Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy, việc đưa 2 dự án cao tốc này vào vận hành là kết quả thiết thực chào mừng kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2023). Trong đó, cao tốc Nha Trang - Cam Lâm đã rút ngắn thời gian đưa vào khai thác 3 tháng so với kế hoạch, giữ vững cam kết của nhà đầu tư (Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải) với Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT.
Hệ thống biển chỉ dẫn khoảng cách an toàn phương tiện tham gia giao thông trên cao tốc Nha Trang - Cam Lâm.
Cận cảnh đoạn tuyến đã hoàn thành qua cầu vượt nút giao cao tốc Nha Trang - Cam Lâm với Quốc lộ 27B.
Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm khi hoàn thành có thời gian vận hành khai thác hoàn vốn khoảng 16 năm 4 tháng, thiết kế quy mô 4 làn xe trên nền đường rộng 17 m; giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 6 làn xe rộng hơn 32 m.
Nhà thầu dự án - Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (Tập đoàn Sơn Hải) bảo hành chất lượng cao tốc 10 năm.
Hệ thống kênh thoát nước tại nút giao cao tốc Nha Trang - Cam Lâm với Quốc lộ 27B đã hoàn thành.
Thời gian qua, các Ban Quản lý dự án, nhà đầu tư, nhà thầu thi công và đơn vị tư vấn, cùng hàng nghìn kỹ sư, tư vấn thiết kế, giám sát, công nhân, người lao động 2 dự án đã vượt qua nhiều khó khăn, huy động mọi nguồn lực, thi công 3 ca, 4 kíp/ngày đêm, để đảm bảo đưa vào khai thác đúng dịp 19/5.
Trên cơ sở phương án tổ chức giao thông tạm thời đã được Bộ GTVT phê duyệt, 2 đoạn tuyến cao tốc từ ngày 19/5 chỉ phục vụ xe ô tô. Các loại xe thô sơ, xe gắn máy, người đi bộ… không được đi vào đường cao tốc (trừ người, phương tiện phục vụ quản lý, bảo trì đường cao tốc). Người, phương tiện, thiết bị quản lý, bảo trì đường cao tốc có phù hiệu hoặc biểu tượng riêng được đi lại trên đường cao tốc, nhưng không được gây ảnh hưởng và cản trở giao thông. Xe chở chất độc hại, dễ cháy, vật liệu nổ nằm trong danh mục hàng nguy hiểm chỉ được lưu thông khi có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền. Các phương tiện được phép lưu thông trên 2 cao tốc với tốc độ tối đa 80 km/giờ và tối thiểu 60 km/giờ...
Đưa vào khai thác, các loại ô tô được phép lưu thông trên cao tốc Nha Trang - Cam Lâm với tốc độ tối đa 80 km/giờ và tối thiểu 60 km/giờ.
Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm dài 49,11 km, có điểm đầu tại Km5+783 thuộc xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh; điểm cuối tại Km54+00 thuộc xã Cam Thịnh Tây, TP Cam Ranh, có tổng mức đầu tư hơn 7.600 tỷ đồng.
Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm đưa vào khai thác, đặt dấu mốc cán đích trước 3 tháng so với mục tiêu.
Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm qua tỉnh Khánh Hòa thông xe, cùng với cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo hoàn thành đầu năm 2024 sẽ giúp kết nối với các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận cũng như các tỉnh Đông Nam Bộ thuận lợi hơn.
Riêng cao tốc thành phần Nha Trang - Cam Lâm, các phương tiện được lưu thông từ đầu dự án (Km5+783) đến nút giao cuối dự án (Km52+892), trong điều kiện các đoạn cao tốc kế tiếp 2 đầu dự án là Vân Phong - Nha Trang và Cam Lâm - Vĩnh Hảo chưa thông xe, trước mắt các đơn vị triển khai phương án tổ chức phân luồng từ xa trên tuyến cao tốc. Theo hướng Bắc Nam, các phương tiện lưu thông từ Quốc lộ (QL)1 vào QL27C, nhập vào cao tốc tại nút giao QL27C (đầu tuyến tại Km5+783) đến nút giao Cam Ranh tại Km52+892 kết nối với QL1 thông qua QL27B.
Tại cao tốc thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết, các phương tiện được khai thác tuyến đường từ đầu nút giao Vĩnh Hảo kết nối với cao tốc thành phần Phan Thiết - Dầu Giây đi TP Hồ Chí Minh. Dự án đưa vào khai thác hoàn thiện 5/5 nút giao, gồm: Nút giao Vĩnh Hảo (Km134+700), nút giao Chợ Lầu (Km162+777,78), nút giao Đại Ninh (Km178+655,22), nút giao Ma Lâm (Km208+701,74), nút giao Phan Thiết (Km234+617,56).
Biển chỉ dẫn lối vào cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết.