Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên sẵn sàng chạy chính thức vào ngày 22/12

Sau 12 năm thi công với rất nhiều khó khăn vướng mắc, dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP Hồ Chí Minh (Metro Bến Thành - Suối Tiên) đã về đích.

Chú thích ảnh
Tàu chạy trên tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Đến ngày 19/12, toàn bộ 4 gói thầu chính của dự án đã được chủ đầu tư và nhà thầu ký kết bàn giao. Dự kiến metro số 1 sẽ khai thác thương mại từ ngày 22/12 và hiện các công tác chuẩn cho dự án đi vào hoạt động chính thức đã sẵn sàng.

Về đích sau 12 năm

Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên được UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt tháng 4/2007 với tổng mức đầu tư 17.387 tỷ đồng và được điều chỉnh tăng lên 47.325 tỷ đồng năm 2011, một phần do điều chỉnh kéo dài tuyến và cập nhật đơn giá xây dựng, giải phóng mặt bằng. Thời gian hoàn thành dự án vào năm 2018.

Tuy nhiên, nhiều vướng mắc về mặt bằng, thiết kế kỹ thuật cũng như các vấn đề liên quan đến kết luận của Kiểm toán Nhà nước, dự án chưa thể hoàn thành theo kế hoạch. Đến năm 2019, UBND TP Hồ Chí Minh tiếp tục có quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ 47.325 tỷ đồng xuống còn 43.757 tỷ đồng. Thời gian thực hiện, hoàn thành dự án phải gia hạn nhiều lần và “chốt” lại hoàn thành năm 2024.

Metro Bến Thành - Suối Tiên dài 19,7 km (2,6 km đi ngầm và 17,1 km trên cao) qua địa bàn Quận 1, Bình Thạnh, thành phố Thủ Đức của TP Hồ Chí Minh và thành phố Dĩ An của tỉnh Bình Dương. Công trình có 14 nhà ga, gồm 3 ga ngầm (Bến Thành, Nhà hát Thành phố, Ba Son), 11 nhà ga trên cao (Văn Thánh, Tân Cảng, Thảo Điền, An Phú, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Thủ Đức, Khu Công nghệ cao, Đại học Quốc gia, Bến xe Suối Tiên) và depot Long Bình.

Tháng 2/2008, Ban Quản lý đường sắt đô thị khởi công hạng mục xây dựng depot Long Bình tại thành phố Thủ Đức. Đây là 1 trong 10 depot được xây dựng phục vụ cho công tác khai thác, vận hành cho các tuyến đường sắt đô thị.

Gói thầu CP2 (xây dựng đoạn trên cao và depot), 1 trong 4 gói thầu chính của dự án metro số 1 chính thức khởi công vào tháng 8/2012, đánh dấu sự khởi đầu quá trình thi công công trình. Sau 8 năm thi công, tháng 2/2020, chủ đầu tư cùng các nhà thầu đã tổ chức lễ kết nối thông suốt toàn bộ tuyến metro số 1 dài 19,7 km từ depot Long Bình đến ga trung tâm Bến Thành.

Chú thích ảnh
Tàu dừng đón - trả khách tại một ga nổi trên tuyến. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Trong giai đoạn từ năm 2017 đến 2022, dự án gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, thiết kế kỹ thuật và đặc biệt ảnh hưởng của tình hình dịch COVID-19. Việc hạn chế đi lại do dịch bệnh COVID-19 khiến công tác nhập khẩu trang thiết bị và nhập cảnh của chuyên gia, kỹ sư từ Nhật Bản vào Việt Nam gặp trở ngại; công trường thi công khó khăn.

Thời gian này, chủ đầu tư cùng các bộ ngành Trung ương, sở ngành thành phố và các nhà thầu đã nỗ lực để tháo gỡ, đồng thời đưa đoàn tàu đầu tiên từ Nhật Bản cập bến cảng Khánh Hội vào tháng 10/2020. Dù vậy, phải đến tháng 5/2022, hai đoàn tàu cuối cùng (số 16 và 17) mới được đưa về depot Long Bình, đánh dấu cột mốc chuyển giao sang giai đoạn vận hành thử nghiệm của toàn dự án.

Ngày 21/12/2022, đoàn tàu metro số 1 lần đầu chạy thử qua 5 nhà ga trên cao (Bến xe Suối Tiên, Đại học Quốc gia, Khu Công nghệ cao, Thủ Đức, Bình Thái) với hành trình gần 9 km. Đây là sự kiện đánh dấu dự án chuyển từ giai đoạn hoàn thiện thi công sang thử nghiệm. Tháng 8/2023, đoàn tàu metro đã tiến hành chạy thử thành công toàn tuyến, suốt từ ga Bến xe Suối Tiên đến Bến Thành.

Trong 2 ngày 18 - 19/12/2024, Ban Quản lý đường sắt đô thị cùng nhà thầu đã tổ chức ký kết chứng nhận bàn giao công trình có điều kiện (TOC) đối với 2 gói thầu CP1a và CP2. Trước đó, hai gói thầu CP1b và CP3 cũng đã được ký kết bàn giao. Như vậy, toàn bộ 4 gói thầu chính của dự án đã được bàn giao để phục vụ việc vận hành chính thức.   

Mọi thứ đã sẵn sàng

Chú thích ảnh
Du trách trải nghiệm tại ga Bến Thành. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Tròn 2 năm đoàn tàu chạy thử lần đầu, ngày 22/12/2024 tới đây, dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên chính thức vận hành thương mại. Đây sẽ là sự kiện đáng nhớ, đánh dấu tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP Hồ Chí Minh đưa vào hoạt động; kỳ vọng mở ra thời kỳ mới cho việc đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đô thị của thành phố.

Trong những ngày qua, chủ đầu tư và Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt đô thị số 1(HURC1, đơn vị vận hành, khai thác tuyến) cùng các sở ngành Tp. Hồ Chí Minh đã tích cực phối hợp thực hiện các công việc nhằm vận hành, khai thác hiệu quả tuyến metro số 1.

Ngày mai (20/12), Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hồ Chí Minh sẽ khai trương và đưa vào khai thác 17 tuyến xe buýt gom, tương ứng 150 phương tiện để kết nối đến các nhà ga của tuyến metro số 1. Trung tâm cũng đã hoàn thiện xây dựng bãi đậu xe cá nhân ở các nhà ga Thảo Điền, Văn Thánh, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái...

Theo ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh), 17 tuyến buýt gom sử dụng xe điện sẽ giúp kết nối các ga metro với khu dân cư, bến xe, khu công nghệ cao, trung tâm thương mại và trường đại học. Ngoài ra, các đơn vị cũng sắp xếp lại 45 trạm xe đạp công cộng tại Quận 1, bố trí quanh các nhà ga ngầm metro và trang bị thêm xe đạp gắn động cơ điện nhằm tăng tiện ích cho hành khách.

Đối với xe điện 4 bánh có gắn động cơ, hiện nay Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cũng đã xây dựng xong phương án để kết nối với 3 ga ngầm tuyến metro số 1 và sân bay Tân Sơn Nhất. Bên cạnh đó, Sở Giao thông vận tải cũng đang có kế hoạch xây dựng phương án kết nối tuyến buýt đường sông vào khu vực nhà ga Ba Son và Tân Cảng. 

“Hệ thống giao thông công cộng của thành phố bao gồm metro số 1, xe buýt, buýt sông và xe hai tầng thoáng nóc đã được tích hợp trên ứng dụng Gobus, giúp hành khách dễ dàng tra cứu thông tin và lựa chọn lộ trình thuận tiện”, ông Ngô Hải Đường chia sẻ.

Những ngày qua, nhiều người dân tại TP Hồ Chí Minh đã được trải nghiệm trên tuyến metro đầu tiên của thành phố. Chị Nguyễn Phương Thanh (ngụ quận Gò Vấp) cho biết: Khi thấy thông tin cho người dân trải nghiệm tàu metro, tôi đã đăng ký để tham gia. Đây là lần đầu tiên được đi metro nên khá thích thú với loại hình này. Dù nhà không ở gần tuyến, nhưng tôi sẽ dẫn người thân tiếp tục trải nghiệm khi dự án khai thác thương mại.

Tuyến metro số 1 có tổng cộng 17 đoàn tàu, mỗi đoàn tàu có thể chở 930 khách, bao gồm 147 khách ngồi và 783 khách đứng. Hiện TP Hồ Chí Minh đã ban hành giá vé với mức từ 6.000 - 20.000 đồng/lượt. Vé theo thời gian 1 ngày là 40.000 đồng/người; giá vé 3 ngày là 90.000 đồng/người. Giá vé tháng cho hành khách phổ thông là 300.000 đồng/tháng và học sinh, sinh viên là 150.000 đồng/tháng. 

Tại kỳ họp vừa qua, HĐND TP Hồ Chí Minh đã thông qua nghị quyết hỗ trợ giá vé cho người sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, tàu điện. Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày tàu điện bắt đầu khai thác vận hành thương mại, hành khách đi Metro Bến Thành - Suối Tiên sẽ được miễn giá vé 100%. Khách đi 17 tuyến xe buýt kết nối tuyến metro cũng được miễn phí trong thời gian này .

Chú thích ảnh
Tuyến metro đoạn chuẩn bị vào ga Rạch Chiếc chạy song song với xa lộ Hà Nội. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Metro số 1 chính thức khai thác thương mại ngày 22/12 sẽ đánh dấu 12 năm hoàn thành thi công tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP Hồ Chí Minh. Đây là một trong 8 tuyến của hệ thống quy hoạch đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh. Hiện Thành phố đang trình “siêu đề án” phát triển hệ thống đường sắt đô thị, trong đó đề xuất mục tiêu đến năm 2035, xây dựng hoàn chỉnh 7 tuyến (từ tuyến số 1 đến số 7) với chiều dài khoảng 355 km, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 40,21 tỷ USD.

Vượt qua nhiều khó khăn vướng mắc, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên sẽ đi vào hoạt động chính thức ngày 22/12. Tất cả đã sẵn sàng với kỳ vọng về một phương tiện vận tải hành khách công cộng mới, giúp môi trường xanh hơn, đô thị hiện đại hơn. Những kinh nghiệm xây dựng metro số 1 sẽ là điền đề quan trọng để TP Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai xây dựng các tuyến khác trong tương lai.

Tiến Lực (TTXVN)
Đấu nối xong tuyến cáp ngầm cao thế 100 kV metro Bến Thành - Tham Lương
Đấu nối xong tuyến cáp ngầm cao thế 100 kV metro Bến Thành - Tham Lương

Chiều 18/12, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay các nhà thầu đã cơ bản hoàn thành thi công di dời, đấu nối đóng điện tuyến cáp ngầm cao thế 110 kV phục vụ xây dựng nhà ga S2 - Tao Đàn thuộc dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP Hồ Chí Minh (metro Bến Thành - Tham Lương).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN