Nhận diện, biến bất lợi thành lợi thế để phát triển sản xuất, ứng phó với biến đổi khí hậu đang là giải pháp được tỉnh Ninh Thuận thực hiện và mang lại hiệu quả tích cực. Minh chứng rõ nét nhất đó là việc biến nhiều khu vực khô cằn, thiếu nước tưới trở thành vùng đất tiềm năng, chuyên sản xuất cây trồng đặc thù có giá trị kinh tế, tính cạnh tranh cao trên thị trường. Tiêu biểu như cây măng tây xanh - loại thực phẩm đang mở ra triển vọng mới góp phần tái cơ cấu nông nghiệp địa phương.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, thời gian qua, tỉnh đã quy hoạch vùng đất cát ở một số địa phương của huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Bắc và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm để trồng măng tây xanh. Hiện nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác cùng liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất, bao tiêu sản phẩm, tạo ra chuỗi giá trị cho loại cây trồng này.
Nhằm thu hút đầu tư, nhiều cơ chế, chính sách đã được tỉnh ban hành, áp dụng như hỗ trợ hợp tác xã mua cây giống, đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước để triển khai mô hình cánh đồng lớn, thực hiện quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo các tiêu chí xuất khẩu.
Tỉnh còn tạo thuận lợi giúp doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận, hỗ trợ vốn vay từ các ngân hàng thương mại để đầu tư, phát triển sản xuất. Đồng thời, huy động nhiều nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật, mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất măng tây xanh theo hướng hữu cơ, sinh học.
Khu bãi ngang xã An Hải, xã Phước Hải ở huyện Ninh Phước trước chỉ là vùng bán sa mạc, tình trạng cát bay, cát nhảy luôn xảy ra mọi năm. Những năm gần đây, quyết sách về tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh đã tác động và biến vùng đất cát ngày nào trở thành khu vực giàu tiềm năng phát triển sản phẩm có tính đặc thù như: nha đam, hành, tỏi và đặc biệt là cây măng tây xanh.
Nhiều hộ dân trồng măng tây xanh ở xã An Hải cho biết, đầu tư cho 1 ha măng phải cần trên 240 triệu đồng. Tuy nhiên, vốn đầu tư không còn là vấn đề khó khăn nữa, bởi định hướng phát triển cây trồng này đã được tỉnh đưa ra rất bài bản và khoa học. Theo đó, cơ chế, chính sách về vốn vay đầu tư từ các tổ chức tín dụng được người dân tiếp cận dễ dàng; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp cũng ngày một bền chặt. Nông dân an tâm sản xuất theo đúng nguyên tắc, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Giám đốc Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận Nguyễn Hữu Tuấn - doanh nghiệp đi đầu trong sản xuất, chế biến măng tây xanh tại địa phương cho hay, với cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao một cách thông thoáng, nhất là khi tỉnh xác định đây là cây trồng đặc thù phù hợp với tiềm năng, lợi thế của vùng đất nắng nên công ty đã mạnh dạn tìm đến đầu tư, đồng hành, liên kết cùng nông dân.
Công ty đã hỗ trợ nông dân, xã viên Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tuấn Tú về giống mới để trồng, hướng dẫn quy trình chăm sóc theo hướng an toàn; đồng thời bao tiêu toàn bộ sản phẩm sau thu hoạch nên giá trị sản phẩm mang lại đã tạo hiệu ứng tích cực trong việc thay đổi tư duy sản xuất của nông dân. Do đó, từ vài ha diện tích trồng ban đầu thì cây măng tây xanh đã tăng lên 50 ha và khả năng còn mở rộng trong thời gian tới.
Ông Hùng Ky - Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước chia sẻ, măng tây xanh mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Măng tây xanh có giá thu mua từ 50.000 đến 65.000 đồng/kg tùy loại. Trung bình, mỗi ha măng tây xanh trong thời kỳ thu hoạch, sau khi trừ các chi phí, người nông dân sẽ có lãi khoảng 200 triệu đồng/năm. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, cuộc sống của người dân xã An Hải thay đổi đáng kể nhờ loại cây trồng này.
Ông Phan Quang Thựu - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, được sự hỗ trợ từ dự án phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung, ngành nông nghiệp tỉnh đã đầu tư kinh phí hơn 120 tỷ đồng thực hiện xây dựng hạ tầng như đập dâng, bể lắng, cống lấy nước, trạm bơm, trạm biến áp phục vụ sản xuất vùng trồng tập trung măng tây xanh ở xã An Hải (huyện Ninh Phước); đồng thời xây dựng chợ đầu mối để gắn kết với quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Ngoài hai vùng trồng tập trung ở xã An Hải và phường Văn Hải (thành phố Phan Rang - Tháp Chàm), hiện diện tích măng tây xanh còn được mở rộng ra nhiều địa phương khác trong tỉnh. Gần đây, nhiều diện tích đất sản xuất lúa kém hiệu quả, không chủ động nước tưới giờ đã được phủ lên một màu xanh của măng tây xanh.
Theo ông Nguyễn Châu Cảnh - Trưởng Phòng nông nghiệp huyện Thuận Bắc, trong điểm khô hạn, thiếu nước tưới, trên địa bàn huyện có nhiều diện tích phải dừng sản xuất. Vụ Đông Xuân vừa qua, huyện đã chuyển đổi đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu với diện tích hơn 70 ha; trong đó hơn 13 ha đã chuyển sang trồng măng tây xanh đã và đang thu hoạch cho hiệu quả kinh tế khá cao. Tính ra, lợi nhuận từ trồng măng tây xanh cao gấp 3 lần so với trồng lúa.
Trong chuyến thị sát, kiểm tra tình hình ứng phó với hạn hán mới đây tại các địa phương trong tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam đánh giá cao sự chủ động của ngành nông nghiệp và các địa phương trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng phó với hạn hán.
Quan điểm của UBND tỉnh là không để đất hoang, do đó các địa phương phải chủ động chuyển đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng những giống cây trồng phù hợp, tiết kiệm nước tưới, có giá trị kinh tế cao như măng tây xanh để giúp nông dân tăng thu nhập trên đơn vị diện tích; cải thiện và nâng cao đời sống trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu - ông Nam nhấn mạnh.
Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục triển khai các mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình trồng mới và lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm; đồng thời tập huấn kỹ thuật thâm canh cây măng tây xanh tại vườn cho người dân gắn với hướng dẫn chăm sóc, bảo quản, sử dụng thuốc sinh học theo nguyên tắc 4 đúng để tạo ra sản phẩm thực sự an toàn cho người tiêu dùng.
Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật hướng dẫn quy trình canh tác, đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm để cấp mã số vùng trồng cho sản phẩm, tạo thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa nông sản; đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước, hướng đến xuất khẩu sang thị trường các nước trong khu vực.
Măng tây xanh là 1 trong 12 sản phẩm đặc thù, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh Ninh Thuận. Theo kế hoạch, năm 2020, tỉnh Ninh Thuận sẽ triển khai, tiêu chuẩn hóa ít nhất 11 sản phẩm đặc thù; trong đó có măng tây xanh và vào danh sách sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được tham gia vào đánh giá tiêu chuẩn sản phẩm OCOP cấp quốc gia.
Trên thị trường, sản phẩm măng tây xanh của Ninh Thuận luôn được ưa chuộng bởi giàu dinh dưỡng. Ngoài dùng làm thức ăn tươi, măng tây xanh còn được chế biến thành trà, làm hóa mỹ phẩm… Hiện Ninh Thuận đã có hơn 500 ha măng tây xanh.