Để triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 17 vào cuộc sống, thành phố Hà Nội tiếp tục quyết tâm thiệt lập trật tự trên nhiều lĩnh vực, trong đó chú trọng trật tự xây dựng. Có thể nói nhờ sự quyết liệt của ngành xây dựng và các địa phương, đến nay đã hạn chế đáng kể vi phạm, nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Những năm trước đây, do có nhiều bất cập trong quản lý, cũng như thiếu quy hoạch đồng bộ dẫn tới việc vi phạm trật tự xây dựng khó ngăn chặn và xử lý. Hà Nội đã tăng cường thanh tra, kiểm tra để phát hiện và xử lý, đồng thời vận động người dân đồng hành.
Vi phạm “trăm hoa đua nở”
Những năm về trước vi phạm trật tự xây dựng ở Hà Nội diễn ra tràn lan, mọi nơi, mọi lúc. Hàng ngàn nhà xây dựng chen lấn, vượt phép, vượt tầng và thậm chí không có phép. Nhiều nhà cao tầng, nhiều dự án lớn vẫn hồn nhiên vi phạm, không đúng cam kết, khi bàn giao mới xảy ra tranh chấp, gây phẫn nộ trong cư dân.
Vi phạm trong xây dựng diễn ra trên nhiều địa bàn, từ phố cổ, phố cũ, đất nông nghiệp, đến bãi bồi ven sông, như “trăm hoa đua nở”. Mặc dù đã nhiều hộ gia đình bị xử phạt, tháo dỡ công trình, hàng loạt cán bộ các cấp bị xử lý kỷ luật, hình sự vì để xảy ra sai phạm nghiêm trọng, nhưng việc phòng chống vẫn hết sức khó khăn.
Vấn đề này cũng luôn nóng hổi tại các nghị trường, nhân dân và đại biểu bức xúc chất vấn tại các kỳ họp HĐND của thành phố. Thành ủy, UBND thành phố rất quan tâm lĩnh vực này và đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị hoặc là chọn chủ đề của năm “Trật tự văn minh đô thị” với mong muốn các cấp nhận thức rõ tầm quan trọng để phòng chống.
Thành phố đã phải xử lý nhiều công trình từ tầm cỡ lớn đến những nhà siêu mỏng, siêu méo, tốn tại rất nhiều thời gian. Theo báo cáo mới nhất của Sở Xây dựng Hà Nội, từ năm 2016-2020, các Đội Thanh tra xây dựng (nay là Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện) đã kiểm tra 95.502 công trình. Qua đó, phát hiện lập hồ sơ xử lý 6.457 trường hợp có vi phạm, chiếm tỷ lệ 6,76%.
UBND cấp huyện, cấp xã đã xử lý dứt điểm 5.992 trường hợp vi phạm và đang tiến hành xử lý những trường hợp còn lại. Các cấp cũng đã ban hành 7.491 quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền phạt trên 70 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số thống kê vẫn chưa mang tính tuyệt đối.
Bài học “dựa vào dân”
Theo đánh giá chung của thành phố Hà Nội, những năm gần đây nhờ đẩy mạnh nhiều giải pháp, biện pháp tích cự đặc biệt là tuyên truyền cho nhân dân thì các công trình có phép, miễn phép tăng lên; số trường hợp vi phạm và quy mô phần vi phạm, tỷ lệ công trình có vi phạm giảm rõ rệt.
Các vụ phức tạp, nổi cộm, gây bức xúc dư luận, quần chúng nhân dân được hạn chế; các vi phạm tồn đọng đã được rà soát, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm để xử lý.
Tính riêng năm 2016, thành phố có 19.138 công trình xây dựng được kiểm tra thì có đến 2.469 công trình vi phạm, tỷ lệ công trình vi phạm chiếm 13,50%, xử phạt trên 15,2 tỷ đồng. Nhưng năm 2020, số công trình xây dựng là 18.878, chỉ có 402 công trình vi phạm, tỷ lệ công trình vi phạm chỉ còn 2,13%, xử phạt vi phạm 9,3 tỷ đồng…
Nhiều cán bộ làm quản lý xây dựng tại cơ sở các xã, phường, quận huyện phần lớn đều cho rằng, bên cạnh sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị thì giải pháp cần, quan trọng và bền vững nhất trong phòng chống vi phạm trật tự xây dựng là nhờ vào tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ các chủ trương và thực hiện. Nếu như người dân cố tình vi phạm hoặc vì thiếu hiểu biết mà vi phạm thì việc cưỡng chế lại trở nên phức tạp rất nhiều.
Anh Công Minh Tuấn, Đội Phó đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Tây Hồ cho biết, trên địa bàn quận từng là điểm nóng có nhiều vi phạm vùng ven đê sông Hồng nhưng nhờ quận đẩy mạnh tuyên truyền, thường xuyên, đồng loạt trên địa bàn nên tỷ lệ vi phạm giảm hẳn.
Có 3 hình thức mà quận Tây Hồ chuyển tải nội dung đến từng hộ gia đình đó là: niêm yết công khai văn bản quy định của pháp luật liên quan đến trật tự xây dựng; ban hành các tờ rơi, các trình tự thủ tục đối với quản lý trật tự xây dựng để người dân nắm được các trình tự thủ tục cấp phép, quản lý, xử lý vi phạm và thường xuyên phát trên hệ thống loa truyền thanh của UBND phường để toàn bộ công dân biết.
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, trong việc này để hiệu quả và nhanh chóng nhất là phải nhờ vào sự giám sát của nhân dân. Bởi, khối lượng công việc lớn, cán bộ quản lý mỏng, trong lúc tình trạng vi phạm ngày càng tinh vi và nhanh chóng.
“Nhờ sự giám sát, chất vấn công khai và sự quan tâm ngày càng nhiều của người dân nên các cơ quan quản lý buộc phải trách nhiệm hơn. Các cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng đã ý thức tiếp thu phản ánh của người dân và doanh nghiệp. Để có được như vậy là nhờ đơn thư, báo chí phản ánh và tuyên truyền nên người dân tiếp cận được với quy định nhiều hơn, qua đó phát hiện, ngăn chặn kịp thời các sai phạm” - ông Dũng nhấn mạnh.
Bài 2: Mô hình mới đặc thù