Linh hoạt xử lý nợ

Theo các chuyên gia ngân hàng, giải quyết nợ xấu không chỉ là việc riêng của hệ thống ngân hàng mà đòi hỏi sự tham gia và trách nhiệm của toàn bộ các cơ quan nhà nước khác.

Xử lý nợ từng bước

TS Nguyễn Đức Thành -  Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng: Khi nợ xấu ở mức vừa phải và thuộc quy mô từng ngân hàng, ngân hàng sẽ từng bước thực hiện xử lý nợ xấu.

Theo ông Thành, trong bối cảnh sản xuất kinh doanh đang còn khó khăn thì việc tái cơ cấu tài chính doanh nghiệp và cơ cấu lại nợ cần được phát huy để vực “sức khỏe” doanh nghiệp. Đối với các khoản nợ xấu của khách hàng là doanh nghiệp, sau khi phân tích thực trạng tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh, nếu đánh giá khách hàng có khả năng trả nợ thì ngân hàng thực hiện cơ cấu lại nợ và yêu cầu khách hàng vay thực hiện biện pháp tái cấu trúc doanh nghiệp. Ngân hàng có thể cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp qua các hình thức: Điều chỉnh kỳ hạn nợ; gia hạn nợ; giảm, miễn một phần nợ lãi vay phải trả.

“Việc lựa chọn áp dụng giải pháp này phụ thuộc vào thiện chí trả nợ vay của khách hàng và tuân thủ theo các quy định pháp luật của từng ngân hàng. Việc giảm, miễn lãi đối với khách hàng coi như sự hy sinh một phần doanh thu của ngân hàng để có thể thu hồi được vốn đã cho vay”, ông Thành nói.

Theo lãnh đạo một NHTM có thị phần lớn trong nước, để cùng doanh nghiệp vượt khó, các NHTM cần tiếp tục hỗ trợ khách hàng bằng mức lãi suất hợp lý, triển khai các gói kích cầu theo lĩnh vực ưu tiên: Cho vay nông nghiệp nông thôn; lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa; cho vay xuất khẩu…

Doanh nghiệp sản xuất có lợi nhuận sẽ giảm nguy cơ nợ xấu (Ảnh minh họa).


Ông Đặng Bảo Khánh, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) nói: “Đã không còn thời "ngồi mát ăn bát vàng" như trước kia, thời mà doanh nghiệp “nài nỉ” mãi ngân hàng mới cho vay. Hiện các ngân hàng phải “năng nhặt chặt bị”, tích cực tìm kiếm các khách hàng có đủ điều kiện vay; đồng hành với doanh nghiệp để cơ cấu lại khoản nợ cũ cũng như cho vay nếu có dự án tốt”.

Lãnh đạo NHNN nhấn mạnh: Cách xử lý nợ xấu mà ngân hàng vẫn phải tiếp tục duy trì là phải hy sinh lợi nhuận để trích lập dự phòng. Đây là việc làm cần thiết ở thời điểm này. Đối với nợ xấu trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, phần lớn ngân hàng chủ động trích lập dự phòng (trích lập dự phòng 6 tháng đầu năm của SCB gần 100 tỷ đồng). Lũy kế từ cuối năm 2013 đến nay, tổng dự phòng rủi ro mà SCB đã trích lập lên đến 3.100 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Á Châu (ACB) phải trích dự phòng rủi ro tín dụng trên 500 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Phương Đông Việt Nam (OCB) trích dự phòng rủi ro tín dụng hơn 100 tỷ đồng khiến lợi nhuận của hai nhà băng này bị ảnh hưởng.

Huy động nguồn lực, tháo gỡ cơ chế

Đại diện Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia (ĐHQG) “hiến kế’ để xử lý nợ xấu như: Bơm tiền vào hệ thống từ ngân sách nhà nước (NSNN). Tuy nhiên, Chính phủ đã khẳng định không thể thực hiện biện pháp này do thâm hụt NSNN đã rất lớn; NHNN tự xoay xở tìm nguồn tiền; phải thay đổi quyền lực, cách thức xử lý tài sản nợ xấu của VAMC.

Đồng tình quan điểm này, TS Trần Du Lịch cho rằng: Một tổ chức mua bán nợ không thể chỉ dựa vào cơ chế, mà trước hết phải có năng lực tài chính, cần phải có một dòng vốn nằm ngoài hệ thống ngân hàng tạm thời bơm vào hệ thống để xử lý nợ. “Nợ mấy trăm ngàn tỷ mà vốn của VAMC có 500 tỷ đồng sao giải quyết được?”, TS Trần Du Lịch nói. Theo ông Lịch, để có nguồn vốn cho việc mua nợ xấu theo giá thị trường, cần bổ sung tài chính cho VAMC bao gồm: Tăng vốn điều lệ, sử dụng tiền vay nước ngoài của Chính phủ, NHNN phát hành tín phiếu.

Tuy nhiên theo PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (ĐHQG), không thể chỉ trông chờ vào việc giải quyết nợ xấu của hệ thống ngân hàng qua VAMC vì về bản chất, việc VAMC mua lại nợ bằng tiền thực hay ảo cũng chỉ giải quyết được về mặt kỹ thuật xóa sổ nợ xấu khỏi bảng cân đối kế toán của các ngân hàng, còn bản chất khoản nợ xấu đó vẫn chưa thu hồi được, chưa giúp ngân hàng và doanh nghiệp cải thiện tình hình tài chính.
Thừa nhận những bất cập khi triển khai, TS Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch VAMC cho rằng: Mô hình xử lý nợ xấu ở Việt Nam không dùng vốn ngân sách mang tính đặc thù chưa hề có trên thế giới nên nhiệm vụ của VAMC là “vừa khai phá, vừa thiết kế, vừa thi công”. Vì vậy cơ chế nghiệp vụ cần phải thay đổi liên tục sao cho phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn. VAMC phấn đấu đến hết 2015, tỷ lệ nợ xấu của các TCTD sau khi phân loại nợ theo Thông tư 02, Thông tư 09 của NHNN sẽ về dưới mức 3%. Ước tính số nợ xấu cần được VAMC xử lý vào khoảng 150.000 đến 200.000 tỷ đồng. Số nợ xấu này sẽ tiếp tục được VAMC mua bằng trái phiếu đặc biệt.

Theo ông Hùng, VAMC sẽ triển khai mua nợ theo giá thị trường sau khi được bổ sung vốn điều lệ. Tuy nhiên trước mắt, VAMC sẽ trình NHNN cho mua thí điểm khoản nợ nhỏ trước để rút kinh nghiệm triển khai khi đủ điều kiện về nguồn lực. Lãnh đạo VAMC cũng đề nghị Bộ Tư pháp ban hành Thông tư hướng dẫn đấu giá tài sản theo hướng tạo quyền cho VAMC xử lý nhanh nợ xấu trong việc phát mại tài sản và cho phép VAMC tham gia thực hiện thi hành án đối với khoản nợ đã bán mà tòa án đã tuyên để phát mại tài sản một cách quyết liệt. “Đề nghị các cơ quan nội chính, chính quyền các cấp hỗ trợ VAMC hoàn thiện hồ sơ pháp lý tài sản bảo đảm chưa hoàn chỉnh và quá trình thu hồi nợ, thu giữ tài sản cũng như phát mại tài sản bảo đảm”, ông Hùng kiến nghị.


Minh Phương

Tính đến ngày 1/9, VAMC đã mua được 3.591 khoản nợ tương ứng với 59.511 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng với giá mua là 49.378 tỷ đồng của 35 tổ chức tín dụng, trong đó có cả những ngân hàng không thuộc diện phải bán nợ xấu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN