Mỹ sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới năm 2013

Báo "Wall Street Journal" số ra ngày 3/10 đưa tin Mỹ dự kiến sẽ vượt qua Nga trở thành quốc gia khai thác dầu và khí đốt lớn nhất thế giới ngay trong năm 2013.

Trước đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng đưa ra dự báo tương tự, nhưng vào năm 2017. Việc Mỹ trở thành nước khai thác dầu khí lớn nhất thế giới cũng sẽ làm thay đổi thị trường dầu khí và trở thành một thách thức lớn về chính trị đối với các nền kinh tế vốn xưa nay dựa vào nguồn dầu xuất khẩu.

Mỹ là nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới năm 2013. Ảnh: Internet.


Cơ sở để báo "Wall Street Journal" đưa ra nhận định trên là do tốc độ và quy mô khai thác dầu khí từ nguồn đá phiến của Mỹ đang gia tăng khá mạnh, trong khi Nga vẫn đang phải cố gắng duy trì sản lượng do chưa phát triển được các công nghệ bóc tách dầu khí từ đá phiến, một lĩnh vực mà Mỹ đang chiếm ưu thế.

Một minh chứng cho chiều hướng này là sản lượng nhập khẩu khí đốt và dầu thô của Mỹ cho tới nay đã lần lượt giảm 32% và 15%. Năm ngoái là lần đầu tiên kể từ năm 1982, Mỹ khai thác được lượng khí đốt nhiều hơn Nga. Trong 6 tháng đầu năm 2012, sản lượng khai thác dầu của Nga đạt trung bình 10,2 triệu thùng/ngày, chỉ hơn Mỹ 900.000 thùng, giảm mạnh so với mức chênh lệch 3 triệu thùng cách đó vài năm. Tuy nhiên, là quốc gia có trữ lượng dầu đá phiến lớn chưa khai thác, trong vài năm tới, Nga hy vọng sẽ lại bùng nổ về sản lượng khai thác.

Theo đánh giá của hãng tin kinh tế Bloomberg, sản lượng khai thác dầu nội địa của Mỹ ở thời điểm tháng 9/2013 đã đạt mức cao kỷ lục chưa từng có kể từ năm 1989 với sản lượng trung bình 7,7 triệu thùng/tuần. Trong tuần kết thúc ngày 6/9, sản lượng khai thác dầu thô nội địa của Mỹ đạt 124.000 thùng/ngày, tăng 1,6%. Các chuyên gia Đại học Harvard dự báo riêng sản lượng khai thác dầu từ đá phiến của Mỹ đến năm 2017 có thể đạt 5 triệu thùng/ngày. Đến năm 2014, sản lượng dầu thô nhập khẩu của Mỹ dự kiến sẽ chỉ còn ở mức 5,4 triệu thùng/ngày so với mức cao kỷ lục 12,5 triệu thùng/ngày năm 2005.

Việc Mỹ trở thành nước sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới sẽ đánh dấu một sự thay đổi căn bản về chính trị thế giới, nhất là mối quan hệ giữa Mỹ và các quốc gia xuất khẩu dầu lửa của khu vực Trung Đông. IEA mới đây nhận định trong vòng hơn 20 năm tới, nước Mỹ có thể tự cung tự cấp tất cả các loại năng lượng và khi đó 90% lượng dầu từ các nước Trung Đông sẽ được xuất khẩu sang Trung Quốc.

Theo báo cáo của IEA, lượng dầu nhập khẩu của Mỹ hiện chiếm khoảng 20% nhu cầu tiêu thụ nội địa, nhưng đến năm 2035, nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đạt được mục tiêu hoàn toàn độc lập về năng lượng, bao gồm các nguồn như dầu thô, khí đốt và than đá. Một lý do khiến Mỹ sớm trở thành nước sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới là vì trong năm qua, nước Mỹ đã và đang chứng kiến sự bùng nổ về các dự án khai thác nguồn dầu đá phiến, một lĩnh vực đòi hỏi công nghệ rất cao.

Trước đó, ngày 10/6 vừa qua, Bộ Năng lượng Mỹ công bố báo cáo cho biết Nga hiện là quốc gia đứng đầu thế giới về trữ lượng dầu đá phiến, khoảng 75 tỷ thùng dầu quy đổi. Mỹ xếp ở vị trí thứ hai với 58 tỷ thùng và Trung Quốc xếp thứ ba với 32 tỷ thùng quy đổi.


TTXVN/Tin tức
Giá dầu, vàng thế giới tăng mạnh
Giá dầu, vàng thế giới tăng mạnh

Kết thúc phiên giao dịch ngày 2/10, giá dầu mỏ trên thị trường thế giới đã tăng trở lại sau ba phiên liên tiếp giảm giá do lo ngại một phần Chính phủ Mỹ - quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới, bị đóng cửa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN