ECB vẫn đang giữ kế hoạch hạ lãi suất từ các mức cao kỷ lục, có thể là tại cuộc họp tiếp theo vào tháng Sáu tới, giữa lúc lạm phát tiếp tục giảm ở 20 quốc gia sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone). Trong khi đó tại Mỹ, lạm phát đã vượt dự đoán của giới phân tích ba tháng liên tiếp, và hiện Fed được dự đoán là phải đến tháng Chín mới bắt đầu hạ lãi suất.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde ngày 11/4 khẳng định các quyết định của ngân hàng này chỉ phụ thuộc vào số liệu, chứ không phụ thuộc vào Fed. Nhưng giới phân tích và các nhà hoạch định chính sách lại cho rằng lãi suất và lạm phát cao ở Mỹ sẽ tác động đến các kế hoạch của ECB thông qua các thị trường tài chính và hoạt động thương mại.
Ông Max Stainton, chuyên gia cấp cao của công ty Fidelity International, cho biết dù công ty này vẫn tin rằng ECB sẽ là ngân hàng trung ương lớn đầu tiên bắt đầu hạ lãi suất trong năm nay, nhưng lộ trình này còn phụ thuộc vào Fed.
Trong dấu hiệu cho thấy sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các ngân hàng trung ương ở thời điểm hiện tại, Ngân hàng trung ương Thụy Điển (Riksbank) ngày 11/4 cho biết nguy cơ chính đối với kế hoạch hạ lãi suất vào tháng Năm của ngân hàng này là khả năng trì hoãn việc nới lỏng chính sách của Fed và ECB.
Sau cuộc họp ngày 11/4 của ECB, các nguồn thạo tin cho hay các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng này vẫn dự đoán sẽ hạ lãi suất vào tháng Sáu, nhưng một số người cho rằng khả năng “án binh” tại cuộc họp tới đã tăng lên trước số liệu lạm phát của Mỹ. Những người này cho rằng ECB có thể sẽ chưa hạ lãi suất cho đến khi lộ trình lãi suất của Mỹ rõ ràng hơn.
Nguyên nhân của việc này là vì lãi suất ở Eurozone thấp hơn ở Mỹ sẽ khiến đồng euro giảm giá so với đồng USD, từ đó khiến hàng hóa được định giá bằng USD, như dầu thô, trở nên đắt đỏ hơn. Điều này đã bắt đầu xảy ra, khi đồng euro đã giảm 1,3% xuống mức thấp nhất kể từ tháng Hai so với đồng USD sau khi số liệu lạm phát tháng Ba của Mỹ được công bố.
Thị trường hiện dự đoán ECB sẽ hạ lãi suất ba lần trong năm nay, thay vì bốn lần như dự đoán chỉ cách đây một tuần.