Thu hoạch lúa Đông Xuân sớm tại huyện Vị Thủy (Hậu Giang). Ảnh: Duy Khương/TTXVN
Với năng suất này, năng suất lúa vụ Đông Xuân 2024 - 2025 của Hậu Giang đang thấp hơn từ 1 - 2 tấn/ha so vụ lúa Đông Xuân cùng kỳ.
Ông Nguyễn Văn Châu, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, cho biết vụ Đông Xuân này, gia đình sạ lúa Đài Thơm 8 hơn 1 ha. Gần đến ngày thu hoạch, cây lúa khá nặng hạt, nhưng khi thu hoạch xong và cân bán thì chỉ đạt khoảng 6 tấn/ha, thấp hơn vụ Đông Xuân 2023 - 2024 khoảng 1,5 tấn/ha.
Không riêng gì ruộng của ông Châu, mà hầu hết nông dân ở cánh đồng này đều gặp tình cảnh tương tự về năng suất thấp so cùng kỳ. Nguyên nhân được nông dân cho biết, do ảnh hưởng thời tiết mưa nắng bất thường, nên năng suất lúa đầu vụ năm nay không cao.
Cùng với đó, giá lúa Đông Xuân sớm tại Hậu Giang đang thấp hơn khá nhiều so với cùng kỳ. Cụ thể, giống lúa Đài Thơm 8 được cân bán tại ruộng có giá từ 6.300 - 6.500 đồng/kg, giống OM 5451 ở mức 6.000 đồng/kg, nhóm giống lúa ST từ 8.200 - 8.300 đồng/kg. So vụ lúa Đông Xuân cùng kỳ, giá bán lúa đang giảm bình quân từ 1.500 - 1.800 đồng/kg.
Theo nhiều nông dân tỉnh Hậu Giang, chi phí đầu tư cho vụ lúa Đông Xuân năm nay tăng hơn so với vụ lúa Đông Xuân cùng kỳ. Trong khi, cả năng suất và giá lúa lại giảm mạnh nên thu nhập của người trồng lúa Đông Xuân sớm tại Hậu Giang bị giảm đáng kể.
Cụ thể, với năng suất và giá bán hiện nay, sau khi trừ chi phí đầu tư, nông dân chỉ kiếm được nguồn lợi nhuận chưa đến 0,3 triệu đồng/ha sau hơn 3 tháng đầu tư, chăm sóc lúa; giảm gần 0,2 triệu đồng/ha so với vụ Đông Xuân 2023 - 2024.
Theo bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hậu Giang, vụ lúa Đông xuân 2024 - 2025, nông dân Hậu Giang gieo sạ được gần 74.000 ha, vượt 100,4% kế hoạch, hiện có hơn 40.000 ha đang trong giai đoạn trổ chín. Hậu Giang đặt kế hoạch thu nhập người trồng lúa, giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 30%, trong đó tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa đạt trên 40%.
Tại các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp; ngành nông nghiệp đẩy mạnh khuyến cáo người dân giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống còn 80 - 100 kg/ha, giảm 20% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống, đồng thời 100% diện tích áp dụng một trong các quy trình canh tác bền vững như 1 phải 5 giảm, SRP, tưới khô xen kẽ và các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận, được cấp mã số vùng trồng.
Cùng với đó, tỉnh cũng tổ chức lại sản xuất để 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 50% diện tích...