Chính vì thế mà người trồng tỏi ở đây vẫn loay hoay tìm kiếm cách tiêu thụ sản phẩm ra thị trường.
Hiện tỏi niên vụ Đông Xuân 2023 - 2024 đang bước vào vụ thu hoạch, nhưng không khí mua bán trầm lắng. Do không có mối tiêu thụ, rất ít người bán được tỏi vào thời điểm này. Thậm chí, giá mua bán phải chờ thương lái quyết định, do chưa thiết lập hợp đồng liên kết.
Điển hình như hộ ông Lê Văn Thành ở thôn Xuân Tây, xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh), vụ này trồng 4.000 m2 tỏi. Hiện nay ông đã cơ bản thu hoạch xong, năng suất đạt trung bình 6 tạ/sào. Tuy nhiên, ông chỉ bán được tỏi tươi với giá dao động từ 21.000 - 25.000 đồng/kg (tùy loại), giá tỏi khô khoảng 40.000 đồng/kg, sau khi trừ tất cả chi phí chỉ lãi 3 triệu đồng/sào. Theo ông Thành so niên vụ trước, năm nay, tỏi được mùa hơn nhưng giá thấp 5.000 - 10.000 đồng/kg nên nông dân lãi ít.
Tương tự, tại xã Ninh Sơn (thị xã Ninh Hòa), người trồng tỏi đang trong giai đoạn thu hoạch chính vụ. Giá tỏi từ đầu năm đến nay đã giảm khoảng 65%, khiến nhiều nông dân lo lắng về lợi nhuận.
Thực tế, trên địa bàn xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa đã thành lập Tổ hợp tác trồng tỏi từ vài năm trước, nhưng đến nay tổ hợp tác này vẫn chưa tìm được liên kết tiêu thụ cho cây tỏi đặc sản.
Ông Đào Quang Học, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng tỏi tại xã Ninh Sơn chia sẻ, dù tỏi năm nay phần lớn đạt được năng suất cao và củ lớn, nhưng giá bán của tỏi đã giảm mạnh, khoảng 65%, từ đầu năm đến nay. Giá tỏi trước mùa thu hoạch khoảng 90.000 - 110.000 đồng/kg nhưng sau đó giảm còn 35.000 đồng/kg cho tỏi tươi. Do chi phí sản xuất cao, giá bán này khiến lợi nhuận rất hạn chế.
Ngoài ra, việc tiêu thụ tỏi ở địa phương này gần như phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái đến từ Quãng Ngãi thu mua. Ở thời điểm hiện tại, sự "lạnh nhạt" của các thương lái khiến đa số tỏi tươi chưa được bán ra và giá của tỏi khô vẫn chưa ổn định.
Ông Học cũng cho rằng, việc bán hàng cho các thương lái lớn thường đi kèm với việc bị ép giá, mặc dù thanh toán ngay. Đối mặt với tình hình kinh doanh tỏi không ổn định, cộng đồng nông dân địa phương mong muốn thiết lập mối liên kết với các doanh nghiệp thu mua để cải thiện tình hình giá cả và tạo đầu ra ổn định sản phẩm, từ đó giúp họ có thu nhập ổn định và cao hơn từ việc trồng tỏi.
Để năng cao giá trị cây tỏi, ông Trần Trung Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh chia sẻ, chính quyền địa phương đang tìm cách nâng cao giá trị sản phẩm thông qua việc xây dựng mô hình sản xuất tỏi VietGAP, với hy vọng chứng nhận này sẽ giúp tỏi Ninh Sơn và các khu vực khác ở Khánh Hòa có thể tiếp cận thị trường rộng lớn hơn, qua đó nâng cao đầu ra và giá bán cho tỏi địa phương.
“Về phát triển và tiếp thị sản phẩm, xã đã kết nối với thị trường thông qua việc áp dụng mô hình VietGAP, tận dụng công nghệ tưới tiết kiệm và phun vòi nước thông minh. Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn giúp tiết kiệm nguồn nước, hướng tới một nền nông nghiệp bền vững. Bên cạnh việc triển khai mô hình VietGAP, địa phương cũng đã tiến hành áp dụng mô hình tưới phun trên cây tỏi, nhằm tối ưu hóa việc tưới nước, sử dụng biện pháp kiểm soát sâu bệnh, giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm”, ông Trần Trung Thông cho biết thêm.
Theo ông Trần Thiện Hùng, Chi cục trưởng chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Khánh Hoà, tổng diện tích trồng tỏi của tỉnh đạt 385 ha, trong đó, huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa là hai khu vực chính với diện tích trồng tương ứng là 180 ha và 205 ha.
Hiện nay, tỏi Vạn Hưng đã đạt tiêu chuẩn VietGAP và đạt được chứng nhận OCOP 3 sao. Xã Vạn Hưng có kế hoạch chỉ duy trì diện tích trồng tỏi ổn định ở mức tối đa 150 ha; đồng thời, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ và thu hút đầu tư cho việc chế biến sâu để tạo hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, xã chọn lựa giống tỏi chất lượng cao, chịu hạn và đồng đều, kết hợp sử dụng công nghệ chế biến tiên tiến, từ đó tăng năng suất và đa dạng hóa sản phẩm, mở ra cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn hơn cho sản phẩm địa phương.
Năm 2024, tổng diện tích trồng tỏi của tỉnh đạt 385 ha; trong đó, huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa là hai khu vực chính với diện tích trồng tương ứng là 180 ha và 205 ha.
Trước đó, vào đầu thập niên 1990, người dân từ Lý Sơn đã đưa giống tỏi ở huyện đảo này về trồng thử nghiệm tại xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Sự phù hợp của thổ nhưỡng và điều kiện khí hậu tại Khánh Hòa đã giúp giống tỏi này nhanh chóng thích nghi và phát triển diện tích, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương. Từ các xã Ninh Phước, Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa), việc trồng tỏi đã lan rộng ra các khu vực lân cận như xã Ninh Sơn (thị xã Ninh Hòa); xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh)...