Mệt mỏi vì xếp hàng chờ đăng kiểm
Hai ngày nay, anh Cao Bá Hùng, ở quận Long Biên đưa xe đi kiểm định phải sang tận Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-08D (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) để xếp hàng nhưng vẫn chưa đến lượt. Thấp thỏm, lo ngại vì sắp hết hạn tem kiểm định vào ngày 11/3/2023, anh Cao Bá Hùng cho biết, tình trạng này kéo dài, gây ảnh hưởng lớn đến công việc đã phải sắp xếp ở cơ quan, trong khi nếu chưa được đăng kiểm, khi tham gia giao thông sẽ bị lực lượng chức năng xử phạt.
“Hiện nay, các trung tâm đăng kiểm đều ùn tắc, tôi chủ động đưa xe đi đăng kiểm từ ngày 7/3 (4 ngày trước khi hết hạn đăng kiểm) tại trung tâm này, nhưng mất 2 ngày đi đi về về vẫn chưa đến lượt vì quá đông ô tô chờ đợi. Gần đến lượt lại hết giờ hoạt động... Mất công mất việc xin nghỉ làm, nhưng không biết đến khi nào xe mới được đăng kiểm”, anh Cao Bá Hùng chia sẻ.
Tương tự, nhiều lái xe còn sẵn sàng đưa phương tiện sang các tỉnh lân cận Hà Nội như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên... sớm nhiều ngày so với ngày hết hạn kiểm định, nhưng các trung tâm đăng kiểm địa phương cũng đồng cảnh ngộ, thậm chí đi đến nơi còn phải chờ đến hôm sau mới xếp hàng đến lượt... Không chỉ ảnh hưởng đến người dân, việc quá tải đăng kiểm đang gây khó khăn đối với các doanh nghiệp vận tải có nhiều đầu xe, nhất là trong lĩnh vực vận tải hàng hoá.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, việc ùn tắc đăng kiểm khiến nhiều lái xe, chủ xe tải, xe container vận chuyển hàng hoá hết hạn đăng kiểm không dám lưu thông ra đường vì mức phạt cao, đã dẫn đến sự chậm trễ trong quá trình vận chuyển nguyên vật liệu cần cho sản xuất, ảnh hưởng đến tiến độ, sản lượng của các doanh nghiệp vận tải, sản xuất kinh doanh. Chưa kể, việc chậm trễ trong việc giao hàng hoá xuất nhập khẩu còn khiến các doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ bồi thường hợp đồng, kéo theo nhiều hệ luỵ.
Thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT), đến ngày 8/3, cả nước có 61/281 trung tâm đăng kiểm bị tạm dừng hoạt động, trong đó có 53 trung tâm đăng kiểm tạm dừng hoạt động để phục vụ công tác điều tra, 8 trung tâm đăng kiểm dừng do không đủ điều kiện theo Nghị định 139/2018/NĐ-CP. Đáng chú ý, tại Hà Nội, 22/31 đơn vị đăng kiểm, với 41 dây chuyền kiểm định đang dừng hoạt động. Còn tại TP Hồ Chí Minh, 9 trung tâm đăng kiểm, với 17 dây chuyền kiểm định bị tạm dừng hoạt động, khiến tình trạng ùn tắc đăng kiểm ngày càng nghiêm trọng. Khả năng đáp ứng nhu cầu kiểm định xe của người dân chỉ đạt khoảng 30 - 40% so với trước đây.
Trước thực tế trên, việc xác định bổ sung nhân sự để các trung tâm đăng kiểm duy trì hoạt động đang cấp bách, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Bộ Nội vụ cho phép Cục Đăng kiểm Việt Nam được ký hợp đồng lao động với người lao động tại một số vị trí công việc của đơn vị, cho đến khi tuyển dụng đủ viên chức theo quy định. Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đang vận động các đăng kiểm viên xin nghỉ, nghỉ hưu quay trở lại làm việc, nhằm đảm bảo trách nhiệm phục vụ người dân.
Sớm có giải pháp xử lý dứt điểm
Ông Nguyễn Văn Quyền cho biết thêm, trong giai đoạn cấp bách hiện nay, các cơ quan liên quan nên nới thời hạn kiểm định xe đối với xe ô tô cá nhân có tần suất hoạt động ít hơn so với các xe kinh doanh vận tải, khả năng đảm bảo các điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (ATKT & BVMT) tốt hơn; đồng thời, cần nêu cao vai trò quản lý của Sở GTVT các địa phương đối với các trung tâm đăng kiểm. Về lâu dài, Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam cần nghiên cứu giải pháp tổng thể giải quyết vấn đề ùn tắc đăng kiểm, đẩy nhanh việc miễn đăng kiểm lần đầu đối với ô tô mới, tạo điều kiện cho các cơ sở bảo dưỡng được kiểm định phương tiện có giám sát.
Trước thực tế trên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu Bộ Công an, Bộ GTVT sớm có giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng ùn tắc nghiêm trọng tại các trung tâm đăng kiểm, không được gây ảnh hưởng đến người dân.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, công tác kiểm định phương tiện giao thông là dịch vụ công quan trọng, bảo đảm an toàn, tính mạng cho người dân. Việc khởi tố, điều tra các vụ án tiêu cực tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và tại nhiều trung tâm đăng kiểm đã bộc lộ rõ những sai phạm, yếu kém, từ đó, xác định được nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm để chấn chỉnh, xử lý, nhằm thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan quản lý Nhà nước với người dân.
Thực tế, trong một thời gian dài, việc kiểm định, hoán cải phương tiện giao thông vận tải diễn ra tuỳ tiện, không đúng các quy chuẩn kỹ thuật, quy định pháp luật. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT sớm đưa ra hướng dẫn cho phép các trung tâm bảo trì, bảo dưỡng của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu xe ô tô đủ điều kiện được tham gia thực hiện kiểm định xe; thực hiện miễn đăng kiểm lần đầu đối với ô tô mới sản xuất, lắp ráp và xe cơ giới nhập khẩu chưa qua sử dụng.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT tập trung huy động, điều phối nhân lực đăng kiểm viên, cán bộ nghiệp vụ ở các địa phương khác "chi viện" cho các trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, kết hợp tăng ca, kíp để đáp ứng nhu cầu kiểm định của người dân. Bộ Công an tiếp tục phân hoá các nhóm đối tượng vi phạm để có phương thức đấu tranh phù hợp, nhất là những đối tượng chủ mưu, cầm đầu.
Về lâu dài, Bộ GTVT phối hợp với Bộ Công an để xem xét phương thức tách chức năng quản lý Nhà nước và hoạt động của các trung tâm kiểm định, bảo đảm minh bạch, rõ ràng; tăng cường công tác đào tạo; quan tâm chế độ, chính sách cho đội ngũ đăng kiểm viên…