Thời gian qua, ngành vận tải biển Việt Nam gặp nhiều khó khăn bởi ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới và trong nước. Vì vậy, ưu tiên giải quyết những vướng mắc về cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) nâng thị phần vận tải được cho là giải pháp để ngành có thể phục hồi.
Tàu nhiều nhưng vẫn “yếu”
Theo Báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam, Việt Nam hiện có hàng nghìn chiếc tàu, trong đó có khoảng 400 tàu chạy tuyến quốc tế. Mặc dù có đội tàu đông đảo nhưng cơ cấu không hợp lý, tàu hàng rời tổng hợp chiếm tỷ lệ lớn trong khi tàu chuyên dụng và tàu côngtennơ lại chiếm tỷ lệ rất nhỏ, dẫn đến tình trạng dư thừa tàu hàng rời tổng hợp, tàu trọng tải nhỏ, thiếu tàu chuyên dụng, tàu có trọng tải lớn chạy tuyến quốc tế. Bên cạnh đó, địa bàn hoạt động của tàu côngtennơ Việt Nam cũng rất hẹp, mới chỉ “loanh quanh” trong khu vực Ðông Nam Á, Trung Quốc... chưa thực hiện các chuyến đi thẳng.
Tàu TRUONGHAI Star3 cập cảng Chu Lai - Trường Hải tại xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Nguyễn Sơn – Hữu Trung/TTXVN |
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết, các DN vận tải biển trong nước đang phải đối mặt với các thách thức như: kinh nghiệm và năng lực quản lý kinh doanh vận tải biển yếu; nhiều chủ tàu chỉ quản lý một vài tàu nhỏ, kém chất lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu sức cạnh tranh ảnh hưởng không tốt tới hiệu quả kinh doanh chung của toàn đội tàu.
“Thị phần hàng hóa xuất nhập khẩu đang tăng 11-15% mỗi năm, đây là cơ hội cho kinh doanh vận tải nội địa để mở rộng thị phần”.
Bà Dương Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu. |
Ông Nguyễn Văn Công cũng thừa nhận, vận tải biển trong nước phục hồi rất chậm, giá cước vận tải thấp, nguồn hàng khan hiếm. Trong khi đó chi phí vốn và chi phí nhiên liệu tăng cao. Thị trường vận tải biển nội địa mất cân đối giữa hai chiều Bắc - Nam… khiến vận tải biển chưa “chia lửa” được với vận tải đường bộ mà Bộ GTVT đặt ra.
Những khó khăn khách quan từ phía thị trường cộng với cơ cấu đội tàu chưa hợp lý khiến các DN kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, nhiều chủ tàu có nguy cơ phá sản.
Bên cạnh đó, đội tàu biển Việt Nam đang bị mất dần thị phần vận tải cho DN nước ngoài do hầu hết DN không sử dụng quyền vận tải trong xuất nhập khẩu hàng hóa. Dẫn chứng tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 1, mỗi ngày có hàng trăm DN làm thủ tục xuất nhập khẩu. Hầu hết đều chọn phương án mua CIF (đã bao gồm giá thành của sản phẩm, cước phí, phí bảo hiểm), bán FOB (đã trả cước phí xếp hàng lên tàu) hay mua hàng tại cảng đến, bán hàng ở cảng đi, nghĩa là cả mua và bán hàng đều ở cảng tại Việt Nam. Tập quán này đã có từ lâu do DN xuất nhập khẩu Việt thường chỉ tập trung vào việc mua bán hàng, chứ không đảm nhiệm việc lựa chọn hãng vận tải.
Tăng thêm cơ hội cho DN
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho biết, Bộ GTVT đã làm việc với Bộ Công Thương và các cơ quan hữu quan nhằm tăng cơ hội cho các DN vận tải biển Việt Nam. Trước mắt, các DN xuất khẩu lớn đã chấp nhận sử dụng tàu nội địa tại các thị trường gần, nếu đáp ứng tốt sẽ chuyển sang các thị trường biển xa. Bộ GTVT kêu gọi các DN vận tải biển quan tâm hơn đến hai ngành hàng đang còn bị bỏ trống là vận tải xi măng rời và khí hóa lỏng.
Đại diện Hiệp hội chủ hàng Việt Nam cho rằng, ngày càng nhiều DN xuất nhập khẩu Việt Nam lớn mạnh có thể mua tận gốc, bán tận ngọn. Do vậy, Hiệp hội sẽ hỗ trợ chủ hàng để tiến tới giành quyền chủ động chọn hãng vận tải, nhằm từng bước phát triển đội tàu Việt.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, để tăng cơ hội cho các DN vận tải biển trong nước, các DN đề nghị có lộ trình không cho phép tàu mang quốc tịch nước ngoài vận tải nội địa.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đề nghị, các DN cần tăng cường đoàn kết, phối hợp cùng phát triển. Đặc biệt, DN cần tự nâng cao năng lực bốc xếp, năng lực đàm phán để nâng thị phần vận tải, tạo sức mạnh tổng thể cho ngành vận tải biển Việt Nam.
Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục rà soát lại chiến lược, quy hoạch phát triển cảng biển, quy hoạch phát triển đội tàu biển cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Bộ GTVT sẽ quan tâm, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng kết nối giữa các cảng biển với nhau, giữa cảng biển với đường sắt, đường bộ, hàng không.
“Sắp tới, Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ Bộ luật Hàng hải sửa đổi, để trình Quốc hội cho ý kiến. Ngay sau đó sẽ triển khai sửa đổi Nghị định, Thông tư có liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DN”, người đứng đầu ngành giao thông vận tải chia sẻ.
Quang Toàn