Theo đó, kể từ năm 2017 đến nay, quy trình này bao gồm 8 bước và được hoàn thành trong khoảng 12 ngày làm việc, giảm 12 ngày so với năm 2016. Trong số các thủ tục hành chính thuộc quy trình khởi sự kinh doanh, đăng ký thành lập doanh nghiệp là một thủ tục đã có những cải cách đáng kể.
Giải quyết thủ tục hành chính tại Sở KH &ĐT Hà Nội. Ảnh: Danh Lam/TTXVN |
Bên cạnh đó, bà Trần Thị Hồng Minh cũng cho biết, thông tin đăng ký doanh nghiệp được minh bạch hóa. Theo bà Minh, nhằm đảm bảo tính an toàn của môi trường đầu tư kinh doanh, hoạt động quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập tại các địa phương đã được chú trọng hơn.
Tuy nhiên, ở góc độ đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lại nhìn nhận giữa thực thi và cam kết về cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam đang có vấn đề.
“Mặc dù, người đứng đầu Chính phủ thể hiện quyết tâm rất mạnh mẽ trong việc tháo gỡ cho môi trường đầu tư nhưng số bộ ngành “hưởng ứng” vẫn chưa nhiều, chưa thực sự tạo ra làn sóng cải cách mạnh mẽ trong bộ máy chính quyền”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.
Ông Tuấn cho biết thêm, chủ trương, chính sách của Chính phủ thời gian qua là giảm chi phí cho doanh nghiệp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động thuận lợi. Nhưng những dự án luật, đề xuất chính sách gần đây lại đậm nét tăng thu như sửa đổi 5 Luật Thuế: Giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, tài nguyên, thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp. Hay một số địa phương cũng đặt ra một số khoản phí như hạ tầng, cảng biển… Điều này đang gây thêm khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp.
Theo thống kê từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, trong các năm 2016, 2017, tình hình doanh nghiệp thành lập mới đã liên tiếp đạt kỷ lục về cả số lượng doanh nghiệp và số vốn đăng ký, cụ thể, năm 2016 có hơn 110.000 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 891.094 tỷ đồng, năm 2017 có gần 127.000 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 1.295.911 tỷ đồng.
Trong 5 tháng đầu năm 2018 có 52.322 doanh nghiệp mới, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2017 và tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2016. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể và doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể không có nhiều biến động.
Tuy nhiên, theo bà Minh, dù môi trường kinh doanh đã được cải thiện nhiều, song hiện vẫn còn một số khó khăn nhất định. Do đó, để giải quyết bài toán này, cần tiếp tục cải cách mạnh hệ thống pháp luật về doanh nghiệp theo hướng đề cao quyền tự do kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho sự phát triển của doanh nghiệp. Đồng thời, đảm bảo trật tự và tính an toàn của môi trường đầu tư kinh doanh, cần phải có những giải pháp quyết liệt hơn trong hậu kiểm.
Bên cạnh đó, những bất cập liên quan đến phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước đã được chú trọng hơn nhưng vẫn chưa thực sự hiệu quả và việc thanh tra, kiểm tra tại các địa phương còn nhiều bất cập dẫn đến chất lượng quản lý doanh nghiệp sau đăng ký thành lập chưa cao, còn nhiều điểm hạn chế cần được khắc phục…