Các đại biểu thống nhất cho rằng, việc xây dựng Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) nhằm hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý bảo đảm cho sự phát triển ổn định, bền vững, an toàn của thị trường chứng khoán. Dự thảo luật được sửa đổi cũng đáp ứng yêu cầu hội nhập, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế.
Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) gồm 10 chương, 136 điều. So với Luật Chứng khoán hiện hành, dự thảo Luật sửa đổi 97 Điều, bổ sung 31 Điều, bãi bỏ 31 Điều và giữ nguyên 8 Điều.
Ông Vũ Quang Việt, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, nội dung Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa các nhóm chính sách đề nghị xây dựng dự án luật đã được Chính phủ thông qua; tăng cường quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán, đảm bảo thị trường chứng khoán hoạt động an toàn, minh bạch, hiệu quả, giảm thiểu rủi ro hệ thống.
Bên cạnh đó, theo ông Việt, Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã phù hợp với hệ thống luật pháp hiện hành và dự kiến sửa đổi của các luật đang xây dựng trình Quốc hội.
Theo Ban soạn thảo dự án luật, đối với chào bán chứng khoán ra công chúng, luật hiện hành chưa tách riêng điều kiện để phù hợp với tính chất khác nhau giữa chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) với chào bán thêm ra công chúng; chưa quy định điều kiện về quy mô phát hành, tính đại chúng... dẫn đến có trường hợp doanh nghiệp phát hành với giá trị rất lớn, gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, tiềm ần rủi ro đối với nhà đầu tư.
Để khắc phục bất cập này, theo dự thảo luật, điều kiện chào bán được sửa đổi, bổ sung, chuẩn hóa theo hướng chặt chẽ hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế, nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
Theo đó, Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã tách bạch điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng và điều kiện chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng cho phù hợp với tính chất của đợt chào bán. Chuẩn hóa một số điều kiện như: vốn điều lệ đã góp (nâng từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng), kết quả hoạt động kinh doanh, quy mô, tần suất phát hành, gắn việc chào bán ra công chúng với niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán, đảm bảo lựa chọn những công ty có hoạt động kinh doanh tăng trưởng ổn định, năng lực tài chính tốt và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đáng chú ý, với mục tiêu nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán, đảm bảo quy mô, tính chất đại chúng của các công ty đại chúng, tính khả thi trong thực hiện, không gây xáo trộn thị trường, dự án luật sửa đổi điều kiện về cơ cấu cổ đông (có tối thiều 10% số cổ phần có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ) cho phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời nâng điều kiện về vốn điều lệ đã góp tối thiểu từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng (tương ứng với việc nâng điều kiện về vốn điều lệ trong chào bán chứng khoán).
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, bà Vũ Thị Chân Phương, Luật Chứng khoán hiện hành có hiệu lực đến nay đã 12 năm, nên hiện quy mô của các công ty đại chúng đã tăng lên rất nhiều.
Theo các chuyên gia quốc tế, vốn điều lệ tối thiểu của công ty đại chúng là 50 tỷ đồng để tương đồng với các nước ASEAN. Tuy nhiên, Ban soạn thảo đã quyết định quy định vốn điều lệ của các công ty đại chúng niêm yết là 30 tỷ đồng, vì hiện nay trên 2 Sở giao dịch chứng khoán, mức vốn từ trên 30 tỷ đồng trở lên của các công ty chiếm đa số, đạt trên 80%. Như vậy, chọn con số 30 tỷ đồng là phù hợp với điều kiện thực tiễn tại thị trường chứng khoán Việt Nam.
Dự thảo Luật bổ sung một số quyền cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước như: yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu hoặc yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình, đến làm việc liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra; yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng tại Việt Nam cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch trên tài khoản của khách hàng đối với các trường hợp có dấu hiệu thực hiện hành vi bị cấm trong hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán. Dự thảo luật quy định yêu cầu doanh nghiệp viễn thông cung cấp tên, địa chỉ, số máy gọi, số máy được gọi, thời gian gọi để xác minh, xử lý các hành vi bị cấm.
Ban soạn thảo cho rằng, quy định của Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã khắc phục hạn chế của Luật Chứng khoán hiện hành, bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế, phòng, chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán đạt hiệu quả, bảo đảm phù hợp với các luật khác có liên quan như Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Viễn thông...
Bên cạnh đó, để có chế tài đủ mạnh, nâng cao tính răn đe, phòng ngừa, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên thị trường, dự thảo Luật quy định mức phạt tối đa theo hướng: đối với một số hành vi vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến tính minh bạch, an toàn của thị trường như thao túng thị trường, giao dịch nội bộ... thì mức phạt tiền tối đa là 10 lần khoản thu trái pháp luật đối với tổ chức và 5 lần khoản thu trái pháp luật đối với cá nhân; đối với các hành vi vi phạm khác quy định mức phạt tiền tối đa là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.
Nói về nguyên nhân ban soạn thảo đưa ra mức phạt trên, bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chánh thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chia sẻ, đối với thao túng thị trường từ 500 triệu đồng trở lên đã là cấu thành hình sự. Luật Chứng khoán hiện hành xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán cao nhất là 2 tỷ đồng đối với tổ chức, 1 tỷ đồng đối với cá nhân. Do đó, Ban soạn thảo đã tính toán để mức phạt không quá cao đối với các ngành, lĩnh vực. Ban soạn thảo cho rằng, mức phạt như trên vừa đủ sức răn đe và phù hợp với điều kiện thực tế phát triển thị trường.
Theo dự kiến, ngày 6/6/2019, Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) sẽ được trình và xin ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.