Mở rộng diện tích cánh đồng mẫu lớn lên 17.000 ha

Theo Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, trong vụ lúa đông xuân 2011-2012, các tỉnh trong khu vực mở rộng diện tích cánh đồng mẫu lớn lên 17.720 ha, tăng gần 10.000 ha so với vụ trước, nhiều nhất là An Giang 5.000 ha, Long An 2.800 ha, Đồng Tháp 2.000 ha.

Các tỉnh chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, nông dân tham gia mô hình; đầu tư nâng cấp hệ thống cung cấp giống lúa xác nhận cho nông dân; đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về công nghệ sinh thái, công nghệ sinh học, công nghệ sau thu hoạch để quản lý tốt sâu rầy, giảm chi phí thu hoạch, giảm thất thoát, nâng cao phẩm chất lúa gạo, thực hiện tốt chế độ ưu đãi về vốn trung hạn, dài hạn xây dựng hạ tầng, mua máy gặt đập liên hợp, máy sấy, kho tồn trữ cũng như tổ chức ký kết hợp đồng đầu tư ứng trước vật tư và tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với doanh nghiệp.



Cánh đồng mẫu lớn tại Châu Thành, tỉnh An Giang. Nguồn: Internet.


Các cánh đồng sản xuất theo quy trình cày ải phơi đất, vệ sinh đồng ruộng trước khi gieo sạ; sử dụng cùng 1 loại giống lúa, xuống giống đồng loạt với mật độ gieo sạ từ 80 - 100 kg/ha… Việc triển khai xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn gắn với sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGap tạo điều kiện thuận lợi cho ngành nông nghiệp quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng bền vững; đồng thời giúp nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất hàng nông sản theo hướng tập trung với khối lượng lớn, chất lượng cao, trên cơ sở đó, mở rộng liên kết “4 nhà”.

Hiện nay, lũ đầu nguồn đang xuống, trong khi khu vực cuối nguồn lên theo triều. Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân chủ động làm đất, nước rút là xuống giống ngay, đến cuối tháng 12 hoàn thành. Các địa phương tập trung gieo sạ đồng loạt theo kế hoạch để né rầy, đề phòng sâu bệnh gây hại.

Trước đó, cánh đồng mẫu lớn được thực hiện thí điểm thành công tại tỉnh An Giang từ năm 2010. Toàn bộ diện tích trên 1.000 ha được doanh nghiệp ứng trước giống, thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn kỹ thuật canh tác. Khi thu hoạch lúa, doanh nghiệp cho phương tiện vận chuyển đến nhà máy, đưa vào sấy đạt tiêu chuẩn không tính chi phí. Nếu thời điểm thu hoạch lúa giá lúa chưa tốt, doanh nghiệp cho nông dân đưa lúa vào kho tạm trữ trong 1 tháng không tính phí, chỉ thu tiền vận chuyển ban đầu.

Qui trình này đã giúp nông dân trong vùng giảm chi phí và đạt lợi nhuận cao từ 30 đến 40 triệu đồng/ha, mở ra hướng làm ăn mới trong hợp đồng đầu tư vật tư và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Mô hình cánh đồng mẫu lớn được nhân rộng góp phần giải đáp bài toán khó về mô hình liên kết “4 nhà” (Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nông) và các bên tham gia mô hình đều hưởng lợi cao nhất./.


Thế Đạt

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN