Lỗ hổng trong quản lý xe 'hai khúc' biển kiểm soát Lào: Cần sự vào cuộc của cơ quan có thẩm quyền

Thời gian qua, TTXVN đã có loạt 3 bài phản ánh tình trạng xe ô tô kéo rơ moóc nhiều cụm trục loại từ 26-28 bánh gắn biển kiểm soát Lào (xe 2 khúc) với tải trọng 50 đến trên 60 tấn được nhập cảnh qua cửa khẩu Cầu Treo (tỉnh Hà Tĩnh) khi lưu thông vào nội địa khiến nhiều tuyến đường bị hư hỏng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, tạo sự bất công đối với doanh nghiệp vận tải trong nước.

Chú thích ảnh
Theo quy định, xe "hai khúc" chỉ được thông quan nếu tổng trọng tại không quá 48 tấn. Ảnh: Văn Tý/TTXVN

Đặc biệt, trong nội dung trả lời cũng như văn bản phản hồi của Sở Xây dựng tỉnh Hà Tĩnh, Chi cục Hải quan Vùng XI, các nội dung trả lời không phản ánh đúng trọng tâm các câu hỏi đã nêu. Loạt bài đã nhận được sự quan tâm của dư luận.

Để tiếp tục làm rõ những nội dung liên quan, TTXVN đã tiếp tục tìm hiểu, làm việc với cơ quan chức năng để thông tin tới độc giả những thông tin chính xác, kịp thời.

Xe quá tải lọt cửa khẩu vì luồng xanh, nước mưa?

Theo Chi cục Hải quan Khu vực XI, với những nội dung được TTXVN phản ánh thời gian qua, đơn vị đã nắm bắt được. Đồng thời, những nội dung này được đơn vị kiểm tra liên tục, thường xuyên từ trước đến nay. Đơn vị cũng quán triệt tất cả cán bộ đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đúng quy định thủ tục hải quan quản lý, nếu vi phạm pháp luật phải chịu trước hết về mặt pháp luật và thủ trưởng cơ quan.

Với những hoạt động thông quan xe ô tô kéo rơ moóc nhiều cụm trục loại từ 26-28 bánh gắn biển kiểm soát Lào (xe 2 khúc) thời gian qua, lãnh đạo Chi cục Hải quan Khu vực XI khẳng định đều thực hiện đúng quy định theo Hiệp định tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện vận tải giữa 2 nước Việt - Lào được ký vào năm 2009 và Nghị định thư hướng dẫn cụ thể vào năm 2010. Đồng thời, đơn vị thực hiện các quy định kiểm soát hàng hóa khi thông quan dựa trên Thông tư 39/2024-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải và nay là Thông tư 12/2025-BXD của Bộ Xây dựng, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

Theo đó, xe “hai khúc” sẽ được xem là tổ hợp xe ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc, loại từ 6 đến 7 trục có trọng tải toàn bộ từ 44 tấn đến 48 tấn, tùy khoảng cách tâm bánh xe đầu tiên của rơ moóc. Chứ không phải là xe ô tô kéo rơ moóc nhiều cụm trục quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 15, Thông tư 39/2024/TT-BGTVT với tổng trọng tải xe và hàng không quá 45 tấn như đại diện Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Nghệ An khẳng định trước đó.

Khi được yêu cầu giải thích thông tin được phóng viên TTXVN phản ánh có nhiều xe “hai khúc” biển kiểm soát Lào khi thông quan qua Cửa khẩu Cầu Treo được có tải trọng từ 50 đến 60 tấn (vượt quá mức 48 tấn) thì lãnh đạo Chi cục Hải quan Khu vực XI cho rằng có thể do xe được ưu tiên qua luồng xanh của hải quan.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Khu vực XI Nguyễn Thành Trung lý giải: “Các số liệu trên hệ thống của anh em chúng tôi không có. Tuy nhiên nếu trường hợp xe đó chở hàng hóa mức độ người ta chấp hành tốt pháp luật và đã được hệ thống phân qua luồng xanh thì miễn kiểm tra, thì có thể rơi vào trường hợp đó”. 

“Ngoài ra, thực tế trong quá trình kiểm tra các mặt hàng có thể gặp trời mưa, theo suy đoán của tôi thì những hàng chứa đất đá không phải quặng tinh thì nó có thể ngấm thêm nước mưa sẽ nặng thêm” ông Nguyễn Thành Trung thông tin thêm.

Khi được phóng viên yêu cầu đối chiếu, kiểm tra thông tin về một số phương tiện vận tải cụ thể chở từ 50 đến 60 tấn khi vào Việt Nam mà TTXVN đã phản ánh trước đó, đại diện Chi cục Hải quan Khu vực XI cho biết, việc kiểm tra thực hiện theo lô hàng, chứ không cụ thể từng xe.

Cụ thể, theo phản ánh của bài đăng các phương tiện mang biển kiểm soát Lào 3979, 3993, 3082, 8554, 8776, 3622 đều là xe đầu kéo sơ mi rơ moóc và là xe 7 trục vận chuyển quặng sắt được khai báo có 3 lô; trong đó, lô 1 là 740 tấn được vận chuyển trên 25 phương tiện. Lô thứ 2 là 703 tấn được chở trên 22 phương tiện, lô thứ 3 là 353 tấn được vận chuyển trên 11 phương tiện. Như vậy, tính bình quân, lô đầu tiên mỗi phương tiện chở 29,6 tấn. Lô thứ 2 là 31,966 tấn/xe và lô thứ 3 là 32 tấn/xe.

Từ số liệu trên Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Khu vực XI Nguyễn Thành Trung kết luận “Hải quan cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đã thực hiện thủ tục thông quan đối với các phương tiện trên theo đúng quy định của pháp luật và cam kết quốc tế”. 

Dư luận đặt câu hỏi tại sao cơ quan Hải quan không thể kiểm tra cụ thể từng loại xe như thông tin phóng viên yêu cầu? Có hay không việc doanh nghiệp lợi dụng luồng xanh để thông quan xe quá tải? Bởi thực tế, cùng một lô hàng có nhiều loại xe có tải trọng khác nhau vận chuyển, trong khi việc tính bình quân là một phép chia cơ học thiếu độ chính xác, dễ che giấu vi phạm tải trọng. Ngoài ra, đối với dòng xe “hai khúc” trọng lượng xe rỗng cũng trên 19 tấn. Như vậy, nếu trung bình mỗi xe chỉ chở 29 tấn hàng đã là quá tải trọng quy định.

Cần có giải pháp kiểm tra, xử lý 

Không chỉ được dư luận quan tâm, sau loạt 3 bài “Lỗ hổng trong quản lý xe “hai khúc” biển kiểm soát Lào, TTXVN nhận được phản hồi của Công ty TNHH EPL Group (trụ sở tại Viêng Chăn, Lào). Tuy nhiên, có thể do bất đồng ngôn ngữ nên một số nội dung phản hồi chưa thực sự chính xác. Cụ thể, loạt bài viết của TTXVN đề cập đến dòng xe “hai khúc” biển kiểm soát Lào khi lưu thông vào Việt Nam nói chung chứ không đề cập riêng xe của Công ty TNHH EPL Group. Tuy nhiên, xét thấy Công ty TNHH EPL Group là đơn vị có lợi ích liên quan nên Cơ quan thường trú TTXVN tại Hà Tĩnh sẽ phúc đáp một số nội dung liên quan.

Theo đơn trình bày Công ty TNHH EPL Group là doanh nghiệp vận tải hàng hóa nội địa Lào và quá cảnh qua Việt Nam đã được cơ quan chức năng Lào cấp phép hoạt động nhiều năm.  Đơn vị có hai loại phương tiện vận tải chính gồm xe đầu kéo kéo rơ-mooc và xe tải kéo rơ moóc (còn gọi là xe “hai khúc”). Đây là loại xe có thiết kế kỹ thuật phía trước là xe tải có chức năng vận tải hàng hóa riêng kéo theo rơ moóc có thùng riêng để chở hàng hóa được xem như là 2 phương tiện riêng biệt.

Tại Lào dòng xe này được đăng kiểm theo pháp luật Lào tổng trọng tải tối đa được phép chở 70 tấn. Đồng thời, cho rằng ở Việt Nam dòng xe đầu kéo có 6 trục cơ bản khối lượng tối đa khi cho phép giao thông là 48 tấn (mỗi trục 8 tấn), vậy xe “hai khúc” có 8 trục cơ bản thì tổng trọng lượng tham gia giao thông phải là 64 tấn. Từ những nội dung trên, Công ty TNHH EPL Group cho rằng việc TTXVN phản ánh tình trạng xe “hai khúc” làm hỏng đường Việt Nam là không có cơ sở.

Với những nội dung trên, Cơ quan thường trú TTXVN tại Hà Tĩnh phúc đáp như sau: Đối với việc vận tải hàng hóa từ Lào vào lãnh thổ Việt Nam hiện nay đều thực hiện theo Hiệp định tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ qua lại biên giới Việt Nam và Lào và Nghị định thư thực hiện Hiệp định trên; trong đó, các phương tiện giao thông, có xe “hai khúc” phải tuân thủ, Điều 4 Hiệp định “Phương tiện khi hoạt động trên lãnh thổ của Bên kia phải tuân thủ pháp luật và quy định về giao thông vận tải đường bộ của Bên đó” cùng Thông tư số 39/2024/TT-BGTVT do Bộ Giao thông vận tải ban hành. Điều này được các cơ quan chức năng Việt Nam khẳng định. Theo đó, với dòng xe “hai khúc” trọng tải tối đa không quá 48 tấn. Ngoài ra, tại Việt Nam xe có chiều dài trên 20 m, tổng tải trọng trên 48 tấn sẽ được xem là xe siêu trường, siêu trọng cần có giấy phép lưu thông riêng.

Trong loại 3 bài viết “ Lỗ hổng trong quản lý xe “hai khúc” biển kiểm soát Lào, TTXVN đã phản ánh tình trạng xe trọng tải lớn; trong đó, có xe “hai khúc” từ Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh) để “né” trạm thu phí đã đi vào tuyến ĐH20 qua địa phận xã Trung Phúc Cường nay là xã Thiên Nhẫn (Nghệ An) khiến tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng dù chính quyền địa phương liên tục trích ngân sách tu sửa. Tuyến đường này được cơ quan chức năng cắm biển cấm trọng tải 30 tấn. Vì vậy, nội dung Công ty TNHH EPL Group cho rằng việc xe “hai khúc” với tổng trọng tải 64 tấn không làm hỏng đường Việt Nam, đề nghị công ty chuyển đến Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Nghệ An để được giải đáp.

Liên quan đến các nội dung TTXVN phản ánh, ngày 11/7, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh có văn bản yêu cầu kiểm tra, xử lý đối với các nội dung phản ánh của TTXVN liên quan đến hoạt động vận tải hàng hóa qua Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo và trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Trần Báu Hà giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Chi cục Hải quan Khu vực XI và các đơn vị, địa phương liên quan nghiên cứu, kiểm tra, rà soát cụ thể nội dung phản ánh của TTXVN. Đồng thời, có văn bản trả lời TTXVN theo đúng quy định; hoàn thành, báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh trước ngày 20/7/2025.

Tuy nhiên, hiện nay TTXVN vẫn chưa nhận được văn bản trả lời của Sở Xây dựng tỉnh Hà Tĩnh. Trước đó, ngày 25/6, Cơ quan thường trú TTXVN tại Hà Tĩnh cũng có văn bản gửi Cục Hải quan đề nghị xử lý thông tin báo nêu nhưng hiện vẫn chưa có văn bản phản hồi.

Văn Tý - Xuân Tiến - Hữu Quyết (TTXVN)
Lỗ hổng trong quản lý, kiểm soát xe 'hai khúc' biển số Lào - Bài cuối: Nút thắt chưa được tháo gỡ
Lỗ hổng trong quản lý, kiểm soát xe 'hai khúc' biển số Lào - Bài cuối: Nút thắt chưa được tháo gỡ

Trong khi nhiều địa phương trong cả nước siết chặt trọng tải xe "hai khúc" qua cửa khẩu thì ở Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh), hàng loạt xe có trọng tải 50 tấn, thậm chí trên 60 tấn vẫn ngang nhiên lăn bánh vào nội địa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN