Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử

Làm thế nào để thích ứng, bắt kịp và hoàn thiện các chính sách thuế phù hợp với tình hình thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam đang là bài toán nan giải với cơ quan thuế nói riêng và các ngành, các cấp nói chung.

Chú thích ảnh
Thời gian qua, thương mại điện tử ở Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể. Ảnh tư liệu: TTXVN

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế thương mại điện tử trong thời gian tới, nhiều giải pháp đã được các chuyên gia, nhà quản lý nêu lên tại Tọa đàm “Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử”, do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 29/9.

Thời gian qua, thương mại điện tử ở Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể bởi những lợi ích to lớn mà hoạt động này mang lại. Ước tính, tỷ lệ người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến ở Việt Nam chiếm trên 90%, trong khi tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử trong những năm gần đây luôn ở mức cao, trên 20%/năm.

Để quản lý hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Cơ quan thuế các cấp đã sớm chủ động vào cuộc, phối hợp với các ngành liên quan chống thất thu thuế lĩnh vực kinh doanh này. Tuy nhiên, số thuế nộp ngân sách nhà nước so với thu nhập và doanh thu từ lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử chưa tương xứng với tiềm năng phát triển, gây thất thu ngân sách. Hơn thế nữa, điều này đang gây mất bình đẳng giữa những người kinh doanh.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân, Tổng cục Thuế cho biết, hoạt động thương mại điện tử là một hoạt động thương mại mới, có rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý thuế. Hiện nay, chính sách thuế đã có quy định tổ chức, cá nhân tự kê khai và nộp thuế khi hoạt động thương mại điện tử, cơ quan thuế đóng vai trò hướng dẫn tuyên truyền là chính.

Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng có những cơ chế kiểm soát, trong trường hợp người nộp thuế cố tình không kê khai, sẽ có chế tài cụ thể. Nếu có dấu hiệu trốn thuế, cơ quan thuế sẽ chuyển vụ việc sang cơ quan công an, các cơ quan pháp luật khác để xử lý.

Thông tin ngành thuế đã triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, bà Nguyễn Thị Lan Anh cho hay, bên cạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế tự kê khai, hướng dẫn người nộp thuế là các nhà cung cấp nước ngoài có thể kê khai, nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử của ngành; ngành thuế tích cực tham gia đàm phán Hiệp định đa phương về phân bổ quyền đánh thuế đối với thu nhập từ hoạt động kinh tế số; hoàn thiện quy định, chính sách pháp luật về thuế để tăng cường trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử trong việc khai thuế, nộp thuế thay cho các hộ kinh doanh và cung cấp thông tin cho cơ quan thuế quản lý.

Ngoài ra, ngành tiếp tục hiện đại hóa công tác quản lý thuế; xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro đối với thương mại điện tử; áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để xử lý dữ liệu, đưa ra các cảnh báo đối với trường hợp vượt ngưỡng rủi ro và đề xuất các biện pháp quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử; xây dựng hệ thống quản lý thuế thông minh, đáp ứng kết nối dữ liệu với các cơ quan quản lý nhà nước và người nộp thuế, các sàn giao dịch thương mại điện tử để tạo điều kiện cho việc kê khai nộp thuế 24/7. Ngành thuế cũng triển khai công tác thanh tra, kiểm tra đối chiếu thông tin; phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để trao đổi, kết nối thông tin, xây dựng chính sách pháp luật đồng nhất trong quản lý hoạt động thương mại điện tử, đặc biệt là đối với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thương mại điện tử, Cục đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, hướng tới mục tiêu thúc đẩy hóa các giao dịch thương mại điện tử đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trên môi trường điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử, hình thành tập quán tiêu dùng thương mại hiện đại tại Việt Nam. Nghị định chỉ quy định bổ sung những nội dung đặc thù về quản lý thương mại điện tử trên môi trường trực tuyến và không đề cập đến những nội dung quy định tại pháp luật chuyên ngành về kinh doanh thương mại, trong đó có quản lý thuế; đảm bảo sự bình đẳng về môi trường thương mại truyền thống cũng như môi trường thương mại hiện đại. Các quy trình đăng ký, thông báo thương mại điện tử đều được thực hiện trực tuyến. Đây là thủ tục hành chính dịch vụ công cấp độ 4.

Nhận định thương mại điện tử ở Việt Nam phát triển rất nhanh, đặt ra thách thức rất lớn, trong đó có vấn đề quản lý thuế, Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, đây không phải là thách thức với riêng nước ta, mà với cả các nước phát triển. Nhiều nước cũng thấy việc quản lý thu thuế với hệ thống thương mại điện tử hiện đang rất lúng túng, đặc biệt là vấn đề kinh doanh xuyên biên giới. Tuy vậy, quản lý thuế trên thương mại điện tử của Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Khi những hoạt động giao dịch không còn là vật lý, cơ học mà đã chuyển sang môi trường mạng thì công cụ quản lý thuế cũng phải thay đổi để thích nghi. Quá trình này được ngành thuế thực hiện khá nhanh. Chính nhờ đó, Việt Nam được đánh giá là một trong 4 nước đi đầu ở khu vực Đông Nam Á về việc quản lý thuế xuyên biên giới thông qua việc các nhà mạng phải kê khai thuế trên Cổng thông tin điện tử.

Bên cạnh triển khai về mặt kỹ thuật, công nghệ, việc tạo lập khuôn khổ pháp lý cũng được chú trọng. Để có khuôn khổ pháp lý về quản lý thuế đối với thương mại điện tử, chúng ta đã phối hợp hoạt động khá tốt trong bộ máy quản lý và đã đạt được những thành công đáng ghi nhận trong công tác quản lý thuế thương mại điện tử.

Vị giáo sư này cũng chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế đã áp dụng để chống thất thu thuế trong hoạt động thương mại điện tử, đó là củng cố nền tảng về mặt pháp lý, sử dụng các công cụ để thu thập thông tin trên nền tảng số, có bộ máy quản lý thông qua hệ thống điện tử với sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thuế và các cơ quan khác.

Nói về giải pháp công nghệ hỗ trợ ngành thuế nâng cao hiệu quả hoạt động rà soát, truy vết thông tin đối tượng nộp thuế, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng Thông tin điện tử, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Bộ này đã ký biên bản hợp tác với Bộ Tài chính trong việc trao đổi thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước, trao đổi dữ liệu, trong đó có hoạt động quản lý thuế. Hiện Bộ đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, trong đó bổ sung quy định các nền tảng mạng xã hội trong nước và ngoài nước yêu cầu các tài khoản, trang cộng đồng, các kênh cung cấp nội dung thông tin, liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông để nắm bắt được các dữ liệu, khi cần thiết sẽ trao đổi với các cơ quan có liên quan để nắm được hoạt động của các đối tượng có doanh thu.

“Quan trọng nhất chúng tôi cho rằng phải quản lý hoạt động của dòng tiền… Vấn đề là chúng ta làm sao quản lý được dòng tiền để đối soát các việc khi mà các nền tảng xuyên biên giới hoặc các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh phát sinh doanh thu, hoặc kinh doanh trên nền tảng xuyên biên giới”, bà  Nguyễn Thị Thanh Huyền nói.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2022: Hà Nội giữ vững vị trí thứ 2
Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2022: Hà Nội giữ vững vị trí thứ 2

Theo kết quả Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2022, Hà Nội đạt 85,9 điểm, giữ vững vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng của cả nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN