%.
Cùng với Vietcombank thì lợi nhuận năm 2018 của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng là chủ đề đang rất được quan tâm. Bởi ngân hàng này đã bất ngờ điều chỉnh nhiều chỉ tiêu kinh doanh theo hướng đi xuống vào thời điểm trước khi kết thúc năm tài chính 2018 chỉ chưa đầy 1 tháng; trong đó, chỉ tiêu lợi nhuận giảm còn tối thiểu 6.700 tỷ đồng. Con số này thấp hơn nhiều so với các mức đã ghi nhận trong các năm qua của VietinBank và thậm chí còn thấp hơn cả mức lợi nhuận đã đạt được của ngân hàng trong 9 tháng năm 2018 là gần 7.600 tỷ đồng.
Mới đây nhất, trong Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2019 của ngân hàng này, Chủ tịch Lê Đức Thọ cho biết, lợi nhuận năm 2018 của VietinBank tuy vượt kế hoạch đại hội đồng cổ đông đề ra nhưng lại giảm so với năm 2017. Tuy vậy, con số cụ thể cho đến nay vẫn chưa được công bố.
Trong khi đó, cái tên đang nằm ở Top 3 về vốn điều lệ trong các ngân hàng cổ phần sau Vietinbank và Vietcombank dường như đang khá tự tin sẽ cán đích lợi nhuận 10.000 tỷ đồng năm 2018, đó chính là Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).
Sự lạc quan hoàn toàn có căn cứ với lợi nhuận trước thuế tính đến hết ngày 30/9/2018 của Techcombank đạt hơn 7.774 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kì năm trước và bằng 78% kế hoạch năm (10.000 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 6.209 tỷ đồng tăng 60%.
Có tốc độ tăng trưởng đột biến những năm gần đây, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng vừa công bố kết quả kinh doanh với lợi nhuận trước thuế tăng gần gấp đôi so với năm 2017, đạt mức 2.258 tỉ đồng.
Còn tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), thành viên đầu tiên công bố kết quả kinh doanh sớm hồi cuối tháng 12/2018, ước tính lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2018 đạt hơn 2.200 tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch đại hội đồng cổ đông giao, tăng hơn 47% so với năm 2017.
Cùng với những cái tên kể trên, qua quan sát các báo cáo tài chính trong năm 2017, giới chuyên gia kỳ vọng nhiều thành viên như Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam (Ngân hàng Quốc Tế - VIB), Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank)... cũng có được kết quả lợi nhuận ấn tượng năm qua.
Nhân viên hồi hộp ngóng thưởng Tết
Kết quả kinh doanh khấm khá mang lại hi vọng về những khoản thưởng Tết "khủng". Đây không chỉ là mối quan tâm của người lao động, nhân viên ngân hàng, mà còn là một trong những thông tin, căn cứ để các nhà đầu tư đánh giá về tình hình sức khỏe của mỗi doanh nghiệp.
Đặc biệt, mới đây Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh công bố mức thưởng cao nhất năm nay trên địa bàn thành phố là 1,17 tỷ đồng/người thuộc về một doanh nghiệp ở lĩnh vực tài chính - ngân hàng - bảo hiểm. Thông tin này càng khiến nhiều người hồi hộp ngóng trông.
Là nhân viên tại Hội sở chính của một trong những ngân hàng làm ăn khấm khá năm qua, chị Trương Thanh Bình (Long Biên, Hà Nội) cho hay: "Thông tin về thưởng Tết đã được bàn tán từ cả tháng nay và càng hi vọng hơn khi ngân hàng công bố mức lãi tăng đột biến. Nhiều nguồn tin nói rằng ngân hàng sẽ thưởng tới 7 - 8 tháng lương, nhưng lại cũng có thông tin rằng chỉ được thưởng khoảng 3 - 4 tháng thôi. Cụ thể chắc phải tới gần cuối tháng này mới rõ".
Còn theo một lãnh đạo cấp cao của ngân hàng này thì mức thưởng sẽ có sự khác biệt khá lớn giữa các chi nhánh, các vị trí công việc khác nhau cũng như mức độ hoàn thành nhiệm vụ. "Có thể mức thưởng sẽ chỉ từ 1 - 1,5 tháng lương nếu chi nhánh chưa đạt chỉ tiêu, nhân viên chưa hoàn thành nhiệm vụ, nhưng cũng có thể được thưởng tới 7 - 8, thậm chí là 10 tháng lương nếu kinh doanh xuất sắc", vị lãnh đạo nửa đùa nửa thật.
Điểm lại khoảng 5 năm trở lại đây, Vietcombank luôn là ngân hàng thưởng Tết nhân viên nhiều nhất, khoảng từ 4 - 7 tháng lương. Trong khi mức thưởng này tại các ngân hàng khác chỉ khoảng 1 - 3 tháng lương.
Nếu như vào khoảng thời gian này những năm trước, mức thưởng Tết Nguyên đán đã dần hé lộ thì có vẻ như năm nay các ngân hàng có phần dè dặt hơn. Theo tìm hiểu của phóng viên, lương tháng 13 đã được hầu hết các ngân hàng chi cho nhân viên dịp Tết Dương lịch, còn các khoản thưởng khác có lẽ phải 1 - 2 tuần nữa mới được công bố.