Gần 10 năm sau khi khởi công dự án xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận lần đầu, đến nay dự án vẫn còn dang dở và mới đạt tiến độ thi công khoảng 19%. Những vướng mắc về phương án tài chính, pháp lý và nhất là một nhà đầu tư trong liên danh nhà đầu tư bị vướng án hình sự khiến dự án bị đình trệ.
Vướng mắc chưa được giải quyết
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lúa, xuất khẩu lương thực, thủy sản và trái cây lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, những khó khăn về hạ tầng giao thông khiến các địa phương trong vùng chưa phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của mình. Do đó, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khởi công năm 2009, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội của khu vực.
Dù vậy, dự án đã gặp bế tắc suốt thời gian dài và không thể tiếp tục triển khai. Năm 2015, dự án được tái khởi động bởi Liên danh các nhà đầu tư Tuấn Lộc - Yên Khánh - BMT - Thắng Lợi - Hoàng An - Công ty cầu đường CII với mục tiêu hoàn thành vào quý II/2020.
Đây là dự án được thực hiện theo hình thức BOT, có tổng chiều dài 51,1 km trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, với điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương) và điểm cuối giao Quốc lộ 30 tại nút giao An Thái Trung.
Dự án được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt tổng mức đầu tư năm 2014 là 14.678 tỷ đồng; đến năm 2017, Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh tổng mức đầu tư còn 9.668 tỷ đồng. Từ lần tái khởi công năm 2015, dự án lại tiếp tục gặp khó khăn, vướng mắc và được đánh giá không có cơ sở đảm bảo đúng tiến độ như yêu cầu đặt ra.
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, mặc dù đã triển khai thi công 19/24 gói thầu và đạt khoảng 19% khối lượng xây lắp nhưng so với tháng 11/2018, tiến độ công việc không tiến triển nhiều. Hiện còn nhiều vướng mắc chưa được giải quyết; trong đó, lớn nhất là phương án tài chính bị phá vỡ, lãi suất giữa vốn vay của hợp đồng dự án và lãi suất vay ngân hàng có sự chênh lệch lớn, dẫn đến không giải ngân được vốn vay tín dụng.
Trong khi đó, nguồn doanh thu thu phí dự án cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương để hỗ trợ tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương án tài chính ban đầu không thực hiện được do thay đổi trong chính sách. Ngoài ra, 1 trong 6 thành viên liên danh nhà đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh liên quan đến nhiều vụ án hình sự cũng khiến dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thực tế hiện nay, khối lượng công việc đã thực hiện chủ yếu là chuẩn bị mặt bằng, làm đường công vụ, xử lý nền đất yếu, đắp cát nền đường, đóng cọc, bê tông mố trụ, đúc dầm… Theo ông Hoàng, hàng loạt khó khăn vướng mắc đã khiến tiến độ không đạt yêu cầu. Trường hợp không có các giải pháp thiết kế điều chỉnh và tăng cường tổng thể thì không thể hoàn thành thông tuyến vào cuối năm 2020.
Theo Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, hiện hầu hết các gói thầu đều dừng triển khai thi công hoặc triển khai cầm chừng. Đặc biệt tại các gói thầu XL07, XL08, XL09 phạm vi công việc của nhà thầu C.I.I E&C, Hoàng An… thực hiện đã dừng thi công hoàn toàn.
Trước tình hình này, nhà đầu tư đã chỉ đạo các đơn vị tư vấn quản lý dự án; tư vấn giám sát báo cáo đánh giá cụ thể vướng mắc khó khăn và khả năng về mặt tài chính của các nhà thầu, nêu rõ thực trạng về nguồn vốn để thực hiện dự án. Với các vị trí đã tập kết máy móc thiết bị, các nhà thầu cần sớm triển khai thi công để đảm bảo tiến độ thông xe trong năm 2020.
Ông Diệp Bảo Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư Phát triển và Quản lý Dự án hạ tầng giao thông Cửu Long là đơn vị tư vấn quản lý dự án cho biết, tư vấn quản lý dự án sẽ tích cực hỗ trợ, cùng chủ đầu tư đưa ra các nhóm giải pháp để tháo gỡ khó khăn. Bằng việc tăng cường năng lực, chủ đầu tư và tư vấn quản lý dự án sẽ đề ra các giải pháp chủ yếu để triển khai nhanh; đồng thời, rà soát hoàn thiện thủ tục pháp lý, đánh giá lại lực lượng để kịp thời chấn chỉnh, tăng cường nguồn lực nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công.
Dù vậy, báo cáo của Cơ quan thường trực Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng ngày 17/4 vừa qua cũng nêu rõ, nếu nhà đầu tư và các cơ quan liên quan không tập trung, kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thì dự án sẽ không kịp tiến độ thông tuyến vào cuối năm 2020 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Khoanh vùng sai phạm
Theo ông Mai Mạnh Hồng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, trước khi Thường trực Chính phủ họp tháo gỡ khó khăn thì tình hình triển khai dự án gặp nhiều vướng mắc như: việc sử dụng vốn chủ sở hữu giai đoạn 2015 - 2016 chưa đúng mục đích, gây thiệt hại cho doanh nghiệp; tỷ lệ vốn chủ sở hữu, lãi suất vay chênh lệch với lãi suất tín dụng, giá vé và lộ trình tăng giá vé thấp.
Tại Thông báo số 99/TB-VPCP ngày 18/3 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi họp Thường trực Chính phủ về xử lý vướng mắc đối với Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo hình thức Hợp đồng BOT, Thường trực Chính phủ đã yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra làm rõ, kết luận, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với vi phạm của Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh (nếu có); khoanh vùng, xử lý riêng vi phạm này để không ảnh hưởng đến việc triển khai dự án.
Liên quan vấn đề này, ông Mai Mạnh Hồng cho biết, công ty cũng đã chủ động mời Kiểm toán Nhà nước, cơ quan thuế vào kiểm tra dự án; chủ động làm việc với công an để khoanh vùng những sai phạm (nếu có) của nhà đầu tư Tập đoàn Yên Khánh để đảm bảo tiếp tục triển khai dự án.
Hiện Kiểm toán Nhà nước đang tiến hành kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 theo hình thức BOT (theo Quyết định 494/QĐ-KTNN ngày 26/3 của Kiểm toán Nhà nước).
Đối với vướng mắc từ nhà đầu tư Yên Khánh, Nghị quyết Đại hội Cổ đông bất thường 2019 của Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận ngày 21/3 xác định, nhà đầu tư Yên Khánh đã có hợp đồng ủy quyền cho nhà đầu tư - Công ty cầu đường CII; Công ty CII đã cam kết sẽ chủ động làm việc với nhà đầu tư Yên Khánh để xử lý các nội dung liên quan, hoàn thành việc cơ cấu cổ đông làm cơ sở báo cáo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong tháng 4/2019.
Trên cơ sở những khó khăn và biện pháp tháo gỡ, Thường trực Chính phủ xác định, tiếp tục đầu tư dự án theo hình thức Hợp đồng BOT có sự hỗ trợ bằng vốn ngân sách Nhà nước nhằm không để thời gian thu phí quá dài; đồng thời sớm đưa dự án thông tuyến cuối năm 2020 để đáp ứng yêu cầu vận tải liên vùng. Tuy nhiên, để dự án thông tuyến đúng tiến độ, cần những giải pháp đột phá và nỗ lực rất lớn của các bên liên quan.
Bài 2: Tìm lối ra cho dự án