Khách hàng làm thủ tục vay vốn tại Agribank. Ảnh: Trần Việt/TTXVN
Điều này cũng đặt áp lực lên hệ thống ngân hàng trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu còn nhiều ẩn số khó lường. Việc cân bằng giữa tỷ giá, lãi suất và mục tiêu tăng trưởng cao dường như đang là bài toán khó cho chính sách tiền tệ năm nay.
Từ đầu tháng 2/2025 đến nay, mặt bằng lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại tiếp tục được điều chỉnh tăng. Đáng chú ý, có ngân hàng thương mại áp mức lãi suất lên mức 9%/năm, ở kỳ hạn 13 tháng, với điều kiện số dư tiền gửi mở mới từ 2.000 tỷ đồng trở lên.
Mức lãi suất bình quân của các khoản vay mới giải ngân trong tháng 1/2025 được công bố ở một số ngân hàng cũng có sự điều chỉnh tăng nhẹ so với tháng trước đó.
Sự cạnh tranh trong huy động tiền gửi được nhận định sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2025 khi nhu cầu tín dụng tăng lên. Đặc biệt, áp lực sẽ gia tăng ở các ngân hàng nhỏ đang ngày càng phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn ngắn hạn trên thị trường liên ngân hàng. Tuy nhiên, Chính phủ đã có động thái chấn chỉnh ngay lập tức.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, việc Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo liên quan đến việc ổn định mặt bằng lãi suất cho thấy rõ thông điệp ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế trong năm nay. Tuy nhiên, nếu quá ưu tiên cho tăng trưởng có thể gây áp lực lên tỷ giá.
Phân tích về diễn biến thị trường tiền tệ gần đây, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân cho rằng, nguyên nhân khiến mặt bằng lãi suất huy động có xu hướng tăng chủ yếu là do áp lực tỷ giá tăng cao. Việc tỷ giá biến động mạnh dẫn đến việc Ngân hàng Nhà nước có động thái hút ròng trên kênh thị trường mở (OMO), tạo áp lực lên thanh khoản của các ngân hàng.
Bên cạnh đó, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp cũng tăng, buộc các ngân hàng đẩy mạnh các giải pháp huy động vốn để cho vay. Đặc biệt, để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay ở mức 16%, tương đương với khoảng 2,5 triệu tỷ đồng sẽ được bơm ra nền kinh tế. Đây là con số rất lớn, đòi hỏi các ngân hàng phải huy động được lượng vốn tương ứng để cho vay.
Cũng theo vị chuyên gia này, với dữ liệu vĩ mô hiện nay, áp lực lạm phát chưa phải là thách thức lớn của nền kinh tế trong năm nay. Bởi lẽ, lạm phát thường ngấm từ từ, trong khi hiện sức cầu nội địa còn thấp, nhiều người dân còn thắt chặt chi tiêu… Vì vậy, lạm phát nếu có cũng sẽ không quá nghiêm trọng.
Tác động lớn nhất lên nền kinh tế hiện nay là câu chuyện cân bằng giữa tỷ giá và lãi suất. Ngay cả thời điểm gần đây, đồng USD đã “hạ nhiệt”, nhưng tỷ giá vẫn căng thẳng. Nguyên nhân là do tình hình xuất khẩu không tăng trưởng mạnh như dự báo; khối ngoại vẫn rút ròng mạnh…
“Chính sách tiền tệ luôn là bài toán đánh đổi giữa các mục tiêu kinh tế vĩ mô. Việc duy trì lãi suất thấp nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đồng nghĩa với việc chấp nhận rủi ro tỷ giá và dòng vốn rút ra khỏi thị trường. Khi tỷ giá tăng cao, áp lực lạm phát nhập khẩu cũng gia tăng, tạo ra tác động lan tỏa đến toàn bộ nền kinh tế. Do đó, dư địa để tiếp tục sử dụng chính sách tiền tệ như một công cụ hỗ trợ tăng trưởng hiện nay là rất hạn chế”, ông Huân phân tích.
Tiến sĩ Bùi Duy Tùng, giảng viên kinh tế, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam cũng cho rằng, chính sách tiền tệ của Việt Nam đang đối mặt với giới hạn. Việc điều chỉnh lãi suất để kiểm soát tỷ giá có thể gặp khó khăn, do cần cân nhắc giữa mục tiêu ổn định tỷ giá và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, việc tăng lãi suất có thể giúp giảm áp lực lên tỷ giá, nhưng đồng thời có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế trong nước.
Theo Tiến sĩ Tùng, việc duy trì sự linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ và phối hợp chặt chẽ với các chính sách kinh tế khác sẽ giúp Việt Nam ứng phó hiệu quả với các biến động của tỷ giá trong thời gian tới.
Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế Cấp cao Việt Nam và Thái Lan, Ngân hàng Standard Chartered, cho rằng, Chính phủ đang tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn, điều này có thể giúp duy trì lãi suất thấp trong ngắn hạn. Tuy nhiên, Standard Chartered dự báo lãi suất sẽ dần trở lại mức bình thường vào quý II/2025, với Ngân hàng Nhà nước dự kiến tăng thêm 50 điểm cơ bản trong quý II/2025.
“Lạm phát, chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và diễn biến của VND sẽ đóng vai trò quan trọng; trong đó các quyết định chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước sẽ là yếu tố then chốt để duy trì ổn định kinh tế và tăng trưởng trong năm 2025”, ông Tim Leelahaphan nhận định.
Với bài toán tỷ giá - lãi suất, các chuyên gia cho rằng, ở thời điểm này có thể chờ thêm tín hiệu xuất khẩu, dòng vốn FDI… Đặc biệt, nếu xuất khẩu khả quan, ngoại tệ chảy về nhiều thì sẽ có thêm dư địa để ổn định tỷ giá và lãi suất.
Tuy nhiên, trước tình thế “tiến thoái lưỡng nan” giữa tỷ giá - lãi suất, các chuyên gia cho rằng, các ngân hàng thương mại nên hy sinh một phần lợi nhuận để ổn định mặt bằng lãi suất, hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao trong năm nay. Nội dung này cũng được lãnh đạo Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh trong các cuộc họp với các ngân hàng thương mại vừa qua.
Tại Công điện của Thủ tướng một lần nữa yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo yêu cầu các tổ chức tín dụng tổ chức thực hiện nghiêm túc theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cơ cấu, tổ chức lại bộ máy hoạt động hiệu quả hơn nữa.
“Các ngân hàng cần tăng cường trách nhiệm xã hội, sẵn sàng chia sẻ một phần lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân. Điều này cũng tác động tích cực đến hoạt động ngân hàng”, nội dung của Công điện ghi rõ.
Về dài hạn, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần có chiến lược phát triển thị trường vốn, tạo thêm những kênh đối trọng với hệ thống ngân hàng. Khi thị trường vốn phát triển, sự phụ thuộc vào ngân hàng sẽ giảm bớt, giúp kéo giảm chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay…