Với thông điệp Tiết kiệm năng lượng - Bảo vệ trái đất, Chiến dịch Giờ Trái đất 2019 (với sự kiện cùng tắt đèn từ 20h30- 21h30 ngày 30/3) kêu gọi, thúc đẩy ý thức tiết kiệm năng lượng trong hoạt động sản xuất ở các doanh nghiệp, nhà máy bởi đây là khu vực có mức tiêu thụ năng lượng nhiều nhất.
Theo các chuyên gia, việc tiết kiệm năng lượng trong sản xuất là một phần không thể thiếu của phát triển công nghiệp bền vững, tăng hiệu quả sử dụng nguyên - nhiên vật liệu và giảm phát thải môi trường cho các doanh nghiệp. Điều này càng đặc biệt ý nghĩa trong bối cảnh nhu cầu sử dụng năng lượng của Việt Nam đang và sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức khá cao trong giai đoạn tới dẫn tới khả năng đất nước ngày càng phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu.
Sức ép từ việc cạn kiệt các nguồn nguyên liệu hóa thạch đang tạo ra cơ hội phát triển cho ngành năng lượng tái tạo tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Chia sẻ kinh nghiệm áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượn của doanh nghiệp, tại tọa đàm với chủ đề "Giải pháp năng lượng xanh cho tương lai" hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2019 diễn ra tại Bắc Ninh vừa qua, ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch tập đoàn Sơn Hà, Đại sứ Giờ Trái Đất 2019 cho biết: Tập đoàn Sơn Hà đã áp dụng thành công những biện pháp kiểm soát tiêu thụ năng lượng trong sản xuất, đạt được kết quả tiết giảm đến 30% chi phí năng lượng cho sản xuất. Hàng năm doanh nghiệp đều thực hiện chương trình kiểm toán năng lượng để đưa ra các giải pháp tối ưu cho việc sử dụng năng lượng trong sản xuất như: Thiết kế sử dụng các tấm sáng thay cho mái tôn tận dụng ánh sáng tự nhiên, sử dụng điều hòa nhiệt độ, các thiết bị chiếu sáng, làm mát tiết kiệm điện năng, sử dụng thái dương năng tại khu vực nghỉ ca cho cán bộ nhân viên, tiết kiệm được 20KW điện/ngày… Với phương châm xây dựng hệ thống sản xuất xanh, tập đoàn luôn chú trọng đến công tác nghiên cứu phát triển để tiếp tục cải tiến liên tục hệ thống sản xuất sử dụng năng lượng tối ưu vào sản xuất. Tập đoàn cũng tập trung sản xuất và cung ứng ra thị trường các sản phẩm sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như sản phẩm thiết bị nước nóng Thái Dương Năng (biến năng lượng mặt trời thành nhiệt năng), cánh đồng năng lượng điện mặt trời (Solafarm), năng lượng điện mái nhà (Rooftop)…
TS. Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung Tâm Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) đánh giá: Tiềm năng năng lượng tái tạo của Việt Nam là tương đối lớn từ mặt trời, gió, thủy triều. Năng lượng tái tạo có tính ưu việt là thân thiện với môi trường, không phụ thuộc vào các nguồn có hạn như than, dầu khí… nên không gây ra bất ổn, nguồn cung cấp từ tự nhiên vô tận. Vì vậy lĩnh vực này rất cần được quan tâm đầu tư và phát triển mạnh hơn nữa.
Hiện Việt Nam đã đặt ra mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo với cam kết giảm phát thải khí nhà kính. Việt Nam đã có chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển năng lượng tái tạo, đẩy mạnh phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo. Chỉ tiêu đặt ra đến 2020 có thể đạt 7% điện năng từ nguồn năng lượng tái tạo... Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), tiềm năng kỹ thuật điện gió của Việt Nam là khoảng 215.000 MW, điện mặt trời khoảng 340.000 MW. Tuy nhiên việc phát triển còn phụ thuộc vào điều kiện tiềm năng kinh tế, đặc biệt là cơ chế hỗ trợ cho sử dụng năng lượng tái tạo.
Cũng theo ông Tuấn, trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Việt Nam đang ở giai đoạn lấy đà, tuy nhiên để “cất cánh” cũng không thể làm ồ ạt mà nên phát triển thận trọng. Với tiềm năng năng lượng tái tạo, Việt Nam nên phát triển và sẽ đẩy nhanh tốc độ khi gặp điều kiện thuận lợi.