Long An: Phát triển các mô hình hợp tác xã liên kết chuỗi giá trị quy mô lớn

Theo Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Long An Trần Quốc Toản, với nhiều chính sách hỗ trợ, hoạt động của các loại hình kinh tế tập thể trên địa bàn ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực.

Chú thích ảnh
Thu hoạch lúa tại cánh đồng của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thạnh Hưng ở xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An. Ảnh tư liệu: Vũ Sinh/TTXVN

Toàn tỉnh hiện có 295 hợp tác xã; trong đó, 100% hợp tác xã đang hoạt động đã chuyển đổi và đăng ký lại theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Doanh thu bình quân của hợp tác xã đạt trên 1,6 tỷ đồng, lãi bình quân đạt 150 triệu đồng mỗi năm. Thu nhập bình quân của thành viên hợp tác xã đạt 4,5 triệu đồng/tháng.

Nhiều hợp tác xã được đánh giá hoạt động hiệu quả với các mô hình như: ứng dụng công nghệ cao trong trồng rau của Hợp tác xã rau an toàn Phước Hòa (huyện Cần Đước, Long An) trên diện tích 11 ha, sản lượng hàng năm đạt trên 600 tấn rau; mô hình hoàn thiện và mở rộng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn gắn với cơ giới hóa đồng bộ theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến xây dựng thương hiệu sản phẩm, thực hiện trên diện tích 600 ha của Hợp tác xã nông nghiệp Hương Trang (huyện Mộc Hóa, Long An); hay các hợp tác xã như Gò Gòn, Mỹ Thạnh...có doanh thu tăng trưởng đều theo các năm, lợi nhuận mang lại cho các thành viên cao hơn bên ngoài từ 4 - 6 triệu/ha.

Các mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn nhìn chung có những chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng, phù hợp với nhu cầu tổ chức sản xuất của người dân, liên kết chuỗi giá trị với doanh nghiệp. Các liên hiệp hợp tác xã phát triển theo hướng liên kết chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa quy mô lớn, tạo việc làm ổn định cho người lao động; làm tốt vai trò kết nối các thành viên với đối tác để cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo nhu cầu của thành viên và thị trường.

Theo ông Trần Quốc Toản, năm 2023, đơn vị tập trung thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn.

Cụ thể, đơn vị tập trung thực hiện các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, hội thảo về mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả; mở rộng và nâng cao các hoạt động tư vấn, tạo sự liên kết hợp tác giữa các thành viên; phát động, tổ chức các phong trào thi đua sâu, rộng, thiết thực trong khu vực hợp tác xã, nhân rộng những điển hình tiên tiến; đồng thời, biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có sáng kiến, thành tích xuất sắc trong phong trào phát triển kinh tế hợp tác của địa phương.

Liên minh Hợp tác xã tỉnh tập trung thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, phát huy tốt năng lực đáp ứng các hoạt động hỗ trợ hợp tác xã; tập trung đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ và thành viên các hợp tác xã nông nghiệp, đặc biệt là nâng cao năng lực về quản trị, xây dựng và thực hiện hiệu quả phương án sản xuất, kinh doanh, kiến thức tiếp cận thị trường... Đơn vị chú trọng xây dựng và nhân rộng những mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả, tránh tình trạng thành lập các hợp tác xã theo phong trào...

Bùi Giang (TTXVN)
Tuyên Quang thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã
Tuyên Quang thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã

Để đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP 9% trong năm 2023, ngay từ những tháng đầu năm, tỉnh Tuyên Quang đã và đang triển khai hàng loạt các giải pháp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, với quan điểm "Thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN