Để đạt mục tiêu đề ra, ngành nông nghiệp tỉnh Long An đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nông dân, các tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo ứng dụng công nghệ cao; đồng thời, tăng cường tổ chức hội thảo tổng kết, đánh giá các mô hình. Xem xét, hỗ trợ kinh phí để xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng và tiếp tục tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, khuyến khích nông dân sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP...
Ngoài ra, tỉnh Long An tiếp tục triển khai đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất, đưa phương pháp cấy, sạ hàng, sạ thưa vào sản xuất. Đặc biệt, tỉnh đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kêu gọi, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.
Cũng theo ông Nguyễn Chí Thiện, đến nay toàn tỉnh Long đã xây dựng 62 mô hình với gần 13.400 ha lúa ứng dụng công nghệ cao. Hầu hết, diện tích lúa ứng dụng công nghệ cao này đều sử dụng giống chất lượng cao đã đạt chuẩn cấp xác nhận; sử dụng cơ giới hóa trong sản xuất; sử dụng tia laser để san bằng mặt ruộng; ứng dụng máy phun phân đeo vai, máy phun thuốc tự hành, thu hoạch bằng máy; đồng thời, sử dụng phân hữu cơ vi sinh để giảm phân hóa học, sử dụng chế phẩm nấm xanh quản lý rầy nâu, trồng hoa sinh thái trên bờ ruộng và có ký kết bao tiêu sản phẩm.
Kết quả sản xuất những năm vừa qua, các mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao giúp giảm chi phí sản xuất trung bình từ 2 - 2,5 triệu đồng/ha và năng suất bình quân tăng 300 - 500 kg/ha; lợi nhuận trong mô hình cao hơn ngoài mô hình từ 4 - 6 triệu đồng/ha. Đặc biệt, đối với mô hình lúa cấy gắn với tiêu thụ lúa giống, lợi nhuận cao hơn ngoài mô hình từ 6 - 8 triệu đồng/ha.