Lúa ế đầy kho

Những ngày này, nông dân đồng bằng sông Cửu Long như đang “ngồi trên đống lửa” vì lúa chín đầy đồng, thóc chất đầy kho mà không có thương lái nào tới thu mua. Hơn lúc nào hết, người nông dân đang trông chờ một giải pháp thiết thực hơn trong việc thu mua tạm trữ lúa gạo từ phía các cơ quan chức năng.


“Dài cổ” ngóng thương lái


Như báo Tin Tức đã phản ánh, vụ đông xuân này, nông dân đồng bằng sông Cửu Long lại có một mùa bội thu. Để giữ giá lúa không giảm mạnh vào đúng vụ thu hoạch và đảm bảo lợi nhuận cho nông dân, Chính phủ quyết định hỗ trợ lãi suất giúp doanh nghiệp thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo từ ngày 15/3. Tuy nhiên, tới nay, sau nửa tháng thực hiện, các doanh nghiệp thu mua gạo tạm trữ vẫn gần như “án binh bất động”, giá lúa đã giảm tới gần 1.000 đồng/kg so với đầu vụ. Điệp khúc “được mùa mất giá” lại tái diễn ở vựa lúa lớn nhất nước khiến người nông dân đứng ngồi không yên.

 

Gạo dự trữ tại Công ty Lương thực Vĩnh Long (Tổng Công ty Lương thực miền Nam). Ảnh: Đình Huệ - TTXVN


Nông dân Lê Văn Long (huyện Tân Hồng, Đồng Tháp) cho chúng tôi biết: “Lúa gặt xong cũng chỉ để chất cho đầy kho, đầy nhà vì không biết bán cho ai. Cả tuần nay, không thấy bóng dáng thương lái nào đến thu mua. Nông dân chúng tôi vô cùng lo lắng nhưng cũng đành phó mặc, vì không bán cho thương lái thì chúng tôi biết bán cho ai?”.


Không riêng gì ông Long, các hộ nông dân khác tại huyện Tân Hồng cũng đang trong cảnh “dài cổ” ngóng thương lái. “Chúng tôi mong Nhà nước có biện pháp thúc đẩy các doanh nghiệp thu mua lúa cho người dân trong giai đoạn này”, ông Long bày tỏ nguyện vọng.


Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch rộ vụ lúa chính trong năm và hầu hết nông dân trong vùng không có điều kiện tạm trữ và muốn bán lúa ngay khi thu hoạch để trang trải nợ cho các đại lý phân bón, giống...


Theo anh Võ Văn Hùng, một thương lái chuyên thu gom lúa của nông dân sau đó cung ứng lại cho doanh nghiệp thu mua ở huyện Thoại Sơn (An Giang): “Hiện việc thu mua lúa của nông dân đều “trông cậy” vào các doanh nghiệp có hợp đồng xuất khẩu gạo. Trong khi đó, do gặp khó về đầu ra nên các doanh nghiệp vẫn chần chừ trong việc thu mua, khiến cho giá lúa giảm gây thiệt hại cho nhà nông...”.


“Tình hình xuất khẩu gạo tiếp tục gặp khó khăn. Việc này đã tác động trực tiếp đến tiến độ, cũng như giá thu mua của doanh nghiệp. Trong khi đó, việc phân bổ chỉ tiêu của VFA lại quá chậm so với tiến độ thu hoạch lúa đông xuân của vùng; tiến độ giải ngân, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp thu mua tạm trữ còn chậm; thủ tục vay còn rườm rà... chưa tạo điều kiện tối ưu cho doanh nghiệp...”, ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ phân tích.


Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), có thông tin cho rằng, Thái Lan sẽ bán tháo gạo ra thị trường trong thời gian tới. Do vậy, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo Việt Nam lo ngại giá gạo sẽ giảm xuống nữa, nên họ chưa mặn mà thu gom.


Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết: “Sau hai năm thu mua tạm trữ gạo cho người dân, Thái Lan đang có dấu hiệu muốn bán gạo ra bằng mọi giá. Lượng gạo trong kho dự trữ của họ hiện lên tới 14 triệu tấn. Trong khi đó, một số nước nhập khẩu gạo lớn như: Philippines cũng đã tự túc được một phần lương thực; Myanmar, Campuchia cũng đẩy mạnh trồng lúa và xuất khẩu gạo. Do vậy, việc cạnh tranh xuất khẩu gạo diễn ra rất gay gắt”.


Còn ông Dương Quốc Xuân, Phó Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ thì cho biết: “Chương trình thu mua tạm trữ lúa gạo cho nông dân đã thực hiện được hơn nửa tháng, nhưng đến nay Hiệp hội lương thực Việt Nam mới chỉ phân bổ xong chỉ tiêu thu mua tạm trữ lúa gạo cho các doanh nghiệp. Việc thu mua lúa, gạo hầu như vẫn chưa được các doanh nghiệp này thực hiện”.


Chính vì vậy, tâm lý chờ giá lúa xuống thấp hơn nữa của các doanh nghiệp là chuyện tất yếu. Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA cho biết, năm 2013, một số doanh nghiệp thu mua tạm trữ gạo bị thua lỗ nên năm nay, Hiệp hội phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ cho các doanh nghiệp dựa theo sự tự nguyện với 133 doanh nghiệp thành viên. Các doanh nghiệp chưa vội thu mua lúa, vì thế đội ngũ thương lái cũng chưa mặn mà gom lúa của nông dân.


Cần giải pháp cấp bách


Theo các chuyên gia nông nghiệp, giá bán lúa, gạo năm nay khó đạt mức cao. Do vậy, việc đáp ứng mục tiêu để dân lãi 30% là một thách thức lớn. Tuy nhiên, điều người nông dân mong mỏi nhất hiện nay là Chính phủ có biện pháp thiết thực để doanh nghiệp triển khai thu mua lúa cho nông dân.


Còn về dài hạn, Nhà nước phải đứng ra quy hoạch, liên kết giữa người nông dân, doanh nghiệp trong tiêu thụ lúa gạo.


Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA kiến nghị, năm sau, nếu Chính phủ tiếp tục thực hiện chủ trương thu mua tạm trữ lúa gạo thì doanh nghiệp sẽ giúp đỡ Chính phủ trong việc thu mua. Theo đó, các doanh nghiệp chỉ là khâu trung gian, lãi thì Chính phủ hưởng, còn lỗ thì Chính phủ chịu.

Để giải quyết đầu ra cho xuất khẩu gạo, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: “Bộ đang tích cực tìm các giải pháp để đẩy mạnh xuất khẩu gạo, trong đó yêu cầu các nước thực hiện cam kết đã ký trong việc nhập khẩu gạo của Việt Nam”.


Theo TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược nông nghiệp và Phát triển nông thôn (ISPARD) cho rằng, đã là doanh nghiệp thì hoạt động sản xuất kinh doanh phải hướng đến mục tiêu lợi nhuận. Do đó, sự ngần ngại của doanh nghiệp trong việc mua lúa gạo tạm trữ cho nông dân là dễ hiểu.


Trong động thái giải quyết đầu ra cho lúa gạo, Bộ NN&PTNT vừa ban hành quy chế kiểm tra, giám sát việc mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ đông xuân 2014 tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, Bộ sẽ kiểm tra việc phân giao chỉ tiêu mua thóc, gạo cho các doanh nghiệp; tài chính, kho chứa, khả năng tiêu thụ; giám sát thời gian mua, số lượng, thời gian tạm trữ...

 


Lê Nghĩa - Hữu Vinh

Hỗ trợ nông dân tiêu thụ lúa gạo

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã bước vào những ngày cao điểm thu hoạch rộ lúa vụ đông xuân. Mặc dù chương trình hỗ trợ lãi suất thu mua tạm trữ đã được triển khai nhưng việc tiêu thụ lúa gạo vẫn còn nhiều khó khăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN