Trước đây, phần lớn học viên chỉ cần biết lái xe, biết phương pháp đi sa hình, học thuộc các câu hỏi lý thuyết là đã tự tin để bước vào thi sát hạch lái xe. Song, từ năm 2022, Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo hướng dẫn các cơ sở đào tạo lái xe thực hiện lắp đặt, đưa vào sử dụng thiết bị DAT, cài đặt và áp dụng phần mềm mô phỏng 120 tình huống giao thông nguy hiểm, trang bị cabin điện tử đáp ứng lưu lượng, nhu cầu đào tạo.
Chị Lý Thị Mai Phương, học viên đến từ thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) phấn khởi khi hoàn thành phần thi sát hạch của mình. Chị Phương cho biết đây là lần thi thứ 2 của chị do lần 1 chi chưa đạt phần thi thực hành. Theo chị Phương, việc bổ sung nhiều điểm mới lúc đầu học chị cũng cảm thấy khá "căng" như đảm bảo số giờ, số km thực hành đường trường, lái xe ở cabin điện tử hay cách xử lý các tình huống giao thông khẩn cấp, chạy đường trường… cũng không có khái niệm "chống trượt" mà phải thi bằng chính khả năng của mình. Lúc học khá vất vả, nhưng sau này khi lái xe thực tế, chị Phương thấy tự tin hơn. Việc chạy đủ số km đường trường giúp học viên làm quen được nhiều tình huống và cách xử lý, sẽ thuận lợi hơn cho việc thi sát hạch, cùng với đó góp phần an toàn hơn cho mình và mọi người.
Vừa tốt nghiệp bằng B1 (Trường Cao đẳng Nghề than - khoáng sản Việt Nam), chị Tô Thị Minh Tâm (phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả) chia sẻ, những quy định mới chặt chẽ, khó hơn nhưng giúp người học chắc về lý thuyết và có thời gian thực hành đủ dài, những nội dung thi trước đây vốn bị học viên coi nhẹ hay "lách" khéo trước đây, thì bây giờ sẽ phải hoàn thành đầy đủ. Ví dụ như thi lý thuyết nhưng không đạt phần thi mô phỏng thì lại phải thi lại rồi mới được thi thực hành nên học viên phải cố gắng rất nhiều để hoàn thành phần thi.
Có thể thấy, những điều chỉnh theo hướng thắt chặt, nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch xuất phát từ thực tế thời gian qua xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Trong số đó, theo phân tích của cơ quan chức năng, có tới hơn 70% là do nguyên nhân chủ quan của người điều khiển phương tiện hoặc người tham gia giao thông. Do đó, cần thiết phải nâng cao chất lượng đào tạo sát hạch; nâng cao ý thức, kỹ năng… người điều khiển phương tiện.
Theo lãnh đạo Phòng Quản lý Đào tạo và Sát hạch, Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ninh, việc nâng cao chất lượng sát hạch, cấp giấy phép lái xe đã được triển khai từ sớm theo hướng dẫn, quy định của Bộ Giao thông vận tải.
Ngoài ra, một khâu quan trọng trong nâng cao chất lượng chính là quản lý, đảm bảo khâu đào tạo "đầu vào". Theo đó, các khâu tuyển sinh, tổ chức đào tạo, thi, cấp chứng chỉ nghề, giấy chứng nhận tốt nghiệp thường xuyên được cơ quan quản lý trực tiếp kiểm tra. Các lớp học lý thuyết, số học viên ở các lớp cũng được giám sát, đảm bảo không có trường hợp vượt quá số học viên cho phép.
Ở các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch cũng áp dụng giám sát, điểm danh bằng nhận dạng vân tay, khuôn mặt. Điều này tránh gian dối, đảm bảo học viên tham gia đủ thời gian học lý thuyết, thực hành trên đường. Trong sát hạch, các kỳ thi ở tất cả các trung tâm sát hạch lái xe đều được giám sát qua hệ thống camera. Các hệ thống này liên thông về Sở Giao thông vận tải. Cán bộ, chuyên viên phụ trách qua đó có thể kiểm tra, giám sát trực tiếp công tác đào tạo, sát hạch qua màn hình lớn được lắp đặt tại Sở.
Ông Phạm Việt Triều, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Sát hạch lái xe Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam thông tin, đến hết quý I/2023, đơn vị tiếp nhận trên 1.400 hồ sơ; trong đó, tham gia thi trên 1.200 học viên. Kết quả học viên thi đạt chiếm khoảng gần 60%. Theo ông Triều từ khi áp dụng thêm các yêu cầu mới, mặc dù tỷ lệ trượt cao hơn thời điểm chưa áp dụng nội dung thi mô phỏng, hi hữu có một vài trường hợp thi đến 8 lần, thậm chí hơn nhưng vẫn chưa đạt, song một thực tế là khi bổ sung thêm các nội dung thi sát hạch thì chất lượng học viên được nâng lên, học viên ý thức, trách nhiệm, nghiêm túc thực hiện các phần thi của mình.
Đến thời điểm này c đào tạo theo tinh thần của thông tư 04 về sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh một số điều của thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, giấy phép lái xe cơ giới đường bộ đã cơ bản. Người học đã hình thành thói quen đi học tập đầy đủ.
Đặc biệt nhằm góp phần cải cách thủ tục hành chính, quản lý khoa học, Phòng Quản lý đào tạo và sát hạch (Sở Giao thông vận tải) cũng đưa vào ứng dụng Hệ thống phần mềm quản lý công tác đào tạo, sát hạch lái xe, góp phần giải quyết công việc chính xác, khoa học, nhanh chóng, hiệu quả. Với cách làm trên, theo thống kê, các cơ sở đào tạo đã tổ chức thành công 643 khóa học lái xe ô tô, cấp chứng chỉ cho 20.869 học viên; 108 khóa đào tạo lái xe mô tô trong năm 2022.