Nhiều doanh nghiệp cho hay, dù đã chuẩn bị rất kỹ, nhưng khi có 1 ca F0, kịch bản thay đổi hoàn toàn. Doanh nghiệp khó lòng có thể duy trì được mô hình này lâu dài, thường chỉ được 1 tháng đổ lại, vì chính người lao động bỏ cuộc.
“Mặc dù cái tâm là để người lao động có thu nhập, duy trì cuộc sống an toàn hơn là sống ở khu nhà trọ bên ngoài. Nhưng bây giờ, tinh thần người lao động rất mệt mỏi”, đại diện một doanh nghiệp chia sẻ.
Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), thuộc Hội đồng Tư vấn thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, thời điểm triển khai “3 tại chỗ” ở các tỉnh phía Nam là sau khi dịch diễn biến khá nặng tại TP Hồ Chí Minh và lan sang nhiều tỉnh, khiến nhiều khu vực dân cư đã bị phong tỏa, người lao động bị ảnh hưởng tâm lý, hoặc đã thuộc diện F0, F1 khiến các nhà máy hết sức khó khăn trong việc vận động người lao động thực hiện mô hình vừa sản xuất, vừa cách ly.
Chi phí cho việc duy trì "3 tại chỗ" cũng khá lớn, bởi ngoài chi phí vận hành sản xuất trong bối cảnh đã phát sinh nhiều khó khăn, các doanh nghiệp phải chuẩn bị chi phí bảo đảm điều kiện ăn ở và chi phí xét nghiệm khá thường xuyên cho hàng trăm, hàng nghìn người trong thời gian dài. Trước số tiền không nhỏ như vậy, nhiều doanh nghiệp đành chỉ duy trì lượng nhân công tối thiểu từ 10-40% và sản xuất cầm chừng.
Theo tin từ các Hiệp hội phản ánh nhanh với Ban IV trong những ngày qua, còn một vấn đề nữa gây áp lực cho cả doanh nghiệp và người lao động, đó là năng lực y tế trong các nhà máy “3 tại chỗ” gần như bằng 0. Bản thân doanh nghiệp không có phương án, cũng như không đủ năng lực để tự giải quyết nếu xảy ra các tình huống công nhân mắc COVID-19, trong khi năng lực y tế cộng đồng tại các địa phương này cũng đang quá tải, khiến cả doanh nghiệp và người lao động đều tiến thoái lưỡng nan.
Bà Thủy cho rằng, trước hết, việc áp dụng “4 tại chỗ” hay “3 tại chỗ” phải căn cứ vào tình hình bùng phát của dịch để quyết định thời điểm áp dụng hợp lý. Trước đây, ở Bắc Giang, Bắc Ninh có chưa đến 10.000 ca nhiễm, nhưng TP Hồ Chí Minh hiện nay đã lên đến 104.500 người mắc COVID-19. Mức độ nguy hiểm và mầm dịch trong cộng đồng là khác nhau. “Do đó, nếu muốn áp dụng 3 tại chỗ thì nên áp dụng tại các địa phương vào thời điểm dịch bệnh vẫn còn có thể kiểm soát được”, bà Thủy nhận định.
Cũng theo bà Thủy, cần có sự phối hợp công - tư hết sức chặt chẽ và một quy trình giám sát nghiêm túc trong quá trình triển khai để ứng phó với mọi vấn đề phát sinh ngay từ khi còn là các vấn đề đơn giản hoặc trong khả năng xử trí. Điều này vừa giúp địa phương tính toán được năng lực y tế và các điều kiện cần thiết khác duy trì cho chống dịch; vừa giúp doanh nghiệp có thể yên tâm vận hành công việc và không bị rơi vào những tình cảnh quá khủng hoảng như tình trạng một số nhà máy trở thành cả một chùm F0 như tại phía Nam trong mấy ngày qua.
Một bài học nữa được Giám đốc Văn phòng Ban IV nêu ra là địa phương phải xây dựng được các phương án y tế, quy trình xử lý nhanh chóng trong trường hợp có F0 tại nhà máy “3 tại chỗ” và phổ biến trước, thảo luận trước với doanh nghiệp để phối hợp mọi nguồn lực ứng phó khi thực tiễn phát sinh. Hiện tại, trước tình huống nhiều nhà máy phía Nam có xuất hiện ca F0 và thậm chí nhiều ca F0, cấp chính quyền từ tỉnh, thành phố, tới cấp quận, huyện, thị xã đều ra văn bản yêu cầu doanh nghiệp phải tăng cường xét nghiệm, như tại Bà Rịa - Vũng Tàu, thị xã Tân Uyên (Bình Dương), với tần suất xét nghiệm liên tục nhưng kịch bản y tế sau đó là gì thì doanh nghiệp hoàn toàn không rõ, khiến công tác thực hiện vừa rối, vừa chưa biết hiệu quả ra sao.
Hay như Tiền Giang vừa đột ngột thông báo dừng hoạt động khu công nghiệp khiến nhiều doanh nghiệp vừa bỏ tiền tỷ ra để thực hiện mô hình “3 tại chỗ” đang hết sức hoang mang. “Tất cả những quy định đột ngột như thế này, có thể lý giải là vì bối cảnh dịch phải quyết sách theo thực tiễn, nhưng rõ ràng chúng ta vẫn có thể cải thiện cách thức thông tin, trao đổi nhằm giảm tính bị động và rủi ro cho doanh nghiệp”, bà Thủy nói.
Nêu vấn đề, mỗi cấp chính quyền đều phải chịu trách nhiệm vì 2 mục tiêu: Chống dịch và duy trì kinh tế trên địa bàn, cho tới khi Chính phủ có những quyết sách khác, bà Thủy cho rằng, bản thân doanh nghiệp cũng phải chống dịch để duy trì sự sống còn của doanh nghiệp mình. “Không có lý do gì cùng một mục tiêu mà công - tư lại không thể phối, kết hợp hiệu quả hơn. Chỉ cần chính quyền thiết lập cơ chế giao ban thường xuyên với đại diện các doanh nghiệp/hiệp hội trên địa bàn theo tuần, lắng nghe và thảo luận nghiêm túc về các vấn đề lớn để cùng tìm lời giải thì tôi tin là mọi việc dù khó mấy cũng dần có thể vượt qua”, Giám đốc Văn phòng Ban IV cho hay.
Tiêm vaccine phòng COVID-19: Giải pháp căn cơ
Nhận định tiêm vaccine phòng COVID-19 vẫn là giải pháp căn cơ hiện nay đối với ngành dệt may, theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang, Chính phủ và các địa phương cần thúc đẩy quyết liệt việc tìm nguồn và tiêm vaccine cho toàn bộ công nhân của ngành và những người có liên quan, để họ có thể yên tâm trở lại làm việc.
Văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ của 4 Hiệp hội gồm: Dệt may Việt Nam (VITAS), Da - Giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO), Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA) đã nêu ra 2 biện pháp cần triển khai khẩn trương. Đó là, Chính phủ tạo điều kiện nhanh nhất và nhiều nhất lượng vaccine để tiêm cho người lao động tại các nhà máy, khu công nghiệp của 4 ngành hàng xuất khẩu để tiếp tục vừa duy trì sản xuất, vừa chống dịch. Đồng thời, Chính phủ hỗ trợ các Hiệp hội được mua vaccine từ nguồn cung tự tìm kiếm để tiêm miễn phí cho người lao động, bởi các Hiệp hội đã chủ động tìm nguồn cung vaccine từ Tập đoàn Royal Stratergic Partner - UAE và ngày 13/7/2021 Đại sứ quán Việt Nam tại UAE đã tới làm việc với tập đoàn để xác minh về khả năng cung ứng vaccine của tập đoàn này. Mọi chi phí để triển khai các hoạt động sẽ do các doanh nghiệp của các Hiệp hội ngành hàng trực tiếp chịu trách nhiệm.
Trong công văn khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Ban IV đã đề xuất Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì họp khẩn cấp với các tỉnh, có thể mời đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội tham gia để đánh giá tình hình, bàn bạc thấu đáo các giải pháp nhằm tìm ra phương án có khả năng giảm thiểu thiệt hại lớn nhất cho cả địa phương và doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” khi có nhân viên, người lao động là F0, do lực lượng y tế địa phương tương đối quá tải và chưa lập sẵn quy trình ứng phó chi tiết dẫn tới thực tiễn khó khăn cho cả chính quyền và doanh nghiệp.
Ban này cũng cho biết, đối với chiến dịch tiêm phòng vaccine, doanh nghiệp hết sức phấn khởi khi Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo điều chỉnh, xác định lại tính ưu tiên căn cứ cả theo lĩnh vực hoạt động, cũng như các vị trí trọng yếu gắn với mục tiêu phát triển kinh tế (như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố nơi có khu, cụm công nghiệp quan trọng...). Bên cạnh việc ưu tiên cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch, Bộ Y tế nên có hướng dẫn cụ thể, ban hành danh sách các tỉnh/lĩnh vực ưu tiên bố trí nguồn vaccine để chính quyền các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp tính toán chủ động hơn kế hoạch duy trì hoạt động kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh.
Tình hình dịch COVID-19 tại Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh giáp ranh TP Hồ Chí Minh đang có diễn biến giống nhau, và đều là các khu công nghiệp trọng điểm. Ban IV đề xuất Chính phủ, Bộ Y tế quan tâm, phân bổ nguồn vaccine cho các tỉnh này đồng thời với TP Hồ Chí Minh để đẩy nhanh cơ hội miễn dịch cộng đồng.